Khó khăn chồng chất trước sự phát triển của thiết bị di động, giá cổ phiếu giảm đáng kể, các vấn đề nội bộ cùng khoản nợ hơn 2 tỉ USD đã đẩy AMD vào tình thế phải sát nhập với hãng khác. Đầu tuần trước, một thông tin đáng chú ý về việc ba nhân sự cấp cao đã rời bỏ AMD dù trước đó hãng đã bổ nhiệm bà Lisa Su làm Giám đốc điều hành (CEO) thay người tiền nhiệm là Rory Read. Tuy nhiên ngay cả khi AMD thay đổi một loạt lãnh đạo mới thì cơ hội để hãng thay đổi tình thế và tiếp tục phát triển trong thị trường chip máy tính là rất mong manh.
Tại sao AMD nên bán ?
Không chỉ AMD đang phải đương đầu trước sức ép ngày càng lớn từ các nhà sản xuất chip di động mà toàn bộ ngành công nghiệp chip máy tính cá nhân đang phải đối mặt với sự thay đổi nhanh của thời cuộc. Thực tế cho thấy trong hai năm gần đây, lượng thiết bị di động (smartphone, tablet) xuất xưởng trên toàn cầu đã vượt qua máy tính cá nhân (desktop, laptop) và điều này đã trực tiếp đến các nhà sản xuất chip. Theo IDC dự báo đến năm 2017, thị phần máy tính cá nhân chỉ chiếm khoảng 17% thị phần thiết bị điện toán thông minh (gồm desktop, laptop, tablet và smartphone). Như vậy, phần lớn thị trường nằm trong tay các nhà sản xuất chip di động.
AMD cũng không được xem là đối thủ lớn trong thị trường chip di động và thị phần của hãng là không đáng kể. Trước đây, AMD từng đạt được thành công lớn với mẫu chip APU Jaguar 64 bit riêng cho thiết bị chơi game Xbox One và PlayStation 4. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn lợi nhuận thu được lại đến từ chip máy tính cá nhân và giá cổ phiếu của hãng vẫn liên tục giảm. Vì vậy AMD đang đứng trước nguy cơ bị mua lại trong thời gian tới là điều có thể xảy ra. Đây sẽ là thương vụ tốt, “vẹn cả đôi đường” vì những gì AMD đang có sẽ giúp cả hai cải thiện khả năng cạnh tranh tốt hơn.
Sau một thời gian tụt lại phía sau về công nghệ sản xuất, GlobalFoundries - đơn vị tách ra từ AMD và cũng là nhà sản xuất chính của hãng đã được Samsung cấp phép sản xuất chip theo công nghệ FinFET 14nm. Đây cũng là nỗ lực của hãng nhằm bắt kịp các nhà sản xuất khác. Cũng cần nói thêm là Intel hiện đã chuyển sang quy trình sản xuất 14nm với bộ xử lí Core i thế hệ thứ năm có tên mã Broadwell, sử dụng công nghệ FinFET với các transistor xếp chồng lên nhau dạng khối 3D. Việc thu nhỏ công nghệ sản xuất cho phép tích hợp nhiều transistor hơn trên cùng kích thước đế bán dẫn (die) nhằm mang lại hiệu suất cao hơn trong khi vẫn giữ được mức tiêu thụ điện năng thấp.
Kiến trúc x86 vẫn còn cần thiết cho di động, tuy nhiên với công nghệ sản xuất luôn đi sau đối thủ một nhịp thì rõ ràng AMD không có cơ hội trong thị trường chip di động. Để thay đổi tình hình, AMD cần đổi mới công nghệ sản xuất để theo kịp đối thủ, chiêu mộ các nhà thiết kế chip hàng đầu và đầu tư nghiêm túc cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm. Ngoài ra, hãng cũng cần một khoản kinh phí lớn cho công tác tiếp thị và xây dựng thương hiệu.
Cơ hội cho Samsung
Samsung là một trong những hãng được nhắc đến nhiều nhất và cũng đứng đầu danh sách về khả năng thâu tóm AMD. Với khoản lợi nhuận hàng tỉ USD thu được mỗi quý, Samsung đủ khả năng “chống lưng” AMD không chỉ ở thị trường chip máy tính cá nhân mà cả trong mảng chip di động cho smartphone và tablet. AMD hiện đang sản xuất dòng chip máy chủ 64 bit kiến trúc ARM được tối ưu theo nhu cầu khách hàng và điều này cũng phù hợp với một trong những chiến lược Samsung đang theo đuổi là xây dựng nền tảng máy chủ tiết kiệm năng lượng.
