Một kỹ sư đang bảo trì hệ thống tại trung tâm điện toán lưới LHC của CERN tại Geneva.

Phòng thí nghiệm vật lý phân tử lớn nhất thế giới – CERN ngày 3/10 đã công bố mạng máy tính mới cho phép hàng nghìn nhà khoa học trên khắp thế giới có thể cùng làm việc với nhau để thực hiện các thí nghiệm cực lớn.

Khoảng 7.000 nhà khoa học ở 33 quốc gia sẽ được kết nối thông qua mạng máy tính mới của CERN (Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu) để phân tích dữ liệu từ những thí nghiệm hạt phân tử mới được khởi động từ tháng trước.

Thí nghiệm tìm nguồn gốc của vũ trụ được bắt đầu từ ngày 10/9/2008 và 9 ngày sau đó đã phải dừng lại do một hỏng hóc trong đường đường hầm thí nghiệm LHC dài 27km của CERN. Dự kiến phải tới đầu năm 2009, đường hầm này mới được vận hành trở lại. Khi đó các nhà vật lý tham gia vào thí nghiệm có thể sử dụng laptop của họ truy cập dữ liệu theo thời gian thực nhờ mạng máy tính lưới của CERN (kết nối hơn 100.000 bộ xử lý tại 140 viện nghiên cứu trên khắp thế giới).

Theo giáo sư Ian Bird, chủ nhiệm dự án mạng điện toán lưới LHC, thì hệ thống siêu máy tính phân tán trên chủ yếu được xây dựng cho dự án LHC, nhưng nó cũng dành cho việc nghiên cứu khoa học. “Rất nhiều nhà nghiên cứu và dự án đã được hưởng lợi từ hệ thống tính toán này. Điện toán lưới cho phép thực hiện rất nhiều nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải xử lý một lượng lớn dữ liệu và mức độ phân tích chuyên sâu”, nhận xét của giáo sư Bird.

Tuy nhiên, rất khó tính toán được lượng dữ liệu đã thực hiện trong các thí nghiệm khoa  học lớn trước đây. Chỉ riêng thí nghiệm tại LHC đã tạo ra một lượng dữ liệu 700MB/giây, tương đương với 15 triệu GB mỗi năm (thực hiện trong 10-15 năm). Nếu ghi số dữ liệu này vào đĩa DVD thì sẽ có khoảng 3 triệu chiếc (chỉ trong một năm), còn nếu xếp chồng đĩa CD lại với nhau thì chiều cao sẽ gấp 2 lần ngọn Everest.

“Để phân tích được số dữ liệu này không chỉ yêu cầu sức mạnh tính toán cực lớn mà còn cần tới mô hình tính toán mới – điện toán lưới”, phát ngôn viên CERN, James Gillies, cho biết.

Cũng giống như nền tảng Worldwide Web (WWW), được phát minh năm 1990 tại CERN – cho phép người dùng có thể chia sẻ thông tin qua mạng Internet, máy tính lưới cũng cho phép kết nối các tài nguyên máy tính (khả năng lưu trữ dữ liệu và sức mạnh xử lý) trên khắp thế giới.

Hiện CERN mới chỉ có 10% khả năng tính toán cần thiết cho thí nghiệm LHC. Phần còn lại sẽ nhờ vào mạng điện toán lưới.

(Theo Vnmedia/Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)