Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở Việt Nam chuẩn bị được đưa vào sử dụng tại TP HCM. Công nghệ tạo nên những tiện ích của tuyến tàu điện ngầm này không phải là mới, theo các nhà khoa học, vấn đề là phải làm thế nào để tàu điện ngầm ở Việt Nam mang màu sắc của Việt Nam.

Đi 100km/h trong thành phố

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lí Đường sắt đô thị TP HCM cho biết, tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên được thiết kế có màu xanh da trời với phần đầu được bo tròn. Vỏ tàu được làm bằng nhôm và thép không gỉ, bên trong có hệ thống máy lạnh. Tàu có cửa sổ lớn cùng vách ngăn để phân chia khu vực hành khách đứng và ngồi. Logo của tuyến số 1 được gắn ở phía trước đầu tàu. Trong giai đoạn 1,đoàn tàu có ba toa (dài khoảng 61,5m) với sức chở 930 hành khách, trong đó chủ yếu là chỗ đứng (8 người/m2). Trong các toa sẽ có ghế ngồi bằng nhựa (được gia cường bằng sợi thủy tinh) lắp dọc theo thành, đồng thời trong toa có hệ thống tay vịn và móc nắm để đảm bảo an toàn cho hành khách đứng.

Trên tàu không có nhiên viên phục vụ, vé tàu được thu từ cửa vào ga. Ông Bùi Xuân Cường cũng cho hay, hệ thống vận hành của đoàn tàu được nối với điện lưới quốc gia. Khi có sự cố về điện, máy phát điện dự phòng sẽ cung cấp đủ điện cho đoàn tàu vận hành trong vòng 3 giờ để tàu về được đến ga an toàn. Đường sắt đô thị có tốc độ khoảng 80km/giờ cho đoạn đi ngầm, 100km/giờ cho đoạn đi trên cao và chạy hơn 1km là dừng ở một nhà ga. Dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km, trong đó có 2,9km đi ngầm và 17,1km đi trên cao.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải, công nghệ tàu điện ngầm ở một số nước phát triển gần như đã đạt đến đỉnh cao, vấn đề là áp dụng công nghệ nào an toàn với chi phí thấp và phù hợp với hạ tầng giao thông của Việt Nam. Vận tốc có thể đạt được của tàu điện ngầm có thể cao hơn, nhưng phải giữ ở ngưỡng an toàn.

Không thể thay đổi thiết kế

Dự kiến, Ban Quản lí Đường sắt đô thị TPHCM sẽ lấy ý kiến các sở - ngành, nhà khoa học và người dân từ ngày 15/3 - 15/4. Riêng người dân TPHCM, muốn tham quan, đóng góp ý kiến phải thông qua mặt trận tổ quốc quận, huyện để đăng kí nhằm tạo thuận tiện cho việc quản lí, hướng dẫn người dân tham quan.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc lấy ý kiến thời điểm này thực ra chỉ là về hình thức, còn bản chất, không thể thay đổi công nghệ hay thiết kế của tàu. Mà nếu chỉ đóng góp ý kiến về màu sắc, chỗ để ghế, tay vịn... thì không có nhiều ý nghĩa.

Đặt câu hỏi, giả sử các nhà khoa học tìm ra các điểm phải thiết kế lại thì sẽ chỉnh sửa thế nào, theo TS Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông, việc thay đổi thiết kế ban đầu là không đơn giản vì nó còn liên quan đến bài toán về điện tử, máy móc. Cần đảm bảo đúng các tiêu chuẩn quốc tế, tính toán điều kiện của Việt Nam để điều chỉnh cho phù hợp, nhưng cũng chỉ có thể điều chỉnh các chi tiết phụ.

Nghiên cứu về mô hình tàu điện ngầm này, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, đây không phải là mô hình tàu điện hiện đại nhất hiện nay. Hạ tầng giao thông, các yếu tố môi trường, địa hình ở Việt Nam cũng có đặc điểm riêng biệt. Việc thay đổi kết cấu tàu về bản chất là rất khó, chỉ có thể nhập toàn bộ công nghệ. Tuy nhiên, đây là những công nghệ cũ, chưa có dấu ấn, màu sắc riêng của tàu điện ngầm ở Việt Nam. Chi tiết bên trong tàu quá đơn giản, chưa tạo ra các chi tiết về tiện ích. Nếu không để ý đến từng chi tiết nhỏ thì rất dễ dẫn đến tình trạng nhanh xuống cấp, nhếch nhác chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.

Ở các nước có tàu điện ngầm, chỉ cần nhìn vào vỏ tàu là người ta có thể biết đó là tàu của nước nào. Mỗi tuyến được phân biệt với các tuyến khác bởi màu sắc chứ không đơn giản là chỉ đánh số như xe buýt. Theo các chuyên gia, nếu lấy ý kiến các chuyên gia một cách bài bản thì sẽ có rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu như công nghệ, độ an toàn, hợp lí, tâm lí người đi tàu, khoảng cách giữa các hành khách, giá cả...

Theo nhiều chuyên gia, tàu điện ngầm hiện được các nước trên thế giới sử dụng đều có tiêu chuẩn quốc tế chung. Chỉ cần đáp ứng đủ các yêu cầu đó là được. Có điều là đoạn đường ray trên cao khá dài, liệu tàu điện ngầm mà di chuyển trên cao thì phải tính đến các yếu tố kĩ thuật nào thì các nhà quản lí phải tính đến.

Theo Kienthuc.




Bình luận

  • TTCN (0)