Có thể nói chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia về công nghệ thông tin tìm đến và đầu tư ồ ạt như hiện nay. Điều này dẫn đến nguồn lực công nghệ thông tin trong những năm sắp tới sẽ cần một số lượng rất lớn. Nhưng liệu số sinh viên CNTT ra trường hàng năm có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp?
Số lượng nhiều mà chất còn thiếu
Theo thống kê của Hội tin học TP HCM (HCA), hiện 390 trường trong cả nước có những chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực CNTT, tăng 43 trường so với năm trước. Trong đó, tổng số lượng tuyển sinh đào tạo năm nay là hơn 50 nghìn. So với năm 2007 con số này tăng hơn 11 nghìn sinh viên. Số lượng sinh viên CNTT ra trường hàng năm ngày càng tăng lên sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT trên thị trường. Nhưng trên thực tế, số lượng sinh viên ra trường được tuyển dụng có thể làm việc được ngay lại rất ít. Đa số các doanh nghiệp sau khi tuyển dụng đều phải đào tạo lại.
Cũng theo khảo sát của HCA đối với 80 DN CNTT - TT, trong 6.330 người có trình độ từ trung cấp đến cao học đều nằm ở mức trung bình và khá. Về khả năng am hiểu công nghệ và kỹ năng chuyên môn, chỉ có 28% đạt yêu cầu đặt ra của DN, 82% phải đào tạo lại mới có thể theo kịp các dự án đang triển khai.
Thiếu hụt nhân sự CNTT
Toàn thế giới hiện đang thiếu khoảng 1,5 triệu kỹ sư CNTT và đến năm 2010 con số này sẽ là 3 triệu. Tại Việt Nam (VN), nhu cầu nhân lực ngành phần mềm (PM) trong nước ngày càng tăng cao. Ước tính, giai đoạn 2008-2010 cần 12.000 15.000 người/năm; giai đoạn 2011 – 2015 cần từ 20.000 – 25.000 người/năm. Trong khi đó, quy mô đào tạo nhân lực CNTT của VN hiện chỉ đạt 9.000- 10.000 người/năm. Nếu chỉ tính số sinh viên tốt nghiệp đạt yêu cầu tuyển dụng thực tế thì còn thấp hơn.
Theo như các doanh nghiệp tuyển dụng, sinh viên ra trường còn thiếu nhiều về kỹ năng giao tiếp, tác phong làm việc không chuyên nghiệp và trình độ tiếng Anh còn hạn chế. Khả năng làm việc theo nhóm cũng tương tự với 64% nguồn lực không thể hòa nhập ngay vào những module và cần có thời gian mới có thể làm việc tập thể. 71% chưa thích ứng với sự thay đổi công nghệ, 90% nhân sự có trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế.
Chính những hạn chế đó đã làm cho các nhân viên CNTT nước ta chỉ bộc lộ được khoảng 60% năng lực thực sự của mình và là rào cản lớn để sinh viên được tuyển dụng vào DN.
Đã có rất nhiều hoài nghi xung quanh chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại VN. Đây sẽ là thách thức rất lớn cho ngành CNTT trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của Công nghệ và các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ gia công xuất khẩu cho các tập đoàn lớn đầu tư vào VN.
Giải pháp đặt ra
Nếu chỉ trông chờ vào hệ thống đào tạo chính quy, ngành CNTT Việt Nam khó giải được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực đạt chuẩn. Ở mức cao hơn, theo ông Phạm Tấn Công, tổng thư ký VINASA thì VN cần thay đổi cơ bản quy trình và chất lượng đào tạo để có đội ngũ nhân lực CNTT đạt trình độ quốc tế.
Mặt khác, Việt Nam cũng cần sớm xây dựng hệ thống chuẩn đánh giá nhân lực CNTT của Việt Nam phù hợp với các hệ thống chuẩn nhân lực quốc tế.
Việc xây dựng một chuẩn chung cho phép các ngành đào tạo và tuyển dụng có cơ sở để đánh giá chất lượng lao động, từ đó có sự phân phối lao động phù hợp, kèm theo đó là mức thu nhập cho từng bậc trình độ cũng được trả xứng đáng hơn. Chuẩn này cũng giúp Việt Nam liên thông với quốc tế khi đưa nhân lực CNTT Việt Nam ra thị trường thế giới.
Nhưng có những ý kiến lại cho rằng, giải pháp trước mắt cần tạo môi trường giảng dạy CNTT hoàn toàn bằng tiếng Anh, xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng phân tích nghề nghiệp trong xã hội, theo hệ thống mở, xã hội hóa và quốc tế hóa...
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam có tiềm năng hợp tác với các đối tác nước ngoài rất tốt, vì vậy phải làm sao để có thể thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong nước”.
Ông cũng đánh giá: thị trường công nghệ thông tin, môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam rất lớn nên sự kết hợp cung - cầu, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay là cực kỳ cần thiết.
Đó sẽ là những ý kiến hữu ích góp phần giải quyết bài toán khó trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng trong nước hiện nay.
Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT đáp ứng cho nhu cầu phát triển xã hội ngày càng là một đòi hỏi bức thiết. Nếu trong 3 năm tới, chúng ta không trả lời được câu hỏi làm thế nào để nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư, của xã hội, rồi mô hình đào tạo, cơ chế đào tạo nguồn nhân lực nào là phù hợp… thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài để tăng tốc phát triển trong 20 năm tới.
(Theo Vnmedia)
Bình luận