Những điểm yếu của nguồn nhân lực từ các trường đào tạo nghề cho đến bậc đại học như thiếu kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ yếu, thiếu tính sáng tạo, không làm việc theo nhóm, thực hành ít... đã được biết từ lâu.

Đây cũng là những vấn đề được nhắc lại tại hội thảo về nhân lực tổ chức tại công viên phần mềm Quang Trung (TP.HCM) sáng 25-9.

Theo tổng hợp của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, từ năm 2001 - 2007, các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) tại TP.HCM đã đào tạo được 213.000 người, nhưng chỉ sử dụng được 20.100 người (tỷ lệ 9,4%). Trong đó, nguồn đào tạo của bậc đại học được sử dụng nhiều nhất: 13.000/15.000 người (87%), bậc cao đẳng: 3.300/18.000 người (18%). Thấp nhất là các cơ sở đào tạo kỹ thuật viên, dù đào tạo 180.000 người nhưng số lượng được theo nghề là 3.800 người, chiếm tỷ lệ 2%!

Đại diện của TMA, một doanh nghiệp phần mềm lớn của thành phố, nói rằng họ luôn thiếu nhân lực, nhưng không dễ tuyển được nguồn đúng với yêu cầu: cứ 100 hồ sơ chỉ có khoảng 20 ứng viên lọt qua vòng phỏng vấn kỹ thuật, sau đó tuyển được 10 người. Tỷ lệ 10% cũng là tỷ lệ chung của các doanh nghiệp phần mềm. Ở các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác như kinh doanh phần cứng, khai thác nội dung số… tỷ lệ tuyển dụng có cao hơn, ước khoảng 40% so với số hồ sơ xin việc.

Chỉ 10% hay 40% có được việc làm, có nghĩa là phần tỷ lệ còn lại thuộc vào dạng thất nghiệp với chính ngành nghề mà họ đã được đào tạo với khoản tiền học phí thấp nhất là 12 triệu đồng (kỹ thuật viên trung cấp) với thời gian hai năm. Lỗi do người học hay do nơi đào tạo? Trả lời câu hỏi này, cho đến nay vẫn chưa ai chịu nhận trách nhiệm về mình. Tiến sĩ Lê Trường Tùng, hiệu trưởng Đại học FPT bình luận: “Đào tạo đại học hiện nay theo hướng “công nông nghiệp”, trong khi yêu cầu của ngành CNTT theo hướng kinh tế tri thức nên việc nhân lực không đáp ứng nhu cầu thực tế là chuyện tất nhiên”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trần Đức Lai nhận định: “Vấn đề nhân lực cho ngành CNTT đang là bài toán nan giải. Hiện nay, cách đánh giá về nguồn nhân lực lĩnh vực này còn nhiều chiều khác nhau. Doanh nghiệp bảo rằng do cơ sở đào tạo, còn các trường lại nói do nội dung đào tạo của bộ và thái độ của người học. Bên nào cũng có lý”.

Tại hội thảo, một vấn đề tưởng chừng đã quá cũ được các chuyên gia, các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành CNTT tập trung phân tích khá nhiều, đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Doanh nghiệp, với tính chất nghề nghiệp của mình, cũng là nơi tiếp nhận nguồn thông tin mới trên thế giới. Nếu các trường biết khai thác nguồn thông tin này sẽ giúp sinh viên không lạc hậu với tình hình phát triển công nghệ thực tế.

Ông Lê Thanh Tâm, tổng giám đốc IDG Việt Nam đặt vấn đề: “Nhiều chuyên gia của các doanh nghiệp CNTT đang hoạt động tại Việt Nam là người Việt được đào tạo trong và ngoài nước. Tại sao các trường không sử dụng những chuyên gia này để nói chuyện với sinh viên?”.

Nhưng PGS.TS Trương Bá Hà, đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM lại băn khoăn: “Nếu doanh nghiệp nói chuyện chưa đúng thì ai chịu? Ở nhiều trường đại học lớn trên thế giới, chuyên gia muốn nói chuyện trước sinh viên phải là những người có kinh nghiệm và trình độ ổn định”.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)



Bình luận

  • TTCN (0)