Trong thời gian sắp tới, Qualcomm đặt mục tiêu không chỉ kết nối người với người, mà kết nối vạn vật để chuẩn bị cho xu hướng mới “Internet of Things”. Trong 30 năm qua, điểm mạnh và sứ mệnh của Qualcomm là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của thế giới. Chúng tôi đã đầu tư 43 tỉ USD vào việc phát triển công nghệ di động và sắp tới là sự phát triển của 5G.
Nhìn lại, chúng ta thấy công nghệ di động đã và đang có sự phát triển rất mạnh mẽ, và Qualcomm đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển này. Điểm qua sự phát triển từ 1G, 2G, 3G, 4G và sắp tới là 5G, chúng ta thấy từ khi có 2G là thời điểm bắt đầu số hóa viễn thông di động, tốc độ kết nối chỉ là 0.5Mbps, phục vụ cho email, sms. Sau đó, với sự phát triển của 3G và các nhánh của 3G – đều dùng nền tảng CDMA do Qualcomm phát triển – nhiều ứng dụng về data được phát triển và tốc độ đạt 63Mbps và cao hơn. Khi có 4G, trải nghiệm băng rộng di động phát triển mạnh, và với các công nghệ và modem mới nhất của Qualcomm, tốc độ của 4G đã vượt qua mức độ Gbps. Hiện nay, đội R&D của Qualcomm đang đẩy mạnh đầu tư cho sự phát triển của 5G.
Mô hình của Qualcomm là tiếp tục đầu tư và phát minh ra các công nghệ và license cho các đối tác để cùng xây dựng hệ sinh thái di động. Hiện tại, Qualcomm đang nắm khoảng 119.000 bản quyền về công nghệ di động, 3G, 4G và được sử dụng trên toàn thế giới. Hiện nay có khoảng 300 nhà sản xuất thiết bị di động trên thế giới kí hợp đồng sử dụng bản quyền của Qualcomm. Chúng tôi tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực trong công nghệ di động. Hiện nay, Qualcomm là công ty hàng đầu về 3G, 4G. Về kết nối radio, Qualcomm cũng là công ty dẫn đầu. Bên cạnh đó, trong số các bộ vi xử lí sử dụng trong các smartphone và tablet, Snapdragon của Qualcomm cũng là số 1 hiện nay trên thế giới.
Qualcomm tiếp tục tập trung vào hai thế mạnh lớn nhất là kết nối và tính toán. Kết nối ở đây bao gồm các kết nối di động như 3G, 4G, sắp tới là 5G, Wi-Fi, Bluetooth. Trong ngành viễn thông di động, có thể nói, không có công ty nào có độ phủ về công nghệ kết nối di động lớn như Qualcomm. Về tính toán, Qualcomm luôn dẫn đầu trong việc đưa ra các bộ vi xử lí Snapdragon với năng lực tính toán và đồ họa hàng đầu thế giới. Kết hợp hai thế mạnh kết nối và tính toán – đây là nền tảng quan trọng nhất giúp chúng tôi chuẩn bị cho thế giới Internet of Things.
Sự kiện nổi bật trong năm: Qualcomm mua lại công ty NXP
Một sự kiện lớn trong năm qua là Qualcomm công bố việc sáp nhập, mua lại NXP Semiconductors. Đây là một công ty hàng đầu trong việc cung cấp chipset cho Internet of Things trên thế giới. Hiện nay chúng tôi vẫn hoạt động như hai công ty độc lập và quá trình sáp nhập đang diễn ra. Khi hoàn thành sáp nhập, hai công ty sẽ tận dụng được điểm mạnh của nhau, và đây là một sự kết hợp hoàn hảo vì hai công ty có rất ít các mảng công nghệ trùng lặp với nhau, mà đa số là bổ sung cho nhau. Đơn cử như mảng di động, hiện nay Qualcomm đi đầu về vi xử lí SoC và các công nghệ kết nối, NXP đi đầu về NFC và chip kết nối tính toán di động trong thiết bị smartphone. Sự kết hợp này càng khẳng định vị trí dẫn đầu của Qualcomm trong lĩnh vực di động.
Bên cạnh đó, một ngành công nghiệp rất tiềm năng hiện nay là ngành ô tô với xu hướng ô tô điện, ô tô kết nối và ô tô tự lái. Rất nhiều công nghệ kết nối và tính toán được đưa vào ô tô. NXP là công ty dẫn đầu thế giới hiện nay về sensor dùng trong ô tô kết nối. Kết hợp với sức mạnh của Qualcomm về tính toán và Snapdragon, hai công ty sẽ tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu trong ngành ô tô và những ngành sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Một thành tựu nữa là công nghệ Tango, hiện đang được Google đầu tư mạnh mẽ. Mọi người đều thừa nhận AR/VR sẽ là xu hướng mới trong ngành di động với tiềm năng rất lớn. Với sự kết hợp giữa Qualcomm với Google cũng như các OEM sản xuất smartphone, trong đó có Lenovo và Asus, đã có những smartphone được công bố sử dụng công nghệ Tango như Zenfone AR vừa được công bố tại CES 2017, Lenovo cũng đã ra mắt thiết bị có công nghệ Tango tại Việt Nam chạy trên Snapdragon 652.
