Chuyên gia Pháp làm việc với cán bộ khoa học Việt Nam tại Viện Khoa học và kỹ thuật Hạt nhân Ảnh: AD.

Hội đồng nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) đã đưa máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới Large Hadron Collider (LHC) vào hoạt động ngày 10/9. TS Võ Văn Thuận, Viện Khoa học và kỹ thuật Hạt nhân cho biết về việc các nhà khoa học Việt Nam chuẩn bị chương trình tham gia nghiên cứu tại đây.

- Trong những năm qua, các nhà vật lý của Việt Nam đã tham gia nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế. Gần đây, CERN đã đưa máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới Large Hadron Collider (LHC) vào hoạt động ngày 10/9 và được biết, các nhà khoa học Việt Nam cũng đang chuẩn bị một chương trình tham gia nghiên cứu tại đây...?

- TS. Võ Văn Thuận: Để chuẩn bị vận hành và nghiên cứu trên các hệ đo tại máy gia tốc LHC, người ta cần rất nhiều nhà vật lý tham gia. Tại Việt Nam, hiện chưa có nhóm nghiên cứu nào trực tiếp phối hợp với CERN.

Tuy nhiên, được sự ủng hộ của các viện, trường ở Pháp, Thuỵ Sĩ, nên đã có một số chuyên gia, nghiên cứu sinh ở Viện Vật lý và Điện tử (Hà Nội), khoa Lý - ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội đang xây dựng các nhóm Việt Nam tại Hà Nội để có thể thường xuyên tổ chức nghiên cứu trong nước và cử người sang Hội đồng châu Âu nghiên cứu hạt nhân - CERN (Conseil Europeen pour la Recherche Nucleaire) để làm việc.  

Ở TP.HCM, vài năm trước đây có nhóm do GS. Nguyễn Mộng Giao thành lập để hợp tác với dự án D0 ở Fermilab, có thể coi là có chuyên môn liên quan đến CERN. Song, do khó khăn về điều kiện vật chất và kinh phí nên các thành viên của nhóm này cũng chỉ chủ yếu tham gia cùng các nhóm hoạt động ở nước ngoài hơn là triển khai nghiên cứu trong nước.

Theo tôi biết, chỉ có vài nghiên cứu sinh Việt Nam trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu của CERN sau khi họ bảo vệ luận án tiến sĩ ở Tây Âu.

- Ông có thể cho biết đôi nét về những nghiên cứu sinh Việt Nam sẽ tham gia nhóm nghiên cứu của CERN? 

- Theo tôi biết thì có 4 nghiên cứu sinh Việt nam đang làm các nghiên cứu trực tiếp với các thí nghiệm tại LHC-CERN, gồm TS Vũ Anh Tuấn hiện đang là Post-Doc tại CERN, chịu trách nhiệm nghiên cứu mô phỏng các quá trình vật lý để chuẩn bị thí nghiệm trên hệ đo ATLAS; TS. Lê Đức Ninh, hiện làm Post-Doc tại nhóm nghiên cứu của Đức nghiên cứu tính toán phục vụ các thí nghiệm tìm Higgs tại CERN; Nguyễn Hải Dương, nguyên sinh viên khoa Lý, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, nghiên cứu sinh tại Fermi-Lab (Mỹ), hiện làm luận án tiến sĩ về chuẩn bị các thí nghiệm trên thiết bị đo CMS ở CERN, dự kiến bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2010; Nguyễn Thị Hồng Vân, nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý và điện tử Hà Nội, có cộng tác lâm thời tại CERN, nghiên cứu sinh về vật lý lý thuyết tính toán quá trình sinh hạt Higgs và các hạt siêu đối xứng trên thiết bị ATLAS.

Ảnh
Bản đồ nơi đặt LHC trên biên giới Pháp-Thụy Sĩ Ảnh: http://atlas.ch.

- Họ sẽ nghiên cứu vấn đề gì trong chương trình LHC của CERN? Các nhà khoa học Việt Nam được lợi gì từ những nghiên cứu mà mình sẽ tham gia ở đây?

