Nhu cầu nhân lực CNTT lành nghề ngày càng tăng dẫn đến thiếu hụt. Ảnh minh họa: Theo Internet

Giai đoạn 2001-2007, TP.HCM đào tạo trên 200 ngàn lao động CNTT. Thế nhưng, ngành công nghiệp CNTT chỉ sử dụng trên 20 ngàn người, chiếm tỉ lệ 9,4%. Trong khi đó, các công ty lại phản ánh thiếu hụt trầm trọng nhân lực trong lĩnh vực này. TP.HCM đang đối mặt với một nghịch lý cung thì thừa nhưng cầu lại vẫn thiếu…

Tuyển khó, đồng thời phải đào tạo lại Mặc dù nguồn cung lớn nhưng các công ty lại rất vất vả mới tuyển được 1 nhân viên đạt yêu cầu. Công ty Tường Minh cho biết, cứ 100 hồ sơ xin việc thì chỉ có 5-10 ứng viên trúng tuyển, chỉ có 15-20 ứng viên vượt qua vòng phỏng vấn kỹ thuật. 

Đa số các công ty đều không tuyển dụng đủ nguồn nhân lực mà mình cần hằng năm. Global Cyber Soft là một công ty lớn với nhiều chế độ đãi ngộ nhưng hằng năm công ty cũng chỉ tuyển được khoảng 87% nhân lực so với nhu cầu. Với các DN khác thì con số này thấp hơn nhiều chỉ đạt khoảng 30%-40%.

Mặc dù thiếu hụt nhưng rất nhiều sinh viên CNTT học xong ra trường vẫn không xin được việc làm và phải chuyển sang làm ở lĩnh vực khác. Theo thống kê của Sở LĐTB-XH TP.HCM thì trong giai đoạn từ 2001-2007, nhân lực ngành CNTT đã qua đào tạo trình độ ĐH được sử dụng khoảng 87%, trong khi CĐ chỉ có 18% còn kỹ thuật viên chỉ có tỉ lệ là 2%.

Sở dĩ như vậy vì nguồn nhân lực CNTT nhất là sinh viên mới ra trường của TP.HCM hiện nay còn rất nhiều điểm yếu. Một trong những điểm yếu đó là thiếu kiến thức chuyên ngành trầm trọng. Theo khảo sát của Công ty Phần mềm Quang Trung thì có đến 46% ứng viên dự tuyển thiếu kiến thức chuyên ngành.

Một điểm yếu nữa của họ là trình độ ngoại ngữ chưa cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần nhân lực CNTT am hiểu ngoại ngữ để nhanh chóng tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ các nước khác. Chính vì thế mà có khoảng 40% sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT xin việc bị loại do thiếu kỹ năng ngoại ngữ.

Ngoài ra, thiếu tính sáng tạo, thiếu kỹ năng làm việc nhóm cũng khiến các sinh viên mới ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Chính vì thế, sau khi tuyển dụng rồi các DN đều phải đào tạo lại mới có thể sử dụng được. Qua khảo sát 200 DN ở TP.HCM thì có đến trên 90% DN có nhu cầu đào tạo lại.

Công tác đào tạo lại sẽ ngốn rất nhiều kinh phí của các DN. Chính vì vậy dẫn đến hiện tượng “săn đầu người” ngày càng gắt gao giữa các công ty. Nhiều công ty đưa ra những chế độ đãi ngộ thật tốt như trả lương cao hơn công ty cũ để lôi kéo nhân sự đã có kinh nghiệm về công ty mình.

Thiệt thòi sẽ rơi vào những DN vừa và nhỏ, không có khả năng thực hiện nhiều chế độ ưu đãi. Ngoài ra, nếu đào tạo lại họ cũng gặp phải những vấn đề như đào tạo xong nhân lực có thể bị các DN lớn trong ngành thu hút hoặc bị các doanh nghiệp đặc thù lôi kéo với mức lương hấp dẫn hơn để về xử lý những vấn đề liên quan đến lĩnh vực CNTT trong công ty mình.

Hiện nay, ngày càng nhiều công ty có nhu cầu ứng dụng CNTT phục vụ cho kinh doanh nên nhu cầu nhân lực trong ngành này ngày càng nhiều. Chính vì thế tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề ngày càng cao. Trong khi đó thì tỉ lệ người thất nghiệp trong ngành này cũng rất lớn. Yêu cầu đặt ra là phải cấp bách tìm ngay những giải pháp nhằm giải quyết nhanh chóng cái vòng luẩn quẩn cung thừa nhưng cầu vẫn thiếu này.

DN và nơi đào tạo phải “bắt tay” thật chặt chẽ

Đó là một trong những giải pháp mà các đại biểu tham dự hội thảo “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin” tổ chức tại Công viên Phần mềm Quang Trung, Gò Vấp, TP.HCM vào ngày 25/9 đưa ra.

Phía Sở LĐTBXH TP.HCM đề xuất: Trước hết, nhà trường nên coi doanh nghiệp là khách hàng của mình. DN xem nhà trường là nguồn cung cấp lao động kỹ thuật và có thể dựa vào nhu cầu của công ty mà chủ động đặt hàng nhà trường đào tạo.

Ảnh
Đại biểu tham dự hội thảo: "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT". Ảnh: Hà Ánh.

Để việc phối hợp giữa nhà trường và DN được tốt, ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc chi nhánh miền Nam Tập đoàn CNTT&TT CMC đưa ra giải pháp: Các trường nên có sự đóng góp của DN hoặc những chuyên gia trong các công ty lớn để góp ý xây dựng giáo trình phù hợp với yêu cầu công việc tại công ty mình. Nên kéo dài chương trình thực tập vì thời gian thực tập hiện nay là quá ngắn, khiến sinh viên chưa kịp làm quen với công việc thì đã phải trở về trường.

Ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Phần mềm Quang Trung cùng đồng tình: 6 tháng cuối cùng của SV nên giao cho DN đào tạo để khi SV ra trường thì DN có thể tuyển dụng luôn.

Phía nhà đào tạo, GS TS Hoàng Văn Kiếm, ĐH CNTT, ĐHQG TP.HCM đề xuất: DN nên tạo điều kiện cho SV vừa học vừa làm. Có thể phối hợp với trường đào tạo SV từ năm thứ 2, thứ 3. 

"Ngoài ra, để nguồn nhân lực trong ngành này chất lượng hơn thì cũng cần nâng cao trình độ ngoại ngữ của các SV CNTT bằng cách tổ chức đầu vào đầu ra thật gắt gao. Nên đưa ra khung trình độ ngoại ngữ tương ứng với mức độ đào tạo tin học", ông Huỳnh Thanh Tiến, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty CP Phát triển phần mềm Asia đưa ra giải pháp.

Chuyên môn hóa đào tạo cũng là một giải pháp hay mà ông Hà Văn Lượm, PTGĐ Công ty Global Cybersoft đã đưa ra. Tức là mỗi trường chuyên sâu vào đào tạo 1 kỹ năng để khi DN có nhu cầu về kỹ năng nào thì có thể có nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu.

Theo ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ TT&TT thì nếu thực hiện được những giải pháp trên, tạo được mối quan hệ chặt chẽ giữa DN và nhà trường thì chắc chắn trong tương lai, nguồn lao động CNTT không những đủ về lượng mà sẽ đạt cả chất...

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)