Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế do một nhà nghiên cứu tại Đại học Vienna (Áo) đứng đầu đã tìm ra cách đo trọng lực bề mặt của các ngôi sao ở rất xa Trái đất, để giúp xác định xem các hành tinh quay quanh các ngôi sao đó có “thân thiện” với sự sống không.
Bằng cách quan sát những biến động rất nhỏ trong độ sáng của các ngôi sao xa xôi, các nhà khoa học có thể xác định trọng lực bề mặt của chúng. Đây là một kĩ thuật cung cấp cho họ những đầu mối quan trọng để đánh giá khả năng có thể có sự sống tại các hành tinh quay quanh các ngôi sao này.
Trong một bài báo mới đăng trên tạp chí Khoa học tiến bộ, các nhà nghiên cứu cho biết, trọng lực rất quan trọng đối với nhiều khía cạnh của vật lí thiên văn, vì trọng lực cung cấp manh mối về thuộc tính của các ngôi sao (chẳng hạn như khối lượng và bán kính của chúng) và thuộc tính của các hành tinh quay quanh các vì sao này, nơi có thể có sự sống.
Theo các nhà thiên văn học, sự hiện diện của nước trên hành tinh là rất quan trọng với sự sống.
"Kĩ thuật của chúng tôi cho phép xác định ngôi sao lớn và sáng đến mức nào, và nếu một hành tinh quay xung quanh nó có kích thước và nhiệt độ phù hợp để có các đại dương nước, thì hành tinh đó có thể có sự sống", đồng tác giả của nghiên cứu, giáo sư vật lí thiên văn tại Đại học British Columbia Jaymie Matthews cho biết.
Để xác định lực hấp dẫn của các ngôi sao xa xôi, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về độ sáng của các ngôi sao được thu thập từ vệ tinh MOST của Canada và vệ tinh Kepler của NASA.
Kể từ khi được phóng lên quỹ đạo năm 2009, Kepler đã phát hiện hơn 1.000 hành tinh, trong đó có 12 hành tinh nằm trong vùng phù hợp với sự sống của ngôi sao chủ - có nghĩa là những hành tinh quay quanh ngôi sao ở khoảng cách vừa phải để hành tinh không quá nóng hay quá lạnh để chứa được nước ở dạng lỏng.
"Tôi hi vọng ai đó sẽ công bố phát hiện sự sống trên một hành tinh khác trong vòng 20 năm tới" – giáo sư Matthews nói.
Theo Infonet.
Bình luận