Cục Viễn thông cho biết, quy hoạch kho số viễn thông đã dành ra đầu số 01x hiện đang dùng cho thuê bao di động 11 số để kết nối các thiết bị máy móc như tủ lạnh, ô tô, nhà thông minh… Sau khi chuyển xong mã vùng điện thoại cố định, các thuê bao 11 số hiện nay như 016xxxxxxxx, 012xxxxxxxx, 0199xxxxxxx, 018xxxxxxxx sẽ được chuyển sang sử dụng đầu số của dịch vụ cố định hiện nay. Ví dụ các thuê bao 11 số có thể sẽ được chuyển thành thuê bao 10 số bằng các đầu số được quy hoạch cho dịch vụ cố định hiện nay như 080xxxxxxx, 030xxxxxxx, 050xxxxxxx, 040xxxxxxx, 070xxxxxxx.
Một điểm khác biệt là Bộ TT&TT sẽ kéo dài thêm số thuê bao của đầu số 01x từ 7 chữ số như hiện nay lên 8 chữ số. Việc kéo dài này sẽ đảm bảo có 900 triệu số thuê bao đầu số 01x để kết nối các thiết bị thông minh.
Cục Viễn thông khẳng định, với 900 triệu số thuê bao đầu số 01x sẽ đảm bảo đủ cho việc kết nối các thiết bị thông minh trong nhiều năm tới khi xu hướng các thiết bị thông minh đều được gắn SIM để điều khiển từ xa.
Trước khi Bộ TT&TT ban hành quy hoạch về kho số viễn thông, các mạng di động luôn tỏ ra lo lắng về việc “cháy số” khi ngày càng nhiều thiết bị thông minh được gắn SIM. Trong cuộc họp với Bộ TT&TT hồi năm ngoái, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc MobiFone nói rằng, ngày càng có nhiều sản phẩm, thiết bị sử dụng SIM di động như ô tô, USB 3G, máy tính bảng… Vì vậy, cần phải có kho số đủ lớn để cung cấp cho việc kết nối này. Viettel cũng cho rằng xu hướng hiện nay là nhiều thiết bị cùng sử dụng SIM, không ít khách hàng đã sử dụng dịch vụ định vị xe ô tô do Viettel cung cấp. Ngoài ra, một số thiết bị trong gia đình sẽ sử dụng SIM.
Đại điện của Ericsson cho biết, các thiết bị điện, điện tử như nồi cơm điện, tủ lạnh, máy điều hòa… cũng sẽ được kết nối để người dùng điều khiển qua SIM di động. Xu hướng trong tương lai là xã hội kết nối.
Theo thông tin ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ và Đối tác của Cisco Việt Nam, con người đang kết nối ngày càng nhiều với thế giới thông qua các thiết bị thông minh được tích hợp Wi-Fi, Bluetooth, NFC, từ thiết bị gia dụng, y tế, công nghiệp…, mang lại những phương thức mới để chia sẻ thông tin và thay đổi cuộc sống. Quá trình chuyển đổi công nghệ này được gọi là Mạng Internet của sự vật - The Internet of Things. Hiện hơn 99% sự vật (vật thể) trong thế giới vật chất hiện vẫn chưa được kết nối và 64% trong số này nằm ở các quốc gia đang phát triển. Dự báo đến 2020 sẽ có 56 tỉ thiết bị được kết nối tới mạng Internet. Dựa trên nền tảng của sự kết nối, cộng thêm mạng lưới thông minh và bảo mật, mạng Internet đang tiến tới một thế giới được kết nối nhiều hơn.
Ông Ross Fowler, Phó Chủ tịch Tập đoàn Cisco, Phụ trách các phân khúc thị trường và kiến trúc mạng, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, dẫn chứng cụ thể hơn, khi các đồ vật, thiết bị đều được kết nối tới Internet thì con người có thể điều khiển từ xa để xe ô tô tự lăn bánh từ gara ra ngoài sân chờ người lái; hoặc giả sử tất cả xe máy tại Hà Nội đều được kết nối Internet thì các cơ quan quản lí có thể kiểm soát được lưu lượng giao thông cũng như mức độ ô nhiễm môi trường… Với sự phát triển "Mạng Internet của vạn vật", con người không chỉ có khả năng làm việc theo cách riêng của mình, mà còn có thể chăm sóc sức khỏe, sử dụng dịch vụ ngân hàng, mua sắm theo cách của mình.
Theo một nghiên cứu của hãng Cisco, vài năm tới mỗi người sẽ có 5 thiết bị kết nối. Như vậy, kho số viễn thông sẽ phải đáp ứng được với sự phát triển này.
Theo ICTnews.
Bình luận