Tháng 3/ 2015, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa trang fanpage của mình vào hoạt động tại địa chỉ https://www.facebook.com/botruongboyte.vn nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân. Khi đó, chia sẻ trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Y Tế cho rằng, hiện nay Facebook ngày càng trở nên phổ biến và gia tăng liên tục số người sử dụng tại Việt Nam. “Khi thiết lập trang Facebook, tôi muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc, sáng kiến của người dân về công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Có cái nghe xong có thể giải quyết được ngay, nhưng cũng có cái không phải thẩm quyền của mình”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Sau 21 tháng hoạt động, trang fanpage chính thức của Bộ Y Tế đã có hơn 373 nghìn lượt theo dõi và liên tục cập nhật các thông tin của Bộ Y Tế cũng như hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 12/2015, Bộ Y tế dùng Zalo gửi thông báo cho người dân để tra cứu các điểm tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 Pentaxim gần nơi ở ngay trên trang Zalo chính thức của Bộ. Sau đó là một loạt các chiến dịch khác được Bộ phối hợp với Zalo thực hiện như sổ tiêm chủng trên Zalo giúp các bậc cha mẹ dễ dàng theo dõi quá trình tiêm chủng của trẻ hay nhận được tin nhắn khi sắp đến ngày tiêm; cẩm nang phòng chống virus Zika khi dịch bùng phát mạnh. Ngoài ra, Bộ cũng tạo điều kiện cho người dân có thể liên lạc tức thì với Bộ nếu gặp tình trạng bức xúc, nhũng nhiễu liên quan đến cán bộ ngành y hoặc muốn phản ánh tình trạng thực phẩm bẩn với Bộ trưởng thông qua số hotline từ tài khoản Zalo của Bộ Y tế.
Tài khoản Zalo của Bộ Y tế cũng liên tục cập nhật các thông báo, tin tức và cảnh báo về sức khỏe hàng ngày cho người dùng như các loại thực phẩm có thể gây đau khớp hay những dấu hiệu bệnh ung thư thận…
Cách đưa thông tin rõ ràng, cụ thể đến người dân của Bộ đã nhận được sự hoan nghênh từ phía người dân vì họ được cung cấp đủ thông tin và có sự chủ động trong việc tự chăm sóc sức khỏe của người thân cũng như các thành viên trong gia đình.
Theo đại diện Bộ Y tế, sở dĩ Bộ này sử dụng Facebook và Zalo để đưa thông tin, hoạt động của Bộ đến người dân vì sự phổ cập của các ứng dụng này ở Việt Nam từ đó lan tỏa thông tin nhanh hơn. Tuy nhiên, mỗi công cụ lại có cách khai thác khác nhau trong việc cập nhật tin tức. Như với Zalo, do ứng dụng này gắn với di động của mỗi người sử dụng, thông qua việc đăng kí tài khoản thông qua số điện thoại cũng như có địa chỉ, họ tên rõ ràng nên rất thuận tiện trong việc tuyên truyền thông tin theo từng vùng, đồng thời gửi đến chính xác người dùng quan tâm.
Cụ thể, các hoạt động cần tương tác chính xác đến điện thoại của mỗi người dân mà Bộ Y tế đã triển khai với Zalo như nhắc lịch sổ tay tiêm chủng hay cảnh báo dịch cúm Zika ở TP Hồ Chí Minh. “Đó là những lợi thế của ứng dụng chat OTT như Zalo mà các ứng dụng khác không thể đáp ứng được”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.
Về kế hoạch trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục một số dự án khác với Zalo để phục vụ người dân tốt hơn.
Với hơn 131 triệu thuê bao di động có phát sinh lưu lượng (theo số liệu của Cục Viễn thông – Bộ TT&TT tháng 10/2016), việc Bộ Y Tế sử dụng Facebook và nhất là các ứng dụng chat OTT di động như Zalo để tương tác, cập nhật thông tin hàng ngày đến người dân được đánh giá đã cho thấy sự thích nghi nhanh chóng của cơ quan quản lí để gần hơn với người dân và phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.
Theo ICTnews.
Bình luận