Việc trùng thể BHYT đang gây ra lãng phí rất lớn.

Theo một số liệu được Bộ Tài chính công bố vào tháng 10 năm ngoái, trong 2 năm 2011-2012, trong tổng số hơn 75 triệu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên cả nước thì có tới 1,45 triệu thẻ bị cấp trùng, tương ứng với tổng số tiền ngân sách nhà nước đã cấp là 624 tỉ đồng.

Theo đó, phần lớn trường hợp là cấp trùng 2 thẻ BHYT/người, một số cấp 3 thẻ/người, cá biệt có người được cấp 4-5 thẻ. Nhiều nơi số thẻ BHYT được cấp cao hơn thực tế số dân của địa phương.

Thực tế, “vấn nạn” của ngành BHYT hoàn toàn có thể được giải quyết triệt để bằng một hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông giữa BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, ngành y tế và ngành bảo hiểm xã hội dường như không có động thái tích cực nào trong việc xây dựng một hệ thống dữ liệu như vậy.

Cho tới cuối năm 2013 vừa qua, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 68/2013/QH13 về về Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân mới xác định cần phải hoàn thành một hệ thống phần mềm CNTT liên thông giữa BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh trước năm 2018, nhằm cải tiến thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT và nhất là quản lí, sử dụng quỹ BHYT.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc xây dựng một hệ thống phần mềm quản lí thông tin liên thông giữa các bệnh viện và BHYT trong cả nước theo Nghị quyết 68 của Quốc hội chắc chắn sẽ sớm giải quyết được những nhức nhối của ngành y tế và BHXH trong những năm qua.

“Đáng ra, việc ứng dụng CNTT phải được thực hiện sớm hơn. Bởi nếu chúng ta có hệ thống quản lí bằng CNTT tốt thì sẽ không có chuyện trùng hàng triệu thẻ BHYT. Nếu sớm ứng dụng CNTT thì sẽ không bị lãng phí và không bị dư luận xã hội phê bình như vậy”, ông Tiên khẳng định.

Ảnh
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội.

Câu chuyện trùng thẻ BHYT gây lãng phí chỉ là một trong số những vấn đề bức xúc trong xã hội Việt Nam thời gian qua.

Hạ tầng thiết yếu ở Việt Nam hiện nay phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề nóng. Giao thông phải đối mặt với vấn nạn ùn tắc và tai nạn với con số tử vong lên tới hàng chục ngàn người mỗi năm. Giáo dục và y tế đều quá tải, kém chất lượng. Điện, nước đối mặt với sự thất thoát, lãng phí. Việc tiếp cận các dịch vụ công của người dân còn nhiều khó khăn…

Tuy nhiên, cũng giống như câu chuyện BHYT, các chuyên gia cho rằng, những vấn đề nóng của xã hội hiện nay đều có thể được giải quyết được nếu như chúng ta ứng dụng CNTT để tìm giải pháp.

Một chuyên gia từng khẳng định, nếu như áp dụng CNTT vào ngành giao thông, Việt Nam có thể giảm được 50% số vụ tai nạn. Trong khi đó, nếu như các trường học và bệnh viện ứn dụng CNTT vào công việc quản lí thì chắc hẳn hiện tượng phụ huynh học sinh phải chật vật đội mưa thâu đêm xếp hàng ở cổng trường để… nộp hồ sơ cho con sẽ không còn.

Cần tư duy đồng bộ

Trên thực tế, những năm gần đây, cùng với những chủ trương và quyết sách mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ, việc ứng dụng CNTT vào giải quyết các vấn đề xã hội, từ giao thông, giáo dục, y tế cho tới các dịch vụ công đang được đẩy mạnh. Nghịch lí là, mặc dù có lợi thế vô cùng to lớn, việc ứng dụng CNTT tại nhiều bộ ngành vẫn khá chậm và không tạo ra được hiệu quả rõ rệt.

Vậy, đâu là nguyên nhân khiến việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực của đời sống xã hội chưa hiệu quả?

Lí giải điều này, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, vấn đề cốt yếu nằm ở chỗ, chúng ta đang thiếu một hoạch định thống nhất và đồng bộ từ trên xuống.

“Một giám đốc bệnh viện tỉnh mới đây tâm sự với tôi nếu như ứng dụng CNTT vào quản lí hoạt động của bệnh viện thì có thể đem lại hiệu quả rất lớn và họ cũng có đủ kinh phí để đầu tư hệ thống này. Tuy nhiên, họ lại sợ sau này Bộ Y tế sẽ đưa ra một khung khác thì hệ thống của họ sẽ không dùng được nữa, gây lãng phí và rắc rối về sau”, ông Tiên dẫn giải.

Chia sẻ với quan điểm này, TS Nguyễn Long, Tổng thư kí Hội Tin học Việt Nam cho rằng, trong 5 năm trở lại đây, với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc đổi mới quản lí trong các cơ quan nhà nước, hầu như tỉnh nào, cơ quan ban ngành nào cũng có cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, mỗi nơi lại làm một cơ sở dữ liệu riêng, gần như không liên quan tới nhau.

“Các cơ sở dữ liệu được xây dựng một cách tràn lan nhưng không được thiết kế hệ thống, thiếu sự đồng bộ, liên thông dẫn đến kém hiệu quả và lãng phí”, TS Nguyễn Long nhận định.

Ảnh
TS Nguyễn Long, Tổng thư kí Hội Tin học Việt Nam.

TS Nguyễn Long cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên chính là nhận thức của những người lãnh đạo. Nhiều lãnh đạo các cơ quan, ban ngành dường như đang đợi ngành CNTT ứng dụng CNTT vào các ngành khác chứ không phải là một nhiệm vụ quan trọng của chính mình. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo chỉ coi ứng dụng CNTT như một phong trào chứ không thực sự coi đây như là cầu nối tới người dân.

Chia sẻ quan điểm này, song, ông Nguyễn Văn Tiên lại cho rằng, thực tế “đổ lỗi” cho nhận thức cũng chưa đúng. Ông Tiên cho biết, tại nhiều nơi, những người đứng đầu cũng nhận thức rất rõ những lợi thế mà CNTT đem lại cũng như nhu cầu cấp bách phải ứng dụng CNTT, tuy nhiên, do điều kiện kinh tế hạn hẹp và phải phụ thuộc vào hoạch định của cấp trên nên họ không quyết định được.

Ông Tiên cũng cho rằng, tới đây, khi chủ trương thuê ngoài dịch vụ CNTT đi vào hiện thực, sự chậm trễ của việc ứng dụng CNTT vào giải quyết các vấn đề “nóng” của xã hội sẽ được đẩy nhanh hơn. “Tôi được biết Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang làm việc với Tập đoàn Viettel để thuê đơn vị này xây dựng hệ thống phần mềm với cơ sở dữ liệu thống nhất trên cả nước. Tôi nghĩ rằng đây là một hướng đi phù hợp bởi xét đến cùng nó cũng chính là một hình thức xã hội hóa và hợp tác công tư”.

Với hơn 30 triệu người dùng Internet, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông cũng như trình độ CNTT không ngừng được nâng cao, chúng ta đang có những cơ hội rất lớn trong việc dùng CNTT để giải quyết những vấn đề căn cơ của đời sống. “Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, chúng ta đã tận dụng cơ hội tới đâu và ứng dụng CNTT hiệu quả tới đâu?”, TS Nguyễn Long nói.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)