Năm 2011, một đoạn video clip xuất hiện trên YouTube, chiếu cảnh một đứa bé 1 tuổi lướt thành thạo chiếc iPad và tỏ ra bối rối khi không thể “lướt” trên những tờ báo giấy, đứa bé thậm chí thử các thao tác khác nhau như ấn đúp, zoom… Video nhanh chóng tạo cơn sốt với hàng triệu lượt xem và hàng trăm bình luận khác nhau.
Greg Dixon từ NzHerald gọi đó là ví dụ hùng hồn nhất của “Thế hệ Z” (Generation Z) hay “Thế hệ số” mới. Họ sinh ra và lớn lên trong môi trường đầy những thiết bị số, màn hình cảm ứng, kết nối không dây. Không chỉ là thế hệ thừa hưởng kĩ thuật mới nhất, họ phát triển những tính cách mới, ưa thích thông tin nhanh gọn, những thứ giật gân tràn ngập từ mỗi cú nhấn đầu ngón tay.
Theo thống kê của GenerationZ.com.uk, vào năm 2015 trên thế giới có khoảng 2 tỉ người thuộc thế hệ Z, tức 27% dân số thế giới. Họ tập trung đông nhất ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria, châu Âu và Mỹ cũng có số lượng không nhỏ.
Thế hệ không biên giới
Trang nghiên cứu Zacks.com cho rằng, thế hệ Z có tính cách trái ngược hoàn toàn với thế hệ Y (những người sinh từ đầu thập niên 1980), họ là những kẻ dường như đã sinh ra với kiến thức về công nghệ.
Thế hệ Y lớn lên trước thời của smartphone, họ bước những bước rất chập chững trên thế giới online, chứng kiến nhiều đổi thay quan trọng: Internet dial-up, iPods hay MySpace, Google Maps, nhắn tin trên smartphone cũng là điều mới mẻ.
Ngược lại, thế hệ Z quen với khái niệm “không bàn phím”, cùng sự ra đời của smartphone năm 2007, tablet năm 2010. Họ có thể vừa đi vừa lướt phím, được bố mẹ chia sẻ hình ảnh sinh nhật, lời nói đầu tiên lên mạng xã hội.
Thế hệ Z có thể làm quen với laptop từ thời tiểu học, dùng Google Drive để nộp bài tập. Do vậy, thế giới của họ dường như không tồn tại đường biên giới, nhờ vào những mạng lưới kết nối đa dạng thông qua Internet. Họ có bạn bè ở khắp mọi nơi, và đôi khi, mạng lưới xã hội online còn vững chắc hơn những mối quan hệ thực sự.
Growing Leaders cũng liệt kê 10 điểm khác biệt giữa thế hệ Y và Z, như thế hệ Z chịu khó chi tiền online hơn, không thích bị theo dõi trên mạng xã hội, họ không ưa thích xem nội dung trên YouTube, Hulu và Neftlix, mà muốn tạo ra và tương tác với mọi người thông qua live-stream, cùng sản xuất video clip.
Họ dùng nhiều thời gian online hơn, giảm các hoạt động ngoài trời. Độ tập trung của họ giảm dần, vòng tập trung chỉ còn 8 giây, hệ quả của việc có quá nhiều thiết bị.
SpoutSocial, trang nghiên cứu thị trường tại Mỹ cho rằng, thế hệ Z thiếu kiên nhẫn hơn, yêu cầu tốc độ nhanh gọn trên mọi thứ. Họ từ bỏ email, làm quen hơn với các phương thức kết nối gọn nhẹ, từ tin nhắn SMS, các OTT như Messenger, Snapchat: nhanh chóng, ngắn và không trang trọng.
Internet trở thành công cụ để họ giải quyết vấn đề, chứ không còn là thế giới mới cần khám phá như trước.
Thế hệ Z tại Việt Nam
Nghiên cứu năm 2015 của công ty Epinion Global công bố nhiều thông tin thú vị về thế hệ Z tại Việt Nam, với số lượng lên đến 14,4 triệu thành viên.
Cũng như thế hệ Z trên thế giới, những công dân trẻ này tại Việt Nam sinh ra trong thế giới tràn ngập Internet, do vậy họ không phân biệt rạch ròi giữa thế giới thực và ảo.
Trong nghiên cứu, hơn 50% người tham gia khảo sát nói rằng họ chỉ cảm thấy thoải mái khi nhắn tin thông qua ứng dụng, hay tin nhắn, 9% thích gọi điện.
Điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường nhật, “thế hệ Z tại Việt Nam chỉ thích dành thời gian online, cả khi gặp gỡ bạn bè lẫn ở nhà”, báo cáo cho biết.
HRInAsia cũng đưa ra nhiều thông tin đáng lo ngại tại Việt Nam, khi nhiều người bắt đầu mắc chứng Nomophobia, lo lắng, không thể sống thiếu điện thoại; số khác thừa nhận đã trải qua triệu chứng Phantom Vibration Syndrome, cảm thấy điện thoại rung khi thực tế không hề có tin nhắn, thông báo.
Các hoạt động trên mạng được thực hiện nhiều nhất bao gồm đọc tin tức trên Facebook, với 79% người trả lời, nghe nhạc trực tuyến (74%) và nghe MP3/CD (73%).
Họ cũng dành nhiều thời gian nhắn tin (71%), xem YouTube (68%), chơi video game (62%). Phần đông số này không ưa thích các hoạt động ngoài trời, chỉ 42% nói họ muốn cùng bạn bè đi cafe.
“Thế hệ này chưa từng biết đến thế giới không Internet, do vậy biên giới giữa đời thực và mạng ảo rất mong manh, nhiều trong số họ cho rằng sự hiện hữu của mình phải được công nhận bởi mạng xã hội. Họ sẽ không là gì nếu không cầm điện thoại trên tay, do đó không ít người có nhiều hơn 1 smartphone”, Bui Tieu Vi, chuyên gia marketing cấp cao của Epinion cho biết.
Theo đó, 51% người khảo sát cho rằng họ cảm thấy được chú ý khi có người bình luận hoặc thích các bài đăng mạng xã hội, 45% đồng ý rằng càng nhiều thích và bình luận thì họ càng nổi tiếng.
Thế hệ Z Việt cũng thông minh hơn trên mạng online, họ rất ít mắc các bẫy lừa trên mạng so với đàn anh, và cũng cảnh giác hơn với thông tin quảng cáo. Chỉ 17% tin tưởng các phản hồi về chất lượng dịch vụ trên Facebook, chỉ 9% tin tưởng những người quen qua mạng.
Sự thay đổi của thế hệ này khiến các thương hiệu cũng phải đổi thay theo, Bui Tieu Vi nhận định: “Các nhãn hàng cần tạo ra chiến lược nội dung mạnh hơn, thời thượng hơn. Đặc biệt, sinh ra trong thời điểm các vấn đề xã hội được quan tâm nhiều hơn, các tên tuổi gắn được thương hiệu với những vấn đề cao cả sẽ được ủng hộ”.
Theo Zing.
Bình luận