Galaxy S7 Edge và Galaxy S10+.

Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu dường như đã đạt đến đỉnh điểm, minh chứng là năm 2018 là năm đầu tiên phân khúc này không có sự gia tăng nào về tổng số lô hàng trên toàn thế giới. Mặc dù một số hãng đang làm tốt hơn bao giờ hết nhưng dù sớm hay muộn, tất cả cũng sẽ đạt tới giới hạn nhất định.

Một trong những lí do chính khiến doanh số smartphone giảm là người dùng hiện có xu hướng sử dụng điện thoại lâu hơn. Một số ước tính cho thấy chủ sở hữu điện thoại thông minh trung bình chuyển đổi thiết bị ba năm một lần.

Đương nhiên, các nhà sản xuất thích khoảng thời gian đó ngắn hơn, lí tưởng là một năm. Tất nhiên, đó là một mục tiêu không thực tế. Tuy nhiên, ba năm là một thời gian dài và xu hướng cho chu kì nâng cấp sẽ mở rộng hơn nữa. Vậy, các công ty có thể làm gì để khiến người mua điện thoại thường xuyên nâng cấp hơn?

Dưới đây là một vài biện pháp đang được áp dụng:

Cung cấp nhiều công nghệ giữa các thế hệ

Đây là giải pháp dễ nhận thấy nhất. Nếu bạn đang muốn mua một chiếc điện thoại mới và bạn thấy rằng chiếc flagship mới nhất nhanh hơn ba lần so với chiếc điện thoại mà bạn có được vài năm trước, thậm chí chụp ảnh đẹp hơn, bạn sẽ không ngại chi tiêu một số tiền mặt lớn để sở hữu chúng.

Ảnh
Galaxy S10+ và Galaxy S9+ (phải).

Tuy nhiên, để có được phiên bản nâng cấp này, các nhà sản xuất sẽ phải có một số “bước đột phá lớn”, làm thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất điện thoại thông minh. Đi cùng với đó, phiên bản nâng cấp cũng có sẽ mang lại các tính năng mới, hầu hết chúng đều giúp người dùng cải thiện chất lượng cuộc sống. Lấy ví dụ cho các tính năng bổ sung là những cử chỉ kì lạ cho các lệnh khác nhau và thậm chí các tính năng được quảng cáo nhiều như sạc không dây ngược (trên loạt Galaxy S10).

Định giá phải chăng cho các flagship mới

Một hệ quả hợp lí khác của nhu cầu giảm sẽ là giảm giá. Tuy nhiên, kết quả trong những năm gần đây lại ngược lại: giá các mẫu smartphone cao cấp đã tăng đều đặn, vượt qua mốc 1000 USD như một quy luật tự nhiên! Các nhà sản xuất điện thoại cho rằng giá trả góp hàng tháng hấp dẫn sẽ thu hút khách hàng. Đáng tiếc, ngày càng có nhiều người bắt đầu nhận thấy giá của chúng quá cao và quyết định giữ thiết bị của mình lâu thêm một chút, chờ đợi dịp giảm giá hoặc chờ tới model tiếp theo (có thể sẽ còn đắt hơn).

Ảnh
Xiaomi Mi Mix 3.

Chắc chắn, việc hạ giá thấp hơn sẽ “hút khách” nhưng điều đó sẽ không xảy ra. Một khi các nhà sản xuất điện thoại đạt đến một mức giá, các hãng này sẽ làm bất cứ điều gì để không hạ xuống dưới mức đó.

Cung cấp một loạt các thiết kế

Hiện tại, có vô số phong cách thiết kế với các góc cong và màn hình. Các nhà sản xuất “bủa vây” người dùng với những ngoại hình đặc biệt nhất và bắt mắt nhất.

Lấy OnePlus làm ví dụ. Bạn muốn một chiếc điện thoại không có “tai thỏ” và viền bezel mỏng? Bạn có thể mua OnePlus 5T! Bạn thích sử dụng smartphone có “tai thỏ”? OnePlus 6 dành cho bạn! Nếu bạn thích phong cách “giọt nước” đẹp hơn? OnePlus 6T phù hợp với bạn! Và chỉ trong một vài tháng tới, công ty sẽ phát hành một chiếc điện thoại có camera bật lên.

Ảnh
OnePlus 6 và OnePlus 5T.

Tất nhiên, không phải ai cũng thích những lựa chọn thiết kế mới nhất, nhưng nếu người hâm mộ của thương hiệu này biết phiên bản tiếp theo sẽ cung cấp một cái gì đó khác biệt, họ sẽ chờ đợi thay vì lựa chọn chuyển đổi sang một thương hiệu khác.

Trong khi đó, nếu bạn không thích kiểu dáng của iPhone X được ra mắt vào năm 2017 thì bạn đã bị mắc kẹt với thiết bị của mình cho đến cuối năm 2019!

May mắn thay, giờ đây, các công ty đã tiến hành thử nghiệm thường xuyên hơn với thiết kế của mình. Từ các tỉ lệ khung hình khác thường, như Xperia 1 mới, cho đến các cách khác nhau để tạo màn hình cạnh-cạnh: màn hình thứ hai, cơ chế trượt, v.v. Những phong cách thiết kế mới lạ đó cũng giúp các nhà sản xuất nổi bật so hơn với “đối thủ” trong một thế giới nơi mà nhiều flasgship dùng chung một con chip.

