Trả lời báo chí trong cuộc họp báo ngày 20/3, khi được hỏi về nguyên nhân của vụ việc, ông Sơn cho biết, lô modem này có 2 loại username/password. Trong đó, một loại username/password là để nhà cung cấp dịch vụ thực hiện việc hỗ trợ khách hàng, kiểm tra chất lượng đường truyền, hoặc khi có sự cố thì có thể định vị, phát hiện và xử lí nhanh chứ không dùng để can thiệp vào dữ liệu cá nhân của người dùng. Chỉ có nhà cung cấp viễn thông mới có thể thay đổi được mật khẩu này. Loại username/password thứ hai là mật khẩu thông thường dành cho người dùng, hoàn toàn có thể thay đổi được.
"Đây là lô hàng đầu tiên chúng tôi đặt hàng phía Huawei có 2 loại username/password để hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Nhưng trong quá trình lắp đặt và chuyển giao cho khách hàng, nhân viên kĩ thuật của VNPT Hà Nội chỉ làm theo quy trình mặc định mà không tìm hiểu kĩ, nên không thông báo với khách hàng về việc tồn tại cùng lúc 2 mật khẩu, đồng thời bàn giao nhầm mật khẩu dành cho nhà cung cấp. Chính vì thế mà khách hàng không thể đổi được mật khẩu. Chúng tôi đã chấn chỉnh, rút kinh nghiệm các nhân viên kĩ thuật vì sự cố này", ông Sơn trần tình.
Được biết, hiện VNPT Hà Nội có khoảng 80.000 thuê bao Internet cáp quang và Modem cho các thuê bao này được nhập từ 3 nhà cung cấp là Huawei, ZTE và Acatel. Tuy nhiên, qua kiểm tra và khoanh vùng xác định lỗi thì chỉ có lô hàng 1000 modem HG8045A nhập từ Huawei năm 2014 là tồn tại cơ chế 2 mật khẩu.
Chính vì thế, VNPT và Huawei đã thống nhất xử lí sự cố theo hướng chỉ giữ lại một username/password duy nhất (là loại thứ hai) để khách hàng sử dụng thuận tiện hơn. Việc thay đổi này được VNPT thực hiện hoàn toàn trên hệ thống chứ không phải đến tận nhà người dùng để cài đặt lại modem, do đó chất lượng dịch vụ cung cấp tới người dùng sẽ không bị ảnh hưởng. "Hiện người dùng đã có thể thay đổi mật khẩu bình thường", ông Sơn khẳng định.
Liên quan đến câu hỏi về quy trình thẩm định và chất lượng modem HG8045A, đại diện VNPT Hà Nội khẳng định, quy trình đấu thầu đếu thực hiện theo Bộ tiêu chuẩn của Tập đoàn và đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu của Bộ TT&TT. Tất cả sản phẩm cũng đã trải qua việc đo kiểm, kiểm định trước khi được đưa ra thị trường.
Thừa nhận việc chỉ giữ lại một mật khẩu người dùng sẽ khiến cho việc phát hiện sự cố, chăm sóc khách hàng chậm hơn, nhân viên của VNPT Hà Nội có thể sẽ phải đến tận nhà khách hàng để kiểm tra khi nhận được phản ánh về dịch vụ, song ông Sơn cho biết, bảo mật đã được đặt lên trước trong trường hợp này và VNPT Hà Nội chấp nhận hủy username/password admin của nhà cung cấp. "Chúng tôi sẽ tìm phương án khác để rà soát mạng lưới, đường truyền và phản ứng với sự cố trong thời gian tới".
Về phần người dùng, trong quá trình sử dụng dịch vụ, nếu cần sự hỗ trợ, họ có thể gọi đến tổng đài 04 800126 của VNPT Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể.
Cũng tại buổi làm việc này, đại diện Huawei, nhà cung cấp modem HG8405A cho biết, lô hàng 1000 modem 2 mật khẩu này được VNPT Hà Nội đặt hàng sản xuất. Tại Việt Nam, không còn nhà khai thác nào sử dụng loại modem này nữa. Tuy dư luận gần đây tỏ ra lo ngại về những rủi ro bảo mật từ việc không thể thay đổi mật khẩu của modem, song Huawei cho biết, trên thế giới cũng có rất nhiều nhà mạng sử dụng modem hai mật khẩu kiểu này. Vị này khẳng định cơ chế 2 mật khẩu "hoàn toàn không có vấn đề gì về bảo mật và kẻ xấu không thể lấy được thông tin từ bên ngoài, hay thông qua mạng Internet truy cập vào modem của người dùng" được.
Theo Vietnamnet.
Bình luận