AMD vốn có thế mạnh trong việc thiết kế bộ xử lí và thậm chí cả khi kiến trúc tập lệnh (ISA - Instruction Set Architecture) của hãng không được dùng phổ biến gần đây thì hãng vẫn có thể giúp Samsung thiết kế mẫu chip mới tốt hơn dựa trên những kinh nghiệm tích lũy. Bên cạnh bộ xử lí thì chip đồ họa (GPU) cũng là sở trường của AMD và điều này giúp Samsung tạo được sự khác biệt với các nhà sản xuất khác, vốn chỉ có hai lựa chọn là Qualcomm cho dòng sản phẩm cao cấp và Mediatek cho phân khúc cấp thấp.
Tương tự cách làm của Apple, Samsung có thể tự sản xuất chip xử lí cũng như kiểm soát được tất cả linh kiện phần cứng sử dụng trong thiết kế sản phẩm của hãng. Tuy nhiên nếu thương vụ thành công, Samsung sẽ tiến một bước xa hơn, cho phép hãng tự thiết kế và sản xuất cả chip xử lí trung tâm (CPU) lẫn chip đồ họa (GPU). Điều này khác với Apple là chỉ thiết kế CPU và cần giấy phép GPU từ Imagination Technologies.
Một yếu tố khác nữa là thị trường di động cần có thêm đối thủ cạnh tranh khác vì các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) hiện không có nhiều lựa chọn. Samsung có thể tận dụng cơ hội này để trở thành đối thủ lớn của Qualcomm – hãng vẫn đang thống trị thị trường chip di động. Tuy nhiên với ưu thế về lượng thiết bị bán ra cũng như khả năng cung cấp chip cho các OEM khác, Samsung vẫn có cơ hội chiếm lĩnh thị trường chip di động trong thời gian tới.
Samsung cũng là một trong số ít nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, hãng có lợi thế về năng lực cạnh tranh do khả năng cắt giảm chi phí sản xuất. Điều này giúp các sản phẩm của hãng có tính cạnh tranh cao hơn hoặc có thể bán chip cho các nhà sản xuất khác với giá thấp hơn so với Qualcomm.
Về mảng chip máy chủ, việc sát nhập AMD giúp Samsung có cơ hội tiếp cận nhanh thị trường này khi cung cấp cả chip kiến trúc ISA x86 lẫn ARM cho doanh nghiệp. Đây là mảng thị trường có mức lợi nhuận cao nhưng cũng nhiều khó khăn, trong đó đối thủ lớn nhất là Intel hiện đang nắm giữ phần lớn thị trường chip máy chủ. Cái Samsung cần không chỉ là chip mới mà phải là cả một kiến trúc chip mới nếu muốn thành công trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, cả AMD và Samsung còn là thành viên của liên minh phát triển, chuẩn hóa kiến trúc HSA (Heterogeneous System Architecture). Kiến trúc này phép CPU và GPU truy cập và sử dụng toàn bộ địa chỉ bộ nhớ hệ thống, kể cả bộ nhớ ảo (virtual memory). Đây cũng là một trong những mục tiêu hướng đến của cả AMD lẫn Samsung trong việc cải thiệu hiệu suất chip xử lí thông qua việc khai thác sức mạnh tính toán chung giữa CPU và GPU.
Đáng kể hơn là việc đồng sở hữu bản quyền sáng chế kiến trúc x86 với Intel và khoảng 10.525 bằng sáng chế của AMD cũng là một tài sản quý giá. Dù trên thực tế, việc chuyển bản quyền kiến trúc x86 từ AMD sang Samsung có thể gặp một số trở ngại thủ tục pháp lí và cả những kiện tụng từ Intel.
Tóm lại, trong trường hợp thương vụ mua lại AMD thành công sẽ có lợi cho cả “đôi đường”. AMD nhận được sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ để tiếp tục theo đuổi, đạt được những mục tiêu lớn đã đặt ra. Các chiến dịch tiếp thị, xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến và những con chip của hãng cũng có cơ hội xuất hiện trong thiết bị di động của Samsung và các nhà sản xuất thiết bị khác.
Về phía Samsung, hãng sẽ trở thành một công ty hàng đầu về thiết kế và tự sản xuất chip. Khả năng tiếp cận với kiến trúc x86, bộ xử lí tăng tốc đồ họa (APU) cũng như kiến trúc đồ họa Radeon của AMD có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác, từ smart TV cho tới thiết bị gia dụng. Cơ hội tiến nhanh trong thị trường chip máy chủ nhờ vào kinh nghiệm và sự tin cậy của cả hai thương hiệu là Samsung và AMD.
Theo Tinh Tế. Nguồn Tomshardware.
Bình luận