- Rõ ràng, chương trình thí nghiệm trên LHC là một chương trình nghiên cứu cơ bản tiền tuyến của vật lý hiện nay. Nó vừa là vật lý hạt cơ bản, vừa là vật lý thiên văn và vũ trụ học. Chưa thể khẳng định những dự báo lý thuyết có được tìm thấy trong thí nghiệm sắp tới hay không. Nhưng dù kết quả thí nghiệm là âm tính hay dương tính cũng đều cho những thông tin vô cùng giá trị. Bởi vậy nếu các đồng nghiệp Việt nam được tham gia vào chương trình này thì đó là một vinh dự lớn.

Nó sẽ giúp thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận gần hơn với khoa học hiện đại. Việt Nam muốn trở thành một quốc gia văn minh thì không chỉ cần nền kinh tế công nghiệp phát triển, đời sống vật chất đầy đủ, mà phải có cả nền văn hoá-khoa học tiên tiến. Điều đó phải cùng lúc tiến hành xây dựng, chứ không thể chờ đợi đến ngày có đủ kinh phí và điều kiện vật chất như một số người lầm tưởng.

- Đã có những lời đồn đại về cái gọi là "ngày tận thế" do lỗ đen mini gây ra trong thí nghiệm ở LHC-CERN... và rồi người ta không thấy có gì xảy ra sau ngày 10/9, tức là ngày mà máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới đi vào hoạt động. Quần chúng không rõ thực, hư của câu chuyện này... Là một nhà vật lý chuyên nghiệp, ông có thể nói cho mọi người biết, các nhà khoa học đang làm gì bên trong LHC? 

- T.S Võ Văn Thuận: Đúng là gần đây nhiều người lo lắng về một tai hoạ khi lỗ đen sinh ra trên máy gia tốc có thể như một quái vật mini, lúc đầu nuốt vào bụng các vật chất quanh nó, rồi lớn dần lên, trở thành một lỗ đen thực thụ có thể chu du trong lòng Trái đất và cuối cùng sẽ nuốt chửng cả Trái đất cùng mọi sinh vật đang sống trên đó. Nếu điều đó xảy ra thì đúng là “ngày tận thế” sắp đến.

Tuy nhiên, chúng ta đừng lo lắng, dù chỉ một mảy may về lỗ đen mini nếu nó được sinh ra ở thí nghiệm ATLAS hoặc CMS trên hệ gia tốc LHC trong những năm tháng sắp tới. Ngược lại, chúng ta phải vui mừng đón nhận điều đó như một phát minh khoa học rất đặc biệt. Trên thực tế xác suất để sinh ra được lỗ đen mini cũng rất mong manh.

Một thực tế có thể coi là kiểm chứng thực nghiệm cho luận điểm trên, đó là sự va chạm của các tia vũ trụ năng lượng cao, thực chất cũng là các hạt proton năng lượng cao trong nhiều tỉ năm qua lên Trái đất. Năng lượng tia vũ trụ trên 1017 eV khi va đập với các hạt nhân Nitơ trong khí quyển có thể tương đương hoặc lớn hơn năng lượng va chạm trên hệ gia tốc đối chùm LHC đến hàng trăm lần.

Như vậy, trong lịch sử Trái đất đã phải có những lỗ đen mini được hình thành trong khí quyển bởi tia vũ trụ, nhưng sao Trái đất không bị nuốt chửng mà vẫn tồn tại như một môi trường lý tưởng cho sự sống đến tận hôm nay ?

Đó là bằng chứng rất vững chắc để chúng ta không phải lo sợ về một “quái vật” lỗ đen mini có thể sinh ra ở CERN và muốn nuốt chửng Trái đất.

Ảnh
Các nhà khoa học nhìn vào màn hình máy tính ở trung tâm điều khiển của CERN ở Geneva vào ngày 10/9 Ảnh: AFP.

- Như ông cho biết, nghiên cứu các hạt vi mô là một lĩnh vực tