Theo đại diện Facebook tại Việt Nam, thống kê từ mạng xã hội này cho thấy, người dùng mạng xã hội này thường than phiền họ không thích những câu chuyện gây hiểu nhầm, giật gân hoặc spam, bao gồm những bài viết có tiêu đề khơi gợi sự tò mò, sự chú ý của người đọc để thu hút họ bấm vào liên kết, mặc dù nội dung lại không thật sự cung cấp nhiều thông tin (clickbait) hay còn gọi là tiêu đề “mồi click chuột”.
Để hỗ trợ cộng đồng, Facebook đang nỗ lực để xác định những câu chuyện có các tiêu đề mang tính chất clickbait và làm giảm số lượng những thông tin đó xuất hiện trên News Feed.
Từ năm 2016, Facebook đã cập nhật News Feed để làm giảm các câu chuyện từ các nguồn liên tục đăng những tiêu đề mang tính clickbait mang tính che giấu và phóng đại thông tin. Đến nay, Facebook đang thực hiện ba bản cập nhật mới để hạn chế các tin dạng click bài này xuất hiện trên News Feed của người dùng để họ tiếp cận được với nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy hơn.
Đầu tiên, Facebook đang cân nhắc về clickbait ở cấp độ các bài đăng cá nhân cộng với tên miền và cấp độ trang để có thể tìm kiếm, giảm thiểu những tiêu đề clickbait một cách chính xác hơn.
Thứ hai, để điều này được thực hiện hiệu quả hơn, Facebook đang cố gắng phân chia thành hai tín hiệu riêng biệt trong việc phân biệt clickbait theo dạng đâu là thông tin che giấu, đâu là thông tin phóng đại.
Thứ ba, Facebook đang bắt đầu thử nghiệm điều này với những ngôn ngữ mới.
Một trong những giá trị mà News Feed của Facebook đang hướng tới đó chính là trở thành phương tiện giao tiếp đáng tin cậy, vì vậy Facebook liên tục tìm hiểu xem mọi người đang tìm đọc những thông tin đáng tin nào và tránh những thông tin nào.
Facebook đã theo dõi và rút kinh nghiệm từ cập nhật năm ngoái để có thể phát hiện các loại tiêu đề clickbait khác nhau tốt hơn, bằng cách xác định các tín hiệu của việc che giấu hoặc phóng đại thông tin một cách riêng biệt thay vì theo nhóm tương tự nhau.
Những tiêu đề che giấu thông tin cố tình bỏ qua những chi tiết quan trọng hoặc làm người đọc suy nghĩ lệch lạc, buộc họ phải nhấp chuột vào để tìm câu trả lời. Ví dụ như câu “Cô ấy nhìn xuống dưới đệm ghế trường kỉ và NHÌN THẤY điều này…”.
Ngoài ra đó là tiêu đề đã phóng đại những chi tiết của câu chuyện với ngôn ngữ nhạy cảm khiến cho vấn đề đó trở nên lớn hơn so với sự thật. Ví dụ như “WOW! Trà gừng chính là bí quyết giúp trẻ mãi không già. Bạn PHẢI xem điều này!”...
Cũng theo thông tin từ đại diện Facebook tại Việt Nam, mạng xã hội này phân loại ra hàng trăm ngàn tiêu đề là clickbait hay không phải clickbait bằng cách xem xét tiêu đề có phóng đại những chi tiết của câu chuyện hay không, và tách ra nếu tiêu đề che giấu thông tin. Một nhóm Facebook xem xét hàng ngàn tiêu đề sử dụng những tiêu chuẩn này, thông qua công việc của mỗi người để nhận dạng những nhóm tiêu đề clickbait.
Từ đó, Facebook có thể nhận biết được những cụm từ thường dùng để làm tiêu đề clickbait. Điều này tương tự như bộ lọc thư rác trong email.
Những bài viết với tiêu đề clickbait sẽ ít xuất hiện hơn trên News Feed. Facebook sẽ tiếp tục nghiên cứu và hi vọng sẽ tiếp tục phát triển công việc này để giảm thiểu clickbait bằng nhiều ngôn ngữ hơn nữa.
Theo ICTnews.
Bình luận