Phục vụ doanh nghiệp và người dân cả nước có 104.306 dịch vụ công trực tuyến, với 111 dịch vụ công mức 4.

Khẳng định vị thế trên bản đồ CNTT thế giới

Nhìn lại chặng đường gần 15 năm từ khi Chỉ thị 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Chỉ thị 58) được Bộ Chính trị ban hành đến nay, có thể thấy từ tình trạng lạc hậu, phát triển chậm, có nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, CNTT Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành một ngành kinh tế kĩ thuật hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển đất nước. Đặc biệt, vai trò, vị thế của CNTT Việt Nam đã ngày càng được khẳng định. Không chỉ lan tỏa rộng rãi, giữ vai trò “chủ công” trong mọi mặt đời sống xã hội, những năm qua CNTT Việt Nam còn liên tục cải thiện vị thế, thứ hạng trên trường quốc tế.

Theo các chuyên gia CNTT, thời điểm năm 2000, sự ra đời của Chỉ thị 58, trong đó khẳng định rõ tầm quan trọng của CNTT với công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đã tạo ra luồng sinh khí mới, là kim chỉ nam cho CNTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ. CNTT nước nhà đã có được diện mạo mới: hạ tầng viễn thông, Internet đã có bước phát triển ngoạn mục; mức độ ứng dụng CNTT trong Cơ quan Nhà nước cũng như trong xã hội có sự thay đổi rõ rệt; đào tạo nhân lực CNTT đạt được những con số khá ấn tượng; công nghiệp CNTT cũng thu được những thành quả nhất định. Cụ thể, theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2014, tính đến cuối 2013, Việt Nam có 130 thuê bao điện thoại (trong đó thuê bao di động chiếm 95% và số thuê bao 3G gần chạm mốc 20 triệu); cả nước có trên 33,1 triệu người dùng Internet, chiếm 37% tổng dân số; số thuê bao Internet băng rộng đạt hơn 22,3 triệu, đạt tỉ lệ 24,93 thuê bao/100 dân; và tổng doanh thu viễn thông năm 2013 đạt 7,2 tỉ USD.

Về ứng dụng CNTT, đến hết 2013, tỉ lệ máy vi tính có kết nối Internet của các cơ quan cấp Bộ đạt 93,3% và đạt 97,2% với các cơ quan cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Cả nước có 104.306 dịch vụ công trực tuyến, với 111 dịch vụ công mức 4, mức cao nhất trong xếp hạng dịch vụ công trực tuyến. Trên toàn quốc đã có 290 trường ĐH, CĐ và 228 trường CĐ, trung cấp nghề có đào tạo VT-CNTT với tổng chỉ tiêu tuyển sinh đạt hơn 80.000 sinh viên, học viên.

Đáng chú ý, vị thế của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới đã từng bước được nâng cao. Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), xếp hạng về chỉ số phát triển CNTT-TT của Việt Nam năm 2013 là 88/157, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á và thứ 14/28 nước châu Á-Thái Bình Dương được đánh giá; Việt Nam cũng được ITU đánh giá cao về ứng dụng CNTT với thứ hạng 83/155 năm 2013. Còn theo Báo cáo CNTT toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2013, Việt Nam xếp hạng 84/148 nước về chỉ số sẵn sàng kết nối NRI, xếp hạng 58/148 về mức độ sẵn sàng trong Chính phủ điện tử; giá cước viễn thông, Internet của Việt Nam gần như thấp nhất thế giới, xếp hạng 8/148. Đặc biệt, về công nghiệp CNTT, theo báo cáo của Gartner, Việt Nam nằm trong Top 10 nước châu Á-Thái Bình Dương và Top 30 thế giới về gia công phần mềm. TP.HCM xếp hạng 17 còn Hà Nội đứng thứ 22 trong danh sách 100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm.

“Thời cơ vàng” đưa Việt Nam thành nước mạnh bằng CNTT

Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 36). Trong Nghị quyết 36, Bộ Chính trị xác định rõ những mục tiêu ngành CNTT Việt Nam cần đạt được thời gian tới: “CNTT phải được ứng dụng rộng rãi và trở thành một ngành kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người Việt Nam và nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia trong chiến tranh mạng. Đến năm 2030, đưa năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ CNTT đạt trình độ tiên tiến thế giới; Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT”.

Ảnh
Việt Nam nằm trong Top 10 nước châu Á-Thái Bình Dương và Top 30 thế giới về gia công phần mềm.

Được xây dựng trên cơ sở kế thừa một số quan điểm lớn của Chỉ thị 58, Nghị quyết 36 được Bộ Chính trị bổ sung, làm rõ thêm những quan điểm mới về ứng dụng và phát triển CNTT trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Đơn cử, một trong 4 quan điểm lớn nêu trong Nghị quyết 36 là: “Đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần được đi trước một bước trên cơ sở quản lí tốt; tăng cường khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, đây là một văn bản rất quan trọng. Việc nâng tầm từ Chỉ thị lên Nghị quyết đã thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị và sự lãnh đạo của Đảng với công tác ứng dụng, phát triển CNTT; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của CNTT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kì mới. “Với Nghị quyết 36, CNTT Việt Nam lại có thời cơ, cơ hội vàng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT. Những định hướng, tư tưởng, giải pháp lớn trong Nghị quyết 36 sẽ là tiền đề quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển CNTT Việt Nam trong 10-20 năm tới”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, để biến thời cơ, cơ hội vàng này trở thành hiện thực, cần có quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là của người đứng đầu các cơ quan và sự tham gia tích cực, chủ động của các doanh nghiệp CNTT cùng mọi người dân...

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)