Ngày 16/11/2016, tại trụ sở Liên hiệp Hội Việt Nam đã diễn ra hội thảo “Vai trò của báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam trước sự phát triển của mạng xã hội” nhằm thảo luận để có sự nhìn nhận đúng đắn, khách quan về mạng xã hội, tìm ra giải pháp cho hệ thống truyền thông chính thống không bị “lép vế” trước sự “tấn công” của mạng xã hội.
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Vũ Hữu Nghị, Tổng Biên tập (TBT) Báo Đất Việt nhấn mạnh vai trò và thách thức của mạng xã hội ảnh hưởng tới báo chí truyền thống ngày nay.
"Thông tin ngày nay không che giấu được nữa. Nếu các báo chính thống không đưa tin, người đọc sẽ tìm đến mạng xã hội để có thông tin nóng. Mạng xã hội với những tính năng tiện lợi sẽ dẫn dắt độc giả và đối với những thông tin nhạy cảm, điều này thực sự đáng lưu tâm, chức năng định hướng dư luận của báo chí chính thống cũng đang bị đe dọa", ông Vũ Hữu Nghị nói.
Theo ông Nghị, mạng xã hội có những ưu điểm đặc biệt: lượng "cộng tác viên báo chí" đông đảo, cung cấp vô vàn các thông tin đa dạng cho các báo chính thống. Đây là một lực lượng cộng tác viên mà không một tờ báo nào có thể có được.
Bên cạnh đó, mạng xã hội có một sự tương tác rất lớn giữa độc giả và tòa soạn báo. Thông qua các Comment (bình luận) mà tờ báo có thể biết được thái độ của các thành phần trong xã hội trước những vấn đề, cơ chế, chính sách tạo ra.
"Đây mới là phản biện thật sự của xã hội giúp các cơ quan ban ngành hiểu rõ hơn trình độ dân trí, nguyện vọng của dân để điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp. Đây là cách làm mà Báo Đất Việt đã thực hiện nhằm giúp Liên Hiệp hội và Ban tổ chức Diễn đàn có được những ý kiến bình luận đánh giá rất thực tế"- ông Nghị nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nghị, nguồn tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng. Người đăng thông tin trên mạng xã hội tại thời điểm này, chưa phải chịu trách nhiệm về thông tin mà họ cung cấp. Hiện nay còn có các công cụ làm báo trên mạng xã hội, nói nôm na, mọi người có thể làm báo dù không cần có thẻ nhà báo.
"Độc giả đã tìm tới mạng xã hội nhiều hơn, nhanh hơn báo chí. Mạng xã hội đã tranh giành định hướng xã hội, độc giả với báo chí" - ông Nghị nói.
Cùng đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Hoàng Tám – Báo Dân trí phát biểu tại hội thảo cho rằng, thực tế đang cho thấy, mạng xã hội đã và đang là một “thế lực” truyền thông vô cùng mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội và là đối thủ rất khó lường của báo chí chính thống. Đã không ít người bây giờ hay đọc và thậm chí, tin vào thông tin của mạng xã hội hơn cả báo chí chính thống.
Bà Phạm Thị Mị - TBT Sức khoẻ & Môi trường lại cho rằng, mạng xã hội là một "con dao hai lưỡi". Mạng xã hội là tự do cá nhân, không ai kiểm duyệt nên thông tin đưa rất nhanh nhưng cũng nhiễu loạn. Không loại trừ, trong số đó có cả bàn tay của những thế lực thù địch muốn lợi dụng phạm vi tác động lớn của mạng xã hội để chống phá sự nghiệp của Đảng và nhân dân ta.
Do đó, trách nhiệm nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của người làm báo là lên tiếng phê phán, từ đó định hướng lối sống lành mạnh cho lớp trẻ, thay vì có những bài viết hùa theo mạng xã hội, thuần túy câu "view", cổ vũ cho lối sống vị kỉ, tôn sùng vật chất trong một bộ phận xã hội hiện nay.
Theo ông Chân Luận, đại diện Báo Pháp luật TP.HCM, mạng xã hội có sức điều chỉnh rất lớn về các hành vi và ứng xử trong xã hội.
"Nếu không có Facebook thì có lẽ vụ việc Formosa không được xử lí nhanh đến vậy. Nếu không có mạng xã hội, trong vụ việc một vị cảnh sát hình sự có hành động đối với phóng viên lại được 'lái' từ ngữ 'gạt tay trúng má' hay đánh nhân viên hàng không. Nếu không có những video clip, hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, cách hành xử của các cơ quan công quyền cũng sẽ khác. Nếu có phóng viên nào đó tìm cách "đạo ý tưởng" của các báo khác, mạng xã hội lập tức truy tìm ra ngay" - ông Luận nhận định.
Ông đặt câu hỏi: "Vì sao chúng ta lại từ chối một thiết chế có sức điều chỉnh, ảnh hưởng xã hội tuân theo những quy chuẩn tốt lành như vậy?"
Nhưng ông Luận cũng nhấn mạnh, mạng xã hội không có sự kiểm chứng. Nhiều tờ báo bị xử phạt, chính phóng viên trong tờ báo cũng bị phạt vì thông tin không toàn diện, không kiểm chứng. Nhiều phóng viên chăm chăm cóp nhặt thông tin trên mạng xã hội mà không có xác minh mà chỉ gắn mĩ từ "Tổng hợp" gây nên dư luận không tốt.
Phát biểu cuối buổi hội thảo, ông Đặng Vũ Cảnh Linh – Trưởng ban Thông tin & Phổ biến Kiến thức đã nêu ra một số giải pháp để nâng cao vai trò của báo chí trong giai đoạn hiện nay.
Ông Linh cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi tư duy báo chí theo hướng tôn trọng công chúng, nâng cao tính trách nhiệm của báo chí, đạo đức người làm báo, không ngừng đổi mới nội dung, loại hình, phương tiện; tăng cường tương tác với công chúng; tinh giảm bộ máy, thay đổi cơ chế làm việc; tăng cường các loại hình truyền thông đa phương tiện; tăng cường sự minh bạch thông tin, tôn trọng sự thật, kiểm chứng thông tin mạng xã hội và báo chí phải tạo ra “món ăn” thông tin phù hợp nhu cầu của công chúng….
Theo Báo Đất Việt.
Bình luận