Tập trung vào các dịch vụ

Theo một cách nào đó, điều này được minh họa rõ nét từ Apple. Mảng dịch vụ của công ty đang mang về doanh thu “khủng” trong vài năm qua, chiếm phần lớn lợi nhuận chung của công ty. Sắp tới, hãng này cũng đang có kế hoạch ra mắt các dịch vụ hoàn toàn mới trong năm nay, đáp ứng nhu cầu ngày càng rộng hơn của người dùng.

Với mô hình kinh doanh này, khi thông số kĩ thuật phần cứng của điện thoại trở nên ít hơn, thiết bị sẽ biến thành một cổng thông tin cho hệ sinh thái nhà sản xuất. Vì vậy, bất chấp bạn nâng cấp lâu hơn, miễn là bạn là một phần của hệ sinh thái, bạn sẽ góp phần bù đắp tổn thất doanh thu cho nhà sản xuất smartphone thông qua đăng kí, quảng cáo hoặc tệ nhất là dữ liệu cá nhân của bạn.

Ảnh
iPhone duy trì thiết kế "tai thỏ" trong 2 năm nay.

Đây là lí do tại sao chúng ta không chỉ thấy Apple, mà cả Samsung, Huawei và Xiaomi, tất cả đều tạo ra các sản phẩm công nghệ cho mọi nhu cầu, từ tai nghe đến máy tính xách tay và kết nối chúng với các giải pháp phần mềm của riêng họ. Tất cả đều đang tự xây lên những “bức tường” bảo vệ cho chính mình.

Thành thật mà nói, ý tưởng này sẽ vẽ nên một tương lai không mấy thú vị. Việc bị nhấn chìm trong một hệ sinh thái duy nhất sẽ hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng và ít nhiều khiến bạn phải chịu nhiều nhược điểm của thương hiệu mà bạn đã chọn.

Cung cấp ưu đãi khi nâng cấp

Đó là một chiến lược khác được áp dụng trong hầu hết các công ty, gần đây nhất là việc ra mắt điện thoại Samsung Galaxy S10. Samsung cung cấp giảm giá lên tới 550 USD (khoảng 12,79 triệu đồng) tùy thuộc vào thiết bị người dùng đổi mới. Điều đó nghe có vẻ hấp dẫn, việc giảm giá như vậy sẽ hữu ích nhất nếu bạn dự định bán thiết bị của mình. Với những ai có tư duy xanh, họ biết rằng công ty sẽ đảm bảo điện thoại sẽ được tái chế đúng cách.

Ảnh
Galaxy S10 tặng kèm Galaxy Buds khi đặt hàng sớm.

Một cách khác để thúc đẩy người dùng “móc hầu bao” cho những chiếc điện thoại thông minh mới là cung cấp các sản phẩm miễn phí dưới dạng tặng kèm, một lần nữa giống như Samsung đã tặng Galaxy Buds cho khách hàng đặt trước Galaxy S10. Mặc dù cặp tai nghe có giá 130 USD (khoảng 3,02 triệu đồng) nếu mua riêng nhưng đối với Samsung, chi phí sản xuất của chúng thấp hơn đáng kể, do đó, theo cách này, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Giảm độ bền và khả năng sử dụng

Đây thực sự là biện pháp đen tối nhất của các nhà sản xuất. Có lẽ ví dụ gần đây nhất cho “chiêu trò” này là Apple - làm chậm iPhone khi pin xuống cấp ở một mức độ nhất định. Việc này vẫn là một bí mật cho đến khi nó được phát hiện thông qua một cuộc điều tra của bên thứ ba và sau khi bị truyền thông tố cáo, Apple cuối cùng đã thừa nhận.

Đây có phải là biện pháp lỗi thời hay không? Rõ ràng, người dùng không thể biết được Google hay Apple có bao nhiêu kế hoạch xử lí các vấn đề với pin trên điện thoại của mình. Dù bằng cách nào, điện thoại chậm hơn có thể dẫn đến việc mọi người được nâng cấp sớm hơn. Điều đó đã được xác nhận gần đây bởi các giám đốc điều hành của Apple, khi chương trình thay thế pin rẻ hơn kết thúc và công ty đã tiết lộ ước tính về việc hãng này tổn thất bao nhiêu khi người dùng giữ điện thoại của họ lâu hơn.

Ảnh
iPhone 6 Plus.

Ngay cả khi gạt phần cứng sang một bên, điện thoại thông minh cũng phụ thuộc rất nhiều vào phần mềm để hoạt động. Và điều này đã diễn ra trên những chiếc iPhone bị chậm lại, các công ty có thể thay đổi hành vi của từng thiết bị ở mức sâu nhất có thể, có khả năng che giấu để nó không bao giờ bị phát hiện. Điều phổ biến hơn cả là smartphone cũ nhận phần mềm (hệ điều hành hoặc ứng dụng mới hơn) được thiết kế dành cho các thiết bị mạnh hơn, cũng dẫn đến hiệu suất kém hơn.

Các chuyên gia công nghệ kì vọng, các nhà sản xuất sẽ tránh xa các chiêu trò lừa bịp người tiêu dùng và thay vào đó sẽ cố gắng giành được nhiều khách hàng hơn bằng cách cung cấp các sản phẩm mà khách hàng muốn mua.

Theo Dân Việt.




Bình luận

  • TTCN (0)