Chụp ảnh và quay phim 3D
Khi nhắc đến camera kép trên smartphone chắc hẳn không thể bỏ qua những “cụ tổ” có công khai sáng trào lưu này chính là bộ đôi LG Optimus 3D và HTC Evo 3D.
Xuất hiện vào năm 2011 tại thời điểm trào lưu 3D đang được ưa chuộng trên smartphone, bộ đôi smartphone trên đều sử dụng camera kép độ phân giải 5MP kèm đèn flash LED để chụp ảnh và quay phim 3D.
Cụ thể là máy sẽ chụp ảnh cùng lúc từ hai camera ở hai góc khác nhau. Sau đó, đơn vị xử lí ảnh của máy sẽ ghép hai bức ảnh thu được thành một ảnh 3D và lưu trữ ở định dạng MPO hoặc JPS…
Màn hình của Optimus 3D và Evo 3D có thể hiển thị nội dung 3D trực tiếp thông qua công nghệ rào cản thị sai. Nhưng có vẻ như do hạn chế của việc hiển thị nội dung trên máy, chỉ cảm nhận rõ được hình ảnh 3D khi đặt tia nhìn vuông góc với màn hình, nên đã khiến cho bộ đôi smartphone tiên phong dùng camera kép này nhanh chóng bị “thất sủng”.
Chụp trước lấy nét sau & xóa phông
Trào lưu chụp ảnh trước, sau đó tùy chọn lấy nét vào bất kì khu vực nào trên ảnh đã được hãng Lytro tiên phong, và từng được cho là một xu hướng sẽ thịnh hành.
Lấy cảm hứng từ máy ảnh Lytro, các nhà sản xuất điện thoại như Nokia, Samsung, Sony lần lượt bước vào cuộc đua bằng giải pháp phần mềm, cho phép máy chụp liên tục và lưu trữ nhiều ảnh với độ sâu khác nhau – một cách để lấy nét từng vùng khác nhau, tức chụp ảnh trước lấy nét sau.
Riêng HTC đã lựa chọn giải pháp phần cứng thông qua bộ camera kép phía sau để trang bị tính năng chụp trước lấy nét sau trên One M8 mà hãng gọi là Ufocus. Chiếc camera phụ bên cạnh camera Ultrapixel 4MP không ghi hình mà thu thập độ sâu hình ảnh và lữu trữ thông tin này dưới dạng siêu dữ liệu vào tập tin ảnh để hỗ trợ lấy nét sau khi chụp nhằm tạo ra hiệu ứng xóa phông ưng ý.
Bản đồ độ sâu hình ảnh sẽ hỗ trợ One M8 lấy nét nhanh sau khi chụp chỉ trong 0,3 giây với bất kì tấm ảnh nào. Trong khi các smartphone hãng khác dùng phần mềm, tức sau khi chụp thì phải chọn các vùng nét, và thực hiện hoàn toàn bằng kĩ thuật số.
Nâng cao chất lượng ảnh
Thay vì dùng camera kép để xóa phông hay zoom quang, camera kép trên Huawei P9 tập trung vào nâng cao chất lượng ảnh chụp trên điện thoại.
Huawei đã trang bị hai cảm biến 12MP: một đa sắc và một đơn sắc. Lí giải cho sự xuất hiện của cảm biến đơn sắc chính là loại cảm biến này tập trung vào lượng ánh sáng thu được mà không cần để ý đến các màu sắc khác ngoài đen và trắng. Do đó, nội dung thu được từ cảm biến đơn sắc sẽ thu được nhiều chi tiết và độ tương phản cao vì không cần phải lọc ánh sáng để xác định màu như cảm biến đa sắc. Thế nên sau khi kết hợp với camera đa sắc còn lại trong bộ đôi, hệ thống camera kép của Huawei P9 sẽ tái hiện hình ảnh sắc nét hơn, thu sáng tối ưu hơn và thậm chí chụp ảnh đen trắng với độ tương phản cao hơn khi so sánh với các hệ thống camera đơn.
Góc chụp linh hoạt & zoom quang học
Các nhà sản xuất đã vận dụng linh hoạt hệ thống camera kép bằng cách sử dụng hai ống kính với góc chụp khác nhau nhằm tạo ra góc chụp phong phú lẫn hiệu ứng zoom quang học đắt giá.
LG đã tiên phong phá cách trang bị cho G5 camera 8MP góc nhìn rộng lên tới 135 độ (tương đương ống kính 9mm) bên cạnh camera 16Mp góc nhìn 75 độ. Việc bổ sung thêm camera góc chụp siêu rộng giúp G5 thay đổi linh hoạt góc chụp với hiệu ứng mắt cá thú vị và thu được nhiều nội dung hơn.
Cùng ý tưởng sử dụng các ống kính tiêu cự khác nhau cho camera kép, nhưng iPhone 7 Plus và mới đây là Zenfone 3 Zoom lại chọn cách tiếp cận khác so với LG G5. Hai mẫu điện thoại này được bổ sung camera thứ hai với ống kính tiêu cự tương đương 56mm trên máy ảnh fullframe, nhằm hỗ trợ khả năng zoom quang học 2x bên cạnh camera chính để chụp góc rộng.
Lập bản đồ nhiệt độ
Không tận dụng camera kép để nâng cao chất lượng hình ảnh như nhiều smartphone khác, Cat S60 sử dụng thêm một camera phụ với cảm biến hình ảnh nhiệt độ FLIR, bên cạnh camera chính 13MP, để đo nhiệt độ.
Sau khi tạo ra bản đồ nhiệt độ, camera nhiệt sẽ kết hợp với camera chính để tái dựng lại hình ảnh. Cảm biến nhiệt này dựa trên công nghệ camera đo nhiệt MSX được dùng để chụp ảnh hay quay phim bằng hồng ngoại. Cảm biến nhiệt này hoạt động chính xác trong phạm vi 30m và được dùng để đánh dấu sự tương phản nhiệt độ và xác định các vị trí nóng, lạnh.
Giao diện chụp ảnh cho thấy cảm biến có thể đo nhiệt độ chính xác của các vật thể hiện ra trên ống ngắm theo thời gian thực. Tính năng của cảm biến đo nhiệt của Cat S60 được ứng dụng trong các nghề nghiệp như cảnh sát, lính cứu hỏa, kĩ sư dầu khí hay vận động viên…
Tính năng đo nhiệt với sự kết hợp của bộ đôi camera còn được ứng dụng để quan sát trong điều kiện hạn chế tầm nhìn như sương mù, ban đêm…
Theo ICTnews.
Bình luận