Theo một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Derby về chứng “nghiện smartphone và các yếu tố tâm lí liên quan”, bạn càng sử dụng điện thoại nhiều, bạn càng có nguy cơ bị nghiện cao.

Nghiên cứu cho biết, trung bình một người sử dụng thông thường dành 3,6 tiếng một ngày bên chiếc điện thoại. 13% số người tham gia nghiên cứu được mô tả là “nghiện smartphone”. Các đặc điểm tâm lí của những con nghiện smartphone có liên quan đến chứng tự yêu bản thân thái quá.

Theo tiến sĩ tâm lí Deepika Chopra, có một sự liên kết mạnh mẽ giữa các mạng xã hội và thời gian sử dụng smartphone.

Tiến sĩ cho biết: “Sử dụng mạng xã hội hoặc smartphone quá nhiều khiến bạn mất đi nhiều thứ chứ không chỉ thời gian. Điều này sẽ lấy đi của bạn hạnh phúc, làm giảm khả năng phát triển ở trẻ em và giảm khả năng học tập cũng như giao tiếp xã hội ở học sinh”.

Nghiên cứu của Chopra cho thấy, thời gian sử dụng smartphone tăng lên là do các ứng dụng và bạn càng sử dụng Facebook nhiều, thì cảm giác cô đơn lại càng tăng lên. Một nghiên cứu khác còn phát hiện ra, việc sự dụng máy tính bảng có liên quan đến sự chậm phát triển ở trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo.

Giáo sư Chopra cho biết: “Tôi lo sợ rằng chính điều này sẽ giết chết khả năng giao tiếp giữa con người với con người trong thế giới thực. Tôi tin rằng, chúng ta phải hành động quyết liệt để lấy lại sự cân bằng, và xây dựng những giới hạn cho việc sử dụng smartphone và các mạng xã hội để tiếp tục tận hưởng cũng như làm giàu thêm khả năng nhận thức, cảm xúc của chính chúng ta, phát triển, kết nối và tương tác với nhau, đặc biệt với những vẫn đề cần sự cảm thông”.

Nếu bạn cũng rơi vào tính trạng này thì đây chính là thời điểm để bắt đầu công cuộc cai nghiện bằng 5 mẹo đặc lực dưới đây:

1. Tắt thông báo

Bạn có liên tục kiểm tra các thông báo trên điện thoại nửa giờ mỗi lần không? Nếu vậy, bạn cũng không phải là người duy nhất dành quá nhiều thời gian vào các mạng xã hội.

Nếu bạn tắt tất cả những thông báo không cần thiết, và thậm chí để chế độ im lặng cho các thông báo, bạn sẽ không cần phải kiểm tra điện thoại liên tục mỗi lần nó rung hoặc đổ âm báo.

2. Kiểm tra xem mình đã sử dụng smartphone bao nhiêu tiếng trong ngày

Nếu thông tin này khiến bạn bị sốc và giúp bạn quyết tâm cắt giảm thời gian dán mắt vào điện thoại thì ứng dụng dưới đây có thể giúp bạn.

Có rất nhiều ứng dụng giúp bạn quản lí việc sử dụng điện thoại và tính tổng thời gian bạn cắm mặt vào màn hình smartphone như QualityTime cho Android vàMoment cho iOS.

Các ứng dụng này còn có khả năng đưa ra cảnh báo nếu bạn đã dùng smartphone quá nhiều.

3. Đặt lịch cho những giờ “không điện thoại”

Bạn không cần mang điện thoại vào bàn ăn tối, trong phòng tắm hay khi đang xem TV hoặc đọc sách.

Hãy thử lên lịch cho những khoảng thời gian “không điện thoại”. Hãy nói không với điện thoại trong những lúc bạn bận rộn, hoặc hãy để điện thoại ở chế độ trên máy bay trong giờ bạn tư cơ quan về nhà, lúc đang nấu ăn hoặc lúc trò chuyện cùng cả gia đình.

4. Đừng sử dụng điện thoại làm đồng hồ báo thức

Đừng mang điện thoại vào phòng ngủ. Bạn có thói quen để báo thức bằng điện thoại và kiểm tra điện thoại trước khi đi ngủ? Và khi báo thức đổ chuông, việc đầu tiên bạn làm là tắt báo thức rồi kiểm tra điện thoại hoặc có thể là lướt Facebook?

Hãy bỏ ngay thói quen này bằng cách không đặt báo thức bằng điện thoại, không mang điện thoại vào phòng ngủ.

5. Luyện tập khả năng “nói không với công nghệ”

Nếu những mẹo trên không giúp ích bạn, hãy sử dụng “chiêu” cuối cùng sau đây:

Các phóng viên trang Mashable đã hỏi ý kiến giáo sư tâm lí học Larry D. Rosen thuộc trường Đại học bang California, đồng thời là tác giả cuốn sách "iDisorder: Understanding Our Obsession with Technology and Overcoming Its Hold on Us", và được ông gợi ý như sau: “Một cách đơn giản để luyện tập cho não bộ khả năng nói không với công nghệ đó là bắt đầu bằng việc dành một phút để kiểm tra toàn bộ điện thoại, mọi thông tin, mọi hình thức liên lạc bao gồm tin nhắn, cuộc gọi, mạng xã hội. Sau đó tắt máy đi, để báo thức 15 phút và úp máy xuống trên một mặt phẳng. Chiếc điện thoại đặt úp nhắc nhở não bộ của bạn rằng bạn không cần phải căng thẳng chờ đợi.

Lần sau, khi chiếc điện thoại đổ chuông báo, bạn hãy kiểm tra toàn bộ trong vòng một phút. Hãy cứ làm như vậy cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái khi không kiểm tra điện thoại.

Dần dần, hãy tăng “quãng nghỉ” của bạn thêm 5 phút mỗi tuần và một thời gian sau bạn sẽ không cần phải kiểm tra điện thoại mỗi giờ hoặc nhiều hơn thế”.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)