CEO Mark Zuckerberg vẫn nuôi giấc mơ tiến vào Trung Quốc

Mới đây, Thời báo New York đưa tin Facebook đang phát triển hệ thống có thể kiểm duyệt thông tin nhằm thỏa hiệp với chính phủ Trung Quốc. Kể từ khi IPO năm 2012, việc tìm ra con đường tiến vào thị trường đông dân nhất thế giới này vẫn là câu hỏi hóc búa đối với công ty của Mark Zuckerberg.

Tuy nhiên, ngay cả khi Zuckerberg đánh đổi bị kiểm duyệt lấy việc kinh doanh tại đây, Facebook còn phải đối mặt với thách thức lớn để có chỗ đứng trong hệ sinh thái mạng xã hội vốn đã rất phát triển.

Nếu gắn bó với bản sắc vốn có, họ không thể thành công vì thực tế chứng minh phong cách thất bại tại Trung Quốc. Hãy nhìn vào Renren, công ty được gán mác “Facebook của Trung Quốc”. Nhờ kì vọng ban đầu, Renren thu hút đầu tư từ Softbank và trước khi IPO tại Mỹ tháng 4/2011, công ty tuyên bố có 160 triệu người dùng. Giá cổ phiếu Renren giảm thê thảm từ 18,01 USD trong ngày đầu lên sàn xuống 1,81 USD hôm nay.

Hiện tại, dịch vụ của Renren gần như không có ai sử dụng và gây chú ý hơn ở các thương vụ đầu tư vào dịch vụ chuyển phát hay cho vay thế chấp. Mảng đầu tư và nền tảng video được tách khỏi công ty để có chỗ thở, nhất là khi dịch vụ nòng cốt và mạng xã hội “truyền thống” đi xuống.

Renren và các đối thủ nhỏ hơn như Kaixin trở nên héo úa vì đã lỡ mất làn sóng di động, không như WeChat. Ngày nay, ứng dụng chat WeChat chính là vua. Có trong tay 846 triệu người dùng, phần lớn đến từ Trung Quốc, WeChat là thành phần quan trọng trong chiến lược tiền tệ hóa di động của Tencent. Hơn hết, nó lại đang hoạt động trong không gian mà Facebook hướng tới nếu có mặt tại đây.

Các phần mềm nhắn tin “gặm” mất miếng bánh lớn của mạng xã hội, tới mức nếu đến Trung Quốc, bạn thường xuyên nhìn thấy mọi người ra vào nhóm chat công khai hay dí sát điện thoại vào mặt để sử dụng tính năng liên lạc bằng giọng nói “walkie talkie”.

Ảnh
Facebook không là gì so với WeChat tại Trung Quốc

WeChat còn hơn cả nhắn tin. Nó là Internet và nhiều hơn thế. Nó tích hợp timeline tương tự Facebook nhưng có tên Moments, nơi mọi người kết nối với tài khoản của thương hiệu như fanpage, hệ thống thanh toán, mua sắm, ngân hàng, hội họp và mới nhất là tính năng cho phép các lập trình viên viết ứng dụng cho nền tảng để không cần phải qua kho ứng dụng trung gian.

WeChat về cơ bản là cổng thông tin di động cho người dùng Trung Quốc, trong khi Weibo, nền tảng tiểu blog “nhái” Twitter, lại bao phủ không gian mạng xã hội với 297 triệu người dùng hàng tháng. Do đó, rất khó để biết Facebook có “chiêu trò” gì nếu được góp mặt.

Chưa kể, thực tế tại Trung Quốc, các thương hiệu phương Tây không có nhiều ý nghĩa. Chỉ cần hỏi CEO Uber Travis Kalanick, người vừa đồng ý bán Uber Trung Quốc cho đối thủ Didi. Sức hút toàn cầu của Facebook cũng phải “tắt điện” ở nơi này. Apple và iPhone được xem là ngoại lệ nhưng Facebook không có được sự hấp dẫn tương đương.

Một người dân Trung Quốc bình thường không có nhu cầu dùng Facebook. Tất nhiên, bạn có thể liên hệ với người quen ở nước ngoài bằng Facebook nhưng chỉ cần dùng qua VPN. Đối tác mua bán quảng cáo của Facebook ở đây ước tính mạng xã hội chỉ có khoảng 2,1 triệu người dùng, tỉ lệ vô cùng nhỏ bé so với 710 triệu người dùng Internet cả nước.

Khao khát mãnh liệt của Zuckerberg với Trung Quốc dường như là chất xúc tác để phát triển công cụ kiểm duyệt mà tờ Thời báo New York nhấn mạnh không nên được triển khai. Dù vậy, Facebook phải cân nhắc vô cùng cẩn thận vì vi phạm quyền tự do ngôn luận đồng nghĩa với công ty đánh mất thiện cảm của phương Tây, trong khi cơ hội thành công tại Trung Quốc vô cùng mong manh, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)