Nhằm đánh bóng danh tiếng của mình, thứ 5 vừa qua MySpace dự định sẽ khai trương một dịch vụ nhạc số rất hấp dẫn, cho phép khoảng 120 triệu người sử dụng tự do tiếp cận hàng trăm ngàn bài hát từ các hãng ghi âm lớn nhất thế giới.
Điểm mấu chốt là: nhạc chỉ có thể chơi trên máy tính kết nối Interntet và người nghe phải “chịu đựng” các quảng cáo nhấp nháy xung quanh màn hình. Bất kỳ ai muốn chuyển một bài hát sang một thiết bị di động nào đó như iPod của Apple sẽ phải mua dịch vụ download theo năm trên Amazon.com, giá mỗi bài chỉ có 79 cent.
Không giống như phần lớn dữ liệu trên iTune của Apple, các bài hát được bán qua dịch vụ mới của MySpace không chứa phần bảo vệ giới hạn số lần sao chép bản nhạc.
MySpace hy vọng sẽ vượt qua bóng iTunes khi cho phép người sử dụng tạo vô số playlist có thể chứa tới 100 bài hát – tương tự như dịch vụ đã được Imeem và Last.fm đưa ra.
Nếu kế hoạch của MySpace thành công, mọi người sẽ thường xuyên đăng tải các playlist khác nhau lên trang cá nhân của mình và cho bạn bè nghe các bản nhạc mới.
Các hãng ghi âm tin rằng dịch vụ này sẽ khiến mọi người hứng thú hơn với các bài hát, và doanh thu thu về sẽ bù đắp lại khoản bị sụt giảm từ việc bán đĩa CD (12 tỷ USD năm 1999 xuống dự kiến còn 5 tỷ USD trong năm nay).
Bên cạnh Warner, còn có 3 hãng thu âm lớn khác là Sony BMG Music Entertainment, Universal Music Group và EMI Music cũng mở cửa thư viện của mình cho MySpace. Sony ATV/ Music Publishing và The Orchard cũng đã gia nhập vào liên minh của MySpace.
MySpace sẽ khởi đầu với vài trăm ngàn bài hát, song hãng này kỳ vọng sẽ vượt qua con số 8,5 triệu của iTunes (Apple).
“Khi mọi việc ổn thỏa, chúng ta sẽ có một catalog âm nhạc lớn nhất trên Internet” dẫn lời Amit Kapur – trưởng phòng hoạt động của MySpace.
Các hãng âm nhạc cũng đang hy vọng rằng dịch vụ MySpace sẽ làm giảm đi địa vị thống trị của iTunes, nơi bán ra hơn 5 triệu bài hát kề từ khi thành lập năm 2003 và giờ là hãng bán lẻ âm nhạc lớn nhất thế giới. Apple đã làm phật lòng ngành âm nhạc khi từ chối cho phép các bài hát nổi tiếng nhất được bán với giá cao hơn.
Một vài dịch vụ khác, chủ yếu là dịch vụ trả phí thuê bao hàng tháng để có quyền truy cập vào thư việc âm nhạc, cũng cố thách thức iTune song chưa có kết quả gì. Danh sách những kẻ “bạo gan” này gồm Yahoo Music, Rhapsody của RealNetwork và Napster (hãng bị Best Buy thâu tóm với giá 121 triệu USD trong tháng này).
Rio Caraeff, phó trưởng bộ phận kỹ thuật số của Universal Music, dự đoán rằng các dịch vụ tương tự như dự án hợp tác của MySpace cũng sẽ nảy mầm ở các mạng xã hội khác.
“Chúng tôi biết rằng có một lượng lớn người yêu âm nhạc nhưng ko muốn bỏ tiền mua chúng,” Caraeff nói. “Chúng ta phải tìm ra một mô hình kinh doanh mới, vừa phục vụ cho người sử dụng, vừa làm lợi cho các nhạc sỹ và hãng sản xuất.”
