Luật sư Phạm Văn Phất, văn phòng luật sư An Phát Phạm đồng tình cao với Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em có hiệu lực từ 1/7/2017.

Ông chia sẻ, bản thân ông cũng từng cảnh báo với người thân khi đưa ảnh trẻ em lên facebook cá nhân. “Cá nhân tôi không tán thành việc đưa ảnh trẻ con tràn lan trên mạng xã hội”, vị luật sư nêu quan điểm.

​Lí giải cho điều này, ông Phất phân tích, trong Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định việc sử dụng hình ảnh của một người phải được người đó đồng ý. Trẻ em không thể quyết định được việc đưa hình ảnh hay không, vì nếu đứa trẻ đồng ý mà người giám hộ cho trẻ không đồng ý thì cũng không được đưa ảnh.

Khi trẻ đến tuổi trưởng thành, trẻ có thể không thích những hình ảnh đăng tải về mình ngày còn nhỏ. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều những cảnh báo về việc kẻ xấu biết thông tin về trẻ, biết lịch sinh hoạt của trẻ, biết mặt trẻ, tính cách… có thể dẫn đến những vụ bắt cóc, làm hại trẻ. Nhiều nguy cơ tiềm ẩn mà các bậc cha mẹ không lường trước hết được.

Do đó, phần lớn các quy định đều rất tích cực trong việc bảo vệ quyền trẻ em nói chung cũng như sự riêng tư của trẻ em.

Tuy nhiên, luật sư Phạm Văn Phất cũng băn khoăn trước việc, làm thế nào để những quy định này khi triển khai trên thực tế được khả thi, mang lại hiệu quả nhất định. Bởi trước đó, không ít những văn bản quy phạm pháp luật đã không thể “sống” lâu trên thực tế.

“Có hành lang pháp lí để thêm cơ sở bảo vệ quyền trẻ em là điều rất cần thiết, đáng hoan nghênh. Thế nhưng, cần làm sao để những quy định này được triển khai một cách hiệu quả trên thực tế”, ông Phất nói.

Cũng theo ông Phất, cần thời gian và rút kinh nghiệm trên thực tế để các văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, với những hành lang pháp lí như Nghị định 56 kể trên cũng góp phần tích cực trong việc hình thành ý thức bảo vệ trẻ em được tốt hơn đối với cộng đồng và ngay cả với cha mẹ trẻ.

Luật sư Phạm Văn Phất cũng cho rằng, không nên đặt vấn đề cha mẹ có cần xin phép con khi đăng ảnh lên facebook hay không. Bởi theo ông, bản thân cha mẹ là người giám hộ cho con, tức là với trẻ từ 7 tuổi trở lên, người lớn có thể tham khảo ý kiến của trẻ trong một số vấn đề. Nhiều trẻ có chính kiến sớm, thể hiện sự không thích xuất hiện quá nhiều trên trang cá nhân của cha mẹ. Đây là điều cha mẹ cần phải tôn trọng.

Tuy nhiên, nếu nói xin ý kiến trẻ sẽ có nhiều chuyện phải bàn. Giả dụ việc trẻ đồng ý hay không đồng ý, liệu có cần xác thực bằng văn bản? Hơn nữa, trong trường hợp này, ai là người bảo vệ cho trẻ? Trong khi đó, về nguyên tắc cha mẹ vẫn là người bảo hộ cho trẻ, trừ trường hợp cha mẹ hạn chế về năng lực hoặc một số trường hợp khác.

“Ở đây, chúng ta chỉ kêu gọi sự tôn trọng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cần tôn trọng ý kiến của con và suy nghĩ đến những ảnh hưởng khi đăng ảnh con tùy tiện lên môi trường mạng, ví dụ như facebook”, ông Phất nói thêm.

Cũng theo vị luật sư, việc cha mẹ xin ý kiến con trẻ khi đăng ảnh con lên facebook sẽ khó ở một số điểm như: Nếu vợ đồng ý nhưng chồng không đồng ý, hoặc bản thân trẻ cũng khó biết được khi nào cha mẹ đưa ảnh mình lên, càng khó để biết mình có quyền đồng ý hay không đồng ý… "Do đó, vấn đề chính vẫn là cha mẹ cần cân nhắc kĩ trước khi đưa ảnh con lên môi trường mạng", luật sư Phạm Văn Phất nhấn mạnh.

Trước đó, báo chí đưa thông tin về Nghị định 56/2017, quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, có hiệu lực chính thức kể từ ngày 1/7/2017. Theo Nghị định, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ.

Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người dùng là trẻ em. Đồng thời, có cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại, giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích của trẻ.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử (game) phải có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ.

Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm có quyền yêu cầu các đơn vị dịch vụ mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em…

Theo Người Đưa Tin.




Bình luận

  • TTCN (0)