Trước tình cảnh bão hòa của các thị trường truyền thống như Bắc Mỹ và Tây Âu, Apple đã hướng trọng tâm đến thị trường smartphone lớn nhất thế giới Trung Quốc. Nỗ lực thương thảo của Tim Cook trong hai năm 2013-2014 đã đưa iPhone vào hệ thống phân phối của nhà mạng lớn nhất Trung Quốc China Mobile. Nhờ đó, Apple đã đạt được một số thành công nhất định trên thị trường này khi có nhiều thời điểm trong năm 2015, iPhone đã vượt qua các đối thủ để vươn lên dẫn đầu thị trường này. Tuy nhiên, có vẻ như Apple không có duyên tại thị trường này khi “kì trăng mật” tại thị trường Trung Quốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi.

Ngay trong quý đầu năm 2016, lượng iPhone tiêu thụ tại thị trường này đã nhanh chóng trượt dốc. Theo thống kê của Counterpoint Research, iPhone chỉ chiếm chưa đầy 11% thị phần thị trường smartphone Trung Quốc trong quý I/2016 thay vì mức 12% cách đây một năm. Với kết quả đáng thất vọng này, Apple đã bị đẩy xuống cuối TOP 5 tại thị trường Trung Quốc.

Nói về nguyên nhân dẫn đến kết quả đáng thất vọng này, nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng: Thị trường smartphone Trung Quốc đột ngột giảm tốc sau những bất ổn kinh tế kéo dài. Xu hướng sử dụng smartphone của người dân Trung Quốc đang có sự thay đổi theo hướng thực dụng hơn. Sức cạnh tranh của các thương hiệu Trung Quốc được cải thiện đáng kể khi họ tận dụng được giá nhân công rẻ cũng như sự hậu thuẫn của Chính phủ và khả năng sao chép mẫu mã để có thể đưa ra sản phẩm có giá bán và cấu hình phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dùng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, những rào cản pháp lí mà Apple gặp phải tại Trung Quốc càng khiến cho việc kinh doanh tại thị trường này trở nên khó khăn hơn. Gần đây nhất là vụ Cục Quản lí nhà nước về Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình (SARFT) Trung Quốc cáo buộc Apple sử dụng trái phép bộ phim Xuebo dixiao phát hành năm 1994 do họ sở hữu tác quyền khi cho phép ứng dụng Youku Tudou phát phim này trên Apple TV.

Trước đó, trong tháng 5/2016, Văn phòng sở hữu trí tuệ Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm bán với iPhone 6/6 Plus tại thành phố này khi cho rằng: Apple đã vi phạm bằng sáng chế về thiết kế của mẫu điện thoại 100C của Công ty Baili có trụ sở tại Thẩm Quyến (Trung Quốc). Tuy nhiên, Apple đã nộp đơn kháng cáo trước quyết định này. Cũng trong thời gian này, Apple còn bị mất thế độc quyền sử dụng iPhone tại Trung Quốc sau khi tòa án nước này cho phép Xintong Tiandi Technology sử dụng thương hiệu này cho các sản phẩm đồ da của họ.

Chưa hết, tháng 4/2016, Bắc Kinh đã đột ngột đóng cửa iBooks Store và iTunes Movie của Apple sau 6 tháng cho phép hai dịch vụ này hoạt động tại Trung Quốc mà không đưa ra những giải thích thỏa đáng. Việc không có iBooks và iTunes khiến Apple chỉ đơn thuần là thương hiệu phần cứng tại Trung Quốc. Trong khi đó, nội dung trực tuyến là yếu tố không kém phần quan trọng trong việc thu hút người dùng đến với sản phẩm của Apple tại Mỹ và nhiều thị trường truyền thống khác của hãng.

Những khó khăn mà Apple phải liên tiếp đối mặt tại Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu tại thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng. Đó là nguyên nhân quan trọng khiến doanh thu tại Đại lục, Hong Kong, Macau của Apple giảm 26% xuống còn 12,49 tỉ USD. Điều này càng trở nên tệ hại hơn khi Trung Quốc đang giữ vai trò là thị trường nước ngoài lớn nhất thế giới, chiếm 25% doanh thu của hãng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng iPhone tiêu thụ lần đầu sụt giảm sau 9 năm góp mặt trên thị trường. Đồng thời, Apple cũng lần đầu tiên bị sụt giảm doanh thu trong 13 năm qua vào quý I/2016.

Trước xu hướng khó có thể đảo ngược, Apple đang lên kế hoạch chuyển hướng sang Ấn Độ - thị trường được dự báo sẽ có quy mô lớn thứ 2 thế giới vào năm 2017 và thay thế Trung Quốc trở thành động lực thúc đẩy thị trường smartphone toàn cầu. Song, để có được kết quả kinh doanh khả quan tại Ấn Độ không đơn giản. Bởi với thu nhập chỉ khoảng 1.500 USD/người/năm, đa phần người dùng Ấn Độ không đủ khả năng tài chính để sắm những con dế cao cấp của Apple, nhất là khi người dùng nước này vốn quen với việc sử dụng điện thoại bình dân với giá bán dưới 150 USD. Vì thế, để mở đường cho iPhone thâm nhập sâu hơn vào thị trường Ấn Độ, Tim Cook đã có chuyến công du đến nước này.

Tuy nhiên, còn quá sớm để nói về tương lai của Apple tại Ấn Độ, cho dù thị trường này đang là điểm sáng duy nhất trong báo cáo tài chính quý I/2016 của hãng công nghệ Mỹ khi đạt mức tăng trưởng 56%. Ngay cả khi Apple có được sự hợp tác với Reliance Industries - nhà cung cấp dịch vụ 4G được kì vọng sẽ thay đổi diện mạo Internet di động tại Ấn Độ cuối năm 2016, qua đó "giải phóng sức mạnh của iPhone" như khẳng định của CEO Tim Cook, thì cũng không có gì đảm bảo Apple sẽ đạt được mục tiêu kì vọng tại thị trường này. Còn nhớ, Apple cũng từng có được cái bắt tay của nhà mạng lớn nhất Trung Quốc. Nhưng rốt cuộc Apple chẳng thể có được kết quả như mong đợi tại thị trường này.

Theo Sống Mới.




Bình luận

  • TTCN (0)