Theo thống kê được thực hiện trong năm 2014 của Vụ CNTT - Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020, 400 trường ĐH, CĐ chỉ có thể đào tạo khoảng 600.000 sinh viên (SV). Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện 72% SV ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kĩ năng làm việc nhóm, chỉ khoảng 15% SV mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN).
Lập trình di động “có giá”
Theo số liệu khảo sát gần 22.000 người của trang tuyển dụng VietnamWorks trong năm 2014, ngành CNTT đã trở lại tốp 10 ngành nghề được quan tâm nhất (cùng với bán hàng, kế toán, marketing/PR, ngân hàng, dầu khí,...). Theo thống kê trên trang Timviecnhanh.com, tính đến tháng 1/2015, hiện có khoảng 20.000 hồ sơ ứng viên ngành CNTT, trong đó 60% chuyên ngành kĩ thuật - khoa học máy tính, hệ thống thông tin và lưu trữ dữ liệu; 23% lập trình phần mềm quản lí, website, game; 17% ứng dụng phần mềm di động.
Ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Dự kiến mỗi năm, TP HCM cần khoảng 280.000 chỗ việc làm, riêng ngành CNTT đã chiếm 6%-7%, khoảng 16.000-20.000 chỗ/năm. Ngành lập trình di động mỗi năm cần khoảng 2.000-2.500 chỗ, ước tính khu vực phía Nam khoảng 10.000 chỗ”.
Theo Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP HCM, thị trường nhân lực CNTT trong năm 2015 sẽ tiếp tục thu hút nhân sự trong các ngành outsourcing (gia công phần mềm), thương mại điện tử và an ninh mạng. Bà Nguyễn Liên Khả, Giám đốc nhân sự Công ty CP VNG, nhận định: “Năm 2014, Việt Nam có khoảng 20% dân số đang sử dụng smartphone. Trong năm 2015, lập trình di động sẽ thu hút nhiều bạn trẻ tham gia nhất do nhu cầu sử dụng các ứng dụng trên smartphone đang tiếp tục tăng nhanh. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để các lập trình viên ứng dụng di động phát triển”.
Nhu cầu nhiều nhưng khó tuyển
Các số liệu trên cho thấy đang có một nhu cầu cực lớn về nhân lực CNTT nhưng số lượng ứng viên được tuyển dụng làm việc thì hạn chế. Tại TP HCM, tuyển sinh ngành CNTT năm 2011-2012 là hơn 20.500 SV nhưng năm 2012-2013 chỉ tuyển 18.800 SV. Trong số này, SV ra trường đáp ứng nhu cầu tuyển dụng chỉ đạt khoảng 30%, còn lại phải đào tạo bổ sung mới sử dụng được.
Ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Global CyberSoft Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu ứng viên phải có kiến thức nền tảng tốt, có năng lực thực hành, giỏi ngoại ngữ, kĩ năng giao tiếp và tư duy logic. Với kĩ sư, chuyên gia có kinh nghiệm, cần có thêm kĩ năng và kinh nghiệm về lĩnh vực công ty cần tuyển. Ngoài ra, đối với đào tạo trong trường ĐH, có nhiều điểm cần cải thiện: kiến thức nền tảng; năng lực thực hành, thực tập trên các dự án và kĩ năng ngoại ngữ, đặc biệt là giao tiếp. Với các kĩ sư cũng như chuyên gia, cần tổ chức đào tạo thêm kiến thức chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài”.
Theo ông Trần Anh Tuấn, các cơ sở đào tạo cần xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và cấp độ đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Người lao động trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, tư duy khoa học, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để phát triển kĩ năng nghề nghiệp.
Mất thời gian để đào tạo lại
“Hiện nay, DN vẫn đang gặp khó khăn trong tuyển dụng để tham gia các dự án với khách hàng nước ngoài do thị trường thiếu hụt nhân lực có đủ kĩ năng chuyên môn, giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Nhật,... và tâm lí “nhảy việc” của nhân viên. Những khó khăn này dẫn đến DN không có đủ nguồn lực ổn định để đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng.
Chúng tôi thường mất ít nhất 3 tháng để đào tạo bổ sung cho các nhân viên mới các kĩ năng chuyên môn, quy trình làm việc, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giao tiếp. Về ngoại ngữ, để có được một kĩ sư CNTT thông thạo tiếng Nhật cho dự án, chúng tôi phải tập trung đào tạo khoảng 6-9 tháng”, ông Phạm Tú Cường, Giám đốc nhân sự FPT Software, cho biết.
Theo Dân Việt.
Bình luận