MySpace có một lợi thế để đấu lại iTunes, đó là âm nhạc từ trước đến nay luôn là điểm mạnh của trang web này. Khoảng 5 triệu các ban nhạc và ca sỹ đã đăng ký dịch vụ MySpace, và 2/3 số người sử dụng đã đăng tải âm nhạc lên trang cá nhân của họ.
Trong những năm đầu của MySpace, ngành công nghiệp âm nhạc đã buộc tội Internet là thiên đường của việc ăn cắp bản quyền âm nhạc. Universal Music thậm chí còn kiện MySpace đã vi phạm luật bản quyền; song vụ này đã được khép lại vào tháng 4 vưa qua để mở đường cho dự án hợp tác trên.
Dù rất có tiềm năng nhưng MySpace không coi dịch vụ này là kẻ hủy diệt iTune. Chris DeWolfe, giám đốc điều hành của MySpace cho biết “Chúng tôi coi dự án này là sự bổ sung cho những gì Apple đang làm, và sẽ làm tăng nhu cầu về nhạc kỹ thuật số. Chúng tôi nghĩ rằng sự liên kết này sẽ có lợi cho cả tác giả âm nhạc lẫn các hãng sản xuất.”
Với cố gắng trở thành tâm điểm chia sẻ và thưởng thức âm nhạc, MySpace hy vọng sẽ bán được nhiều quảng cáo hơn và trở thành điểm mua vé ca nhạc và tặng phẩm hấp dẫn.
Chiến lược này chỉ là một trong những nỗ lực của MySpace nhằm nâng cao lợi nhuận trực tuyến cho tập đoàn truyền thông News Corp. của Rupert Murdoch, hãng đã mua lại trang web với giá 580 triệu USD vào năm 2005.
McDonald’s Corp., State Farm Insurance, Toyota Motor Corp. và Sony Pictures là những nhà tài trợ khai trương dịch vụ âm nhạc này.
Việc duy trì tỷ lệ tăng trường dịch vụ quảng cáo không hề dễ dàng do việc quảng cáo không phải lúc nào cũng phát triển tỷ lệ thuận với sự phổ biến của trang web.
“Câu hỏi đặt ra là liệu các trang web này có thể thay đổi môi trường của mình để mọi người muốn mua sắm trên đó hay không” dẫn lời chuyên gia phân tích Jame McQuivey của Forrester Research. Ông nghi ngờ kế hoạch kinh doanh âm nhạc này sẽ trở thành nguồn thu quảng cáo lớn bởi nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người không muốn nhìn màn hình máy tính khi họ đang nghe nhạc qua Internet.
Nếu MySpace và các hãng âm nhạc đồng minh có ý định đổ vốn đầu tư dịch vụ này cùng với việc quảng cáo, McQuivey dự báo các quảng cáo tiếng sẽ được chèn vào sau mỗi 2 bài hoặc tương tự như vậy. Tuy nhiên DeWolfe cho biết MySpace không có kế hoạch cho việc đó bởi làm thế sẽ khiến người sử dụng khó chịu.
MySpace cần phải làm gì đó mang tính đột phá nếu muốn nâng cao vị thế cạnh tranh của mình, dẫn lời Richard Greenfield chuyên gia phân tích của Pali Capital.
Mặc dù trang web này vẫn là mạng xã hội ảo lớn nhất trên Internet song nó đang phải đối mặt với sự lớn mạnh không ngừng của Facebook. Hiện tại Facebook đang chứa rất nhiều ứng dụng bên ngoài – bao gồm cả một vài chương trình âm nhạc – trợ giúp 90 triệu người sử dụng của mình.
“Đối thủ lớn nhất” của MySpace cũng đang cố gắng tìm ra điểm gì đó mới để thu hút người sử dụng – Greenfield bình luận “Bạn phải đảm bảo trang web có lý do hợp lý khiến người sử dụng muốn ở lại, và không khiến họ phát chán.”
(Theo Vietnamnet/AP)
Bình luận