Tràn lan hàng dởm
Thời gian gần đây, rất nhiều loại laptop được rao bán trên các trang mạng xã hội với giá rẻ bèo thu hút rất đông các bạn sinh viên, hay nhân viên văn phòng…
Chúng tôi thử tìm kiếm trên mạng với từ khóa “mua laptop giá rẻ” thì có đến hàng chục trang web như: laptopdaiduong.com, laptopbinhdan.vn, laptopibm.net,… hiện ra chỉ trong vài giây. Theo lời “rao” của những trang web này, một chiếc laptop giá rẻ có giá từ 3-7 triệu đồng và có bảo hành đầy đủ. Với những lời “rao” hấp dẫn này, rất nhiều người tìm địa chỉ và đến tận cửa hàng để mua.
Là một “nạn nhân” khi mua laptop giá rẻ, chị Hằng Diệu (nhân viên văn phòng, ngụ quận 3) chia sẻ: “Lúc trước, tôi thấy cửa hàng H.K ở đường 3 tháng 3 (quận 10) có bán laptop giá rẻ nên tôi đến mua 1 laptop hiệu Dell, với giá hơn 6 triệu đồng.
Tuy nhiên tôi mang về xài được khoảng hơn hai tuần thì mở nguồn laptop không lên. Đem đến cửa hàng yêu cầu bảo hành thì chủ cửa hàng H.K thông báo một câu xanh rờn là, máy mình mua không được bảo hành. Mặc dù lúc mình mua, anh này đã nói với mình máy có bảo hành và đổi trả miễn phí nếu máy có vấn đề trong vòng 1 tháng”.
Trong vai người mua hàng, phóng viên chúng tôi tìm đến 1 địa chỉ bán laptop qua mạng trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) để tìm mua laptop. Bên ngoài nhìn vào, cửa hàng này đề biển sửa chữa laptop, nhưng khi vào hỏi, chủ cửa hàng ở đây nói có bán laptop với giá từ 5 đến 7 triệu đồng, đảm bảo chất lượng, mới đến 99%.
Khi chúng tôi hỏi về thời hạn bảo hành của sản phẩm thì người chủ cho biết bảo hành 1 năm. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi về giấy bảo hành gốc của công ty thì người chủ lại ậm ờ lắc đầu và cho biết: “Khi hư em mang đến đây anh sửa cho, lỗi gì anh sửa chẳng được mà đòi bảo hành, anh bảo hành còn kĩ hơn đại lí lớn”.
Nước mắt sinh viên nghèo
Rất nhiều bạn sinh viên đã phải “dở khóc dở cười” khi dành dụm từng đồng tiền mua laptop phục vụ cho việc học, nhưng không may mua phải laptop không chất lượng dùng chẳng được bao lâu thì hư mất.
Sinh viên Lê Thành Hưng (SV năm 2 trường ĐH Sư Phạm Kĩ Thuật) vẫn còn rơm rớm nước mắt khi nhớ lại việc mình bị lừa mua laptop dởm. Hưng cho hay: “Em đi làm phục vụ buổi tối cực khổ, cộng thêm số tiền vay vốn của sinh viên mới đủ mua cái laptop để học, vậy mà mua phải laptop dỏm ở cửa hàng sửa máy tính.
Lúc đầu em thấy mấy bạn cũng mua laptop giá rẻ trên web cửa hàng đó nên mình cũng mua, ai ngờ bây giờ không có laptop để học mà còn nợ thêm một số tiền nữa”.
Theo tìm hiểu, khi mua, các bạn sinh viên không hề nhận được một hợp đồng hay hóa đơn gì mà chỉ giao tiền nhận máy rồi về, sau đó máy có rủi ro gì thì sinh viên tự chịu. Nhiều bạn sinh viên khi máy xảy ra vấn đề mà bị cửa hàng “ bỏ rơi” thì cũng chỉ biết khóc nghẹn.
Anh Lê Quang Liên (chủ một cửa hàng máy tính tại TP.HCM) cho biết, nhiều cửa hàng laptop cũ giá rẻ thường gian lận bằng nhiều hình thức khác nhau và khá tinh vi. Để giảm giá, các cửa hàng thường thay RAM, ổ cứng máy nguyên bản bằng linh kiện đời cũ, chất lượng kém hơn (như RAM 2 GB xuống còn 1 GB, ổ 250 GB còn 120 GB...). Việc tráo hàng như vậy giúp cửa hàng kiếm thêm vài trăm ngàn tới hàng triệu tiền chênh lệch.
Bên cạnh đó, đối với sinh viên không rành máy tính thì lại dễ mắc “bẫy” hơn ở ngoại hình của laptop. Nhiều mẫu laptop được sản xuất cách đây ít nhất 5 - 7 năm, đã sử dụng qua sử dụng lại, được thanh lí sang Việt Nam nhưng khi rao bán thì vẫn mới 98%! Đó là các laptop đã được thay vỏ (sản xuất tại Trung Quốc) nhằm tăng sự thu hút sinh viên lựa chọn trong khi phần cứng đã sửa chữa “tanh bành”...
Theo Phụ Nữ Online.
Bình luận