Hiện nay, khoảng cách giữa Qualcomm và các đối thủ về modem kết nối 4G ngày càng xa. Trong 6 năm qua, qua 6 thế hệ, tất cả công nghệ mới nhất, lần đầu ra mắt trên thị trường trong lĩnh vực kết nối 4G đều do Qualcomm đưa ra.
Internet of Things
Hiện nay, Qualcomm đang đầu tư nhiều vào IoT với mục tiêu khi các đối tác phát triển sản phẩm IoT thì dùng giải pháp của Qualcomm có sự thuận lợi và giảm chi phí cũng như thời gian phát triển sản phẩm. Ngoài chipset, Qualcomm cũng đưa ra những sản phẩm ở mức độ mô-đun và hỗ trợ cho những ngành khác nhau như drone (thiết bị bay), camera IP và thiết bị đeo. Chúng tôi có những sản phẩm ở mức độ hệ thống để giúp các nhà phát triển sản phẩm tiết kiệm thời gian và chi phí.
Hiện nay, IoT là một mảng kinh doanh rất lớn của Qualcomm. Nhiều công ty nói về IoT nhưng doanh số lại chưa cao. Trong khi đó, với Qualcomm, doanh số cho riêng mảng IoT trong năm 2016 đã đạt khoảng 2,5 tỉ USD.
Các thành tựu của Qualcomm tại Việt Nam nói riêng
Trong năm 2016, tại Việt Nam, chính phủ đã cấp phép cho công nghệ 4G. Công nghệ này được mong đợi sẽ được sử dụng diện rộng tại Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam tiếp tục là thị trường top 3 thế giới về tốc độ phát triển lượng tiêu thụ smartphone 3G/4G và có sự phát triển rất ấn tượng về smartphone 4G. Có lẽ các thông tin về việc 4G được cấp phép và thử nghiệm của các nhà mạng đã thúc đẩy thị trường người tiêu dùng chuyển sang smartphone có hỗ trợ 4G. Tỉ lệ smartphone 4G vào cùng kì năm ngoái chiếm chỉ 15%, và hiện tại là 65% ở tất cả các phân khúc.
Tại Việt Nam, Qualcomm cũng làm việc với một số đối tác trong các dự án IoT trong các lĩnh vực như kết nối ô tô, xe máy, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, giải pháp IoT cho doanh nghiệp để quản lí tài sản, quy trình. Đặc biệt, khi trao đổi với chính phủ cũng như giải pháp cho hệ sinh thái như thành phố thông minh, chúng tôi cũng đóng góp các giải pháp về mặt công nghệ, kết nối và thuật toán.
Những điểm nổi bật tại CES 2017
Đầu tiên phải kể đến công bố vi xử lí Snapdragon 835, dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào nửa đầu năm nay. Năm ngoái chúng ta đã chứng kiến sự thành công của vi xử lí Snapdragon 820 và 821. Vi xử lí Snapdragon 835 là vi xử lí di động thương mại đầu tiên sản xuất với công nghệ 10nm. Vi xử lí này không chỉ dành riêng cho thiết bị di động, mà còn được mở rộng ra cho các thiết bị khác như thiết bị VR/AR, máy tính chạy Windows 10, và rất nhiều giải pháp cho ô tô thông minh và IoT. Với công nghệ 10nm, kích thước vi xử lí Snapdragon 835 nhỏ hơn rất nhiều, giúp các thiết bị có thiết kế mỏng nhẹ hơn và quan trọng hơn hết, tiết kiệm điện năng hơn 25% so với Snapdragon 820 tiền nhiệm.
Qualcomm hướng đến 5G
Qua nhiều thập kỉ, công nghệ di động đã đi từ khởi điểm 1G (analog), qua 2G (số hóa dữ liệu thoại), đến 3G (di động băng rộng), và 4G (Internet di động). Vậy 5G sẽ mang đến cho chúng ta điều gì? 5G sẽ phục vụ các kết nối “luôn luôn sẵn sàng”. Đầu tiên là di động băng rộng được cải thiện. Snapdragon 835 hiện đã đáp ứng tốc độ 1Gbps, với kết nối 5G, tốc độ đó sẽ tăng lên nhiều Gbps. Thứ hai là sự bùng nổ của Internet of Things. Chúng tôi ước tính vào năm 2020 sẽ có 20 tỉ thiết bị IoT trên thị trường. Một giải pháp mới cần được đưa ra để có thể đáp ứng được nhu cầu kết nối của số lượng khổng lồ các thiết bị. Thứ ba là các dịch vụ nền tảng/cốt lõi (mission-critical) như cứu hỏa, drone khi bay qua các vùng nguy hiểm. Kết nối dành cho các tác vụ này phải là những kết nối tốc độ cao được đảm bảo và ổn định, khác so với việc kết nối các thiết bị thông thường.
