Theo báo Malaysia Star, Yusrim Karim, 15 tuổi, đã kể với các thầy cô của mình về giải thưởng và khổ nỗi, kì tích này của cậu được các báo đưa tin rầm rộ khiến Google Malaysia phải lên tiếng phủ nhận.
Yusrim Karim kể với các thầy cô là đã gửi ứng dụng tin nhắn có thể dịch tức thời sang nhiều ngôn ngữ Coker Chat do em âm thầm phát triển trong khoảng 5 tháng tới chương trình Google Ideas hồi cuối năm ngoái. Một vài tuần sau, một nhân viên Google Ideas đã liên lạc với em qua email, và nhận xét phần mềm của em thật tuyệt vời, trao cho em cơ hội được làm việc trong dự án trị giá 36 triệu USD hoặc nhận số tiền mặt là 50.000 USD.
Cậu bé người Sandakan (Sabah) nói đã lựa chọn nhận tiền mặt.
Thành tích này được báo Malaysia đưa tin rầm rộ, coi như kì tích của quốc gia. Em cũng tỏ ra hào hứng trả lời báo chí.
"Em rất vui vì Google Ideas chấp nhận phần mềm của em", Karrim nói với phóng viên báo Star hôm 2/4 và cho biết thêm em phải tranh thủ nhiều giờ liền để phát triển dự án này sau giờ học ở trường – thường là phải thức đến 3 giờ sáng.
Karim nói ý tưởng của em về ứng dụng này là để mọi người trên thế giới dễ dàng giao tiếp với nhau hơn khi dùng ngôn ngữ của chính họ.
Là một tổ chức cố vấn đặt tại New York, Google Ideas lập ra nhằm hiểu rõ các thách thức toàn cầu và giải quyết chúng bằng các giải pháp công nghệ.
Không ai trong gia đình Karim biết về Google Ideas và giải thưởng cho đến khi em tình cờ nói chuyện đó với thầy giáo khoa học Azlan Budun tuần trước.
Alzan, giáo viên CNTT của Karim hồi năm ngoái, kể với báo Star rằng đây là ý tưởng thứ 14 em gửi đến Google Ideas. Ông cho biết ý tưởng của Karim đến sau khi nhận thấy những người dùng internet lớn tuổi sẽ thấy dễ dàng hơn từ một dịch vụ dịch thuật tức thời, đặc biệt khi họ giao dịch kinh doanh với các quốc gia khác.
Thầy giáo Azlan miêu tả Karim là cậu học sinh sáng sủa, học rất tốt các môn học, và là con trai nhỏ nhất trong số 3 người con trai của một cán bộ Sở Lâm nghiệp.
Theo Karim, bố của em nói rằng số tiền thưởng sẽ dành để đầu tư cho việc học tập của em.
Thầy hiệu trưởng với báo chí rằng nhà trường sẽ làm bổn phận của mình để khuyến khích và phát triển tài năng tin học của Karim. "Chúng tôi sẽ đề cử cậu ấy tham gia Giải thưởng sáng tạo quốc gia. Phần thưởng của Google cho cậu ấy chắc chắn là một vinh dự của nước ta, đặc biệt là quê hương Sabah", thầy nói.
Mọi việc hoàn toàn bình thường và khiến tất cả vui vẻ, nếu không có chuyện báo chí khai thác kì tích này và sau đó, Giám đốc Sở Giáo dục của thành phố Sabah là Datuk Jame Alip yêu cầu một cuộc điều tra.
"Tôi đã yêu cầu Phòng Giáo dục quận Sandakan báo cáo về việc này", ông nói.
Còn người phụ trách truyền thông của Google Malaysia là Zeffri Yusof nói tuyên bố của học sinh Yusrim Karim về giải thưởng là giả mạo. "Dường như đó là một sự hiểu nhầm đáng tiếc", ông nói thêm.
Mặc dù sự việc xảy ra từ trước ngày 1/4/2014 nhưng sự thật về giải thưởng của cậu bé 15 tuổi mới được phát giác hôm nay. Chính vì vậy, trang The Star của Malaysia (tờ báo cũng góp phần đưa tin vể giải thưởng của Karim) nhận xét rằng cậu bé đã hốt được một mẻ Cá tháng Tư rất to - đó là các thầy cô giáo của mình (và cả giới truyền thông).
Theo VnReview.
Bình luận