Viettel kiến nghị sớm đưa băng tần 700 MHz vào cung cấp dich vụ di động.

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel đã kiến nghị cần sớm chuyển băng tần số hóa truyền hình sang cho di động để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số, đem lại lợi ích cho người sử dụng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Trả lời kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, lộ trình số hóa truyền hình đang được triển khai đúng tiến độ. Vì vậy, trong năm 2016 có thể chuyển băng tần 700 MHz dôi dư sau khi tiến hành số hóa truyền hình cho các mạng di động sử dụng.

Đây không phải là lần đầu tiên Viettel kiến nghị sớm đưa vào sử dụng băng tần 700 MHz sau khi tiến hành số hóa truyền hình. Cách đây 3 năm, Viettel đã gửi ý kiến này lên Bộ TT&TT. Theo Viettel, trong lĩnh vực di động, cứ 3 năm lại có thêm công nghệ mới có tốc độ truyền dẫn tăng gấp 6 lần nhưng nhu cầu băng thông tăng tới 23 lần. Như vậy, nhà mạng sẽ phải đối mặt với việc gia tăng tốc độ và nhu cầu băng thông tăng khi công nghệ mới được ứng dụng.

Khi Việt Nam tiến hành số hoá dịch vụ truyền hình sẽ dôi dư ra băng tần 700 MHz. Băng tần này có thể sử dụng cho dịch vụ di động băng thông rộng; có vùng phủ tốt hơn cho vùng nông thôn và có suất đầu tư giảm nên nhà mạng có điều kiện giảm giá dịch vụ cung cấp cho người dân nông thôn. Theo tính toán của Viettel, nếu để phủ sóng 4G LTE ở Hà Nội với băng tần 700 MHz thì chỉ cần 70 trạm BTS, nhưng nếu triển khai trên băng tần 2.6 GHz thì cần tới 130 trạm BTS.

Phía Viettel cho biết, theo số liệu thống kê thì lĩnh vực di động có thể tạo ra doanh thu tăng gấp 4 lần so với doanh thu từ truyền hình. Đại diện Viettel cũng đưa ra số liệu về ảnh hưởng của dịch vụ băng rộng tác động đến GDP của quốc gia. Cụ thể nếu tăng được 10% thuê bao di động sẽ góp phần tăng được 1% GDP, nhưng nếu tăng được 10% thuê bao Internet băng rộng thì tăng được 1,5% GDP. Như vậy, băng rộng có tác động rất lớn đối với việc phát triển của quốc gia.

Theo quy định của Luật Viễn thông, việc cấp tần số phải thông qua đấu giá. Như vậy, Chính phủ sẽ thu được khoản tiền từ đấu giá tần số khi số hoá dịch vụ truyền hình.

Kết luận tại phiên họp lần thứ 7 Ban chỉ đạo số hóa truyền hình hôm 21/1/2015, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, về thời điểm ngắt sóng truyền hình analog tại 5 thành phố lớn trong năm 2015, sẽ chỉ ngắt sóng truyền hình analog khi 95% người dân đã sử dụng được truyền hình số, nếu địa phương nào chưa đạt được chỉ tiêu này sẽ chưa ngắt sóng.

Theo kế hoạch, đến 1/7/2015 sẽ ngắt sóng truyền hình analog ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, đến 1/1/2016 ngắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng. Trước đây, 3 thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ đã có văn bản gửi Bộ TT&TT xin lùi thời hạn ngắt sóng truyền hình analog vì lo ngại vấn đề tràn sóng analog từ các tỉnh lân cận vào những thành phố này. VTV cũng đã báo cáo Bộ TT&TT về khả năng tràn sóng chắc chắn xảy ra nhưng việc chặn tràn sóng là không thể. Việc tràn sóng ở những tỉnh lân cận vào các thành phố này sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu quảng cáo của các đài truyền hình.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, doanh thu quảng cáo chủ yếu chỉ trên các đài quảng bá là chính. Cách đây mới 2 năm, chỉ số quảng cáo trên các kênh truyền hình số của VTC bằng 0. Do đó, việc tắt sóng truyền hình analog sớm là phần bất lợi về quảng cáo cho 5 địa phương trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, tổn thất này sẽ rất nhỏ so với quyết tâm chính trị được đặt ra khi Bộ TT&TT quyết tâm triển khai thành công đề án số hóa truyền hình theo đúng lộ trình.

Hiện tại chỉ còn Hà Nội vẫn tiếp tục đề nghị được lùi thời điểm tắt sóng truyền hình analog tại các quận huyện thuộc Hà Nội (cũ) cùng thời điểm với Hà Tây (cũ), tức là sẽ tắt sóng truyền hình analog trên toàn bộ TP.Hà Nội vào 31/12/2016.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)