Thu dọn rác thải trên đỉnh Everest. Ảnh: Guardian.

“Rác thải của người leo núi để lại trên đỉnh núi cao nhất thế giới, đỉnh Everest, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan”, chủ tịch hiệp hội leo núi Nepal Ang Tshering hôm 3/3 nói.

"Cứ mỗi mùa leo núi, hơn 700 người gồm hướng dẫn viên và người leo núi thường sống gần hai tháng trên núi, để lại một lượng lớn phân và nước tiểu. Vấn đề này vẫn chưa được giải quyết", Ang Tshering cho biết. Ông còn nói rằng chính phủ Nepal cần lên tiếng để người leo núi xử lí rác thải đúng cách và giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ của ngọn núi.

Mùa leo núi thường bắt đầu từ đầu tháng 3 cho đến hết tháng 5, thu hút hàng trăm du khách nước ngoài đến với Nepal. Mùa leo núi năm ngoái bị hủy sau khi 16 người hướng dẫn địa phương thiệt mạng trong vụ lở tuyết hồi tháng 4.

Những người leo núi mất nhiều tuần thích nghi khí hậu và nghỉ lại xung quanh 4 khu trại được dựng trên sườn núi, trại thấp nhất ở cách chân núi 5.300m và trại cao nhất ở đỉnh núi 8.850m. Mỗi trại có lều và các thiết bị cần thiết, tuy nhiên chúng không có nhà vệ sinh.

“Người leo núi thường đào hố trong tuyết để đi vệ sinh và vứt rác” Tshering nói. "Rác và chất thải cứ chồng chất nhiều năm xung quanh 4 trại”.

Ở khu trại thấp nhất, có nhiều nhân viên dọn rác, đầu bếp và nhân viên phục vụ, có nhà vệ sinh và thùng đựng rác. Khi đầy, thùng đựng chất thải được chuyển xuống vùng thấp hơn để xử lí.

Dawa Steven Sherpa, người dẫn đầu đội dọn dẹp Everest từ năm 2008, cho biết một số người leo núi mang túi vệ sinh dùng một lần để sử dụng trên các khu trại cao hơn. "Đó là mối nguy hại cho sức khỏe và vấn đề này cần được giải quyết ngay", ông nói.

“Chính phủ Nepal vẫn chưa có kế hoạch để giải quyết vấn đề rác thải từ con người. Nhưng bắt đầu từ mùa leo núi năm nay, nhân viên của khu leo núi sẽ giám sát chặt chẽ vấn đề rác thải trên núi”, Puspa Raj Katuwal, quan chức quản lí hoạt động leo núi thuộc chính phủ Nepal, nói.

Năm ngoái, chính phủ áp dụng quy đinh mới, yêu cầu mỗi người leo núi mang 8 kg rác xuống khi kết thúc hành trình leo núi, đây là lượng rác ước tính mỗi người thải ra trong suốt chặng đường leo núi. Đội leo núi phải đặt cọc 4.000 USD cho việc tuân thủ các quy định, Katuwal nói.

Năm 1953, Edmund Hillary, người New Zealand, trở thành người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Kể từ đó, hơn 4.000 người lần lượt đặt chân lên đỉnh núi cao nhất thế giới này.

Theo VnExpress/The Guardian.




Bình luận

  • TTCN (0)