Có rất nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng giải pháp kết nối 5G như an ninh công cộng, nông nghiệp thông minh để tiết kiệm chi phí sản xuất, sử dụng năng lượng hiệu quả, kết nối phương tiện, thành phố thông minh hơn.
Hiện tại, các nhà mạng Việt Nam đang sẵn sàng triển khai công nghệ 4G cũng như các ứng dụng trên nền tảng này. Đây chính là những bước đi giúp hướng đến công nghệ 5G trong tương lai.
Vừa rồi, chúng tôi cũng đã công bố hỗ trợ các công ty thương mại và các nhà mạng để thử nghiệm 5G như Ericssion, AT&T, SKD trong năm 2017. Đồng thời, chúng tôi cũng công bố modem 5G đầu tiên vào nửa cuối năm nay, và các sản phẩm mẫu thương mại đầu tiên dùng modem này sẽ ra mắt vào nửa đầu năm 2018, có khả năng hỗ trợ tốc độ tải lên đến 5Gbps và hỗ trợ dải tần 28 GHz mmWave.
Chúng tôi dự kiến đến năm 2019 sẽ có thử nghiệm và triển khai thử các công nghệ 5G trên thực tế. Giữa năm 2019 sẽ có các nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G.
Hướng tập trung của Qualcomm tại Việt Nam trong 2017 là giúp Việt Nam triển khai thành công công nghệ 4G LTE. LTE sẽ là nền tảng công nghệ di động tạo hạ tầng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. LTE cũng là điều kiện cần thiết để Việt Nam xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông cho sự phát triển trong tương lai. Mục tiêu của chính phủ hiện nay là mang băng thông rộng đến 90% dân số Việt Nam vào năm 2020 – nếu không có công nghệ LTE, mục tiêu này khó đạt được do các đường cáp khó có thể đưa đến vùng sâu vùng xa. 4G LTE sẽ thúc đẩy GDP Việt Nam phát triển hơn. Mỗi quốc gia sử dụng băng rộng 10% thì sự thúc đẩy phát triển của LTE trong đó là 1%. Hiện nay, IoT đang ở giai đoạn khởi đầu tại Việt Nam, nhưng các lĩnh vực tiềm năng như thành phố thông minh, y tế di động, giáo dục trực tuyến đều cần nền tảng LTE để phát triển. LTE sẽ là mục tiêu chính của Qualcomm tại Việt Nam. LTE cũng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất thiết bị di động, thiết bị thông minh – sẽ có một làn sóng đổi mới thiết bị di động trong thời gian tới. Các thiết bị di động sẽ chuyển dần sang hỗ trợ cho LTE. Dự báo đến 2020, khoảng 85% thiết bị di động tại Việt Nam sẽ sẵn sàng cho LTE.
Mục tiêu quan trọng nhất của Qualcomm trong năm 2017 là giúp Việt Nam triển khai thành công 4G LTE. Để làm được việc này, có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện với các nhà hoạch định băng tần, chính sách tại Việt Nam, nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị di động, nhà làm nội dung. Ví dụ, hiện tại các thử nghiệm LTE cho thấy thiết bị mau hết pin. Thực tế, công nghệ LTE không làm thiết bị mau cạn pin hơn 3G; tuy nhiên, công nghệ 4G triển khai tại Việt Nam còn rất mới và chưa tối ưu. Các kĩ sư Qualcomm hiện đang giúp Việt Nam tối ưu mạng 4G và sẽ áp dụng phương pháp đó để có mạng 4G chất lượng tốt khi triển khai rộng rãi. Về chính sách, các nhà mạng đang chuẩn bị triển khai mạng 4G trên băng tần 1800 MHz. Tuy nhiên, để thật sự mang đến trải nghiệm 4G, các nhà mạng cần có công nghệ gộp sóng mang (CA), phải có băng tần, nhà nước cần có kế hoạch đấu giá các băng tần khác như 2600 MHz, 2300 MHz. Qualcomm tham gia tư vấn thường xuyên cho các hội thảo với các nhà hoạch định chính sách băng tần như Cục Tần số - Bộ CNTT&TT. Qualcomm cũng đã nhận được các yêu cầu của chính phủ trong việc tư vấn và chuẩn bị chính sách cho 4G.
Bình luận