Tính năng Đánh dấu an toàn của Facebook đã bị kích hoạt nhầm sau khi cho rằng Bangkok vừa xảy ra một vụ nổ bom, theo thông tin trên trang The Independent. Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ tối giờ địa phương ngày 27/12, bất cứ người dùng Facebook nào tại thủ đô Thái Lan đều nhìn thấy nhiều thông báo về một vụ nổ và thông báo yêu cầu đánh dấu họ an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế không có bất cứ quả bom nào bị nổ tại Bangkok tối hôm đó.
Hệ thống Đánh dấu an toàn của Facebook một phần được điều khiển bằng các thuật toán rút ra từ các bài đăng của người sử dụng và các nguồn tin tức để quyết định liệu có một thảm họa nào đang xảy ra hay không. Đầu tiên, mọi chuyện có vẻ như thuật toán được sử dụng không đáng tin và các tin tức giả chính là nguyên nhân tạo ra vụ nổ “rởm” này. Trên Twitter cá nhân, phóng viên của trang Channel NewsAsia, Saksith Saiyasombut chia sẻ một bức ảnh Facebook xuất hiện tính năng Đánh dấu an toàn và tin tức hàng đầu thì lại xuất phát từ một trang tin không chính thống.
Facebook đã tắt tính năng vào khoảng 10 giờ tối, giờ địa phương.
Tin tức giả mạo đã trở thành một vấn đề lớn trên Facebook trong vài tháng gần đây. CEO Mark Zuckerberg gần đây đã đưa ra một hệ thống cập nhật nhằm ngăn chặn sự lan tràn của các thông tin giả mạo và sai lệch trên trang này cũng như hợp tác với các trang tin của bên thứ 3 để kiểm tra chéo tính chính xác của thông tin, chẳng hạn như Snopes, ABC News và Politifact…
Tuy nhiên, sau sự kiện này, trả lời trang The Verge, đại diện Facebook cho biết tin giả mạo không phải là nguyên nhân Facebook kích hoạt tính năng Đánh dấu an toàn (Safety Check). Trên thực tế, vào ngày 27/12, một người đàn ông đã ném một quả pháo có kích cỡ bằng một quả bóng bàn, trông giống như một khối chất nổ vào tòa nhà chính phủ tại Bangkok. Mặc dù không có vụ nổ nào xảy ra nhưng Facebook vẫn kích hoạt tính năng này.
“Safety Check đã được kích hoạt ngày hôm nay tại Thái Lan sau khi xảy ra một vụ nổ”, Facebook tuyên bố trong một thông báo với The Verge. “Tất cả những lần kích hoạt tính năng Safety Check, Facebook dựa vào một bên thứ 3 đáng tin cậy để xác nhận về sự kiện và sau đó dựa vào cộng đồng để sử dụng công cụ này cũng như chia sẻ với bạn bè và gia đình”.
Tính năng Safety Check của Facebook sử dụng 2 thuật toán: đầu tiên là việc sử dụng các thông báo khẩn cấp nhận được trực tiếp từ sở cảnh sát khi có người trình báo về bất cứ sự cố nào. Nếu có nhiều người cùng nói về điều này, Safety Check sẽ được kích hoạt.
Trong trường hợp này, thuật toán của Facebook tương ứng với các bài viết tại địa phương liên quan đến việc một người đàn ông ném một khối chất nổ nhỏ vào tòa nhà chính phủ và nhiều người dùng có nhắc đến sự kiện này. Mặc dù Safety Check cho biết có một vụ nổ nhưng thực tế không có một quả bom nào bị nổ tại Bangkok trong ngày hôm qua.
Theo ICTnews.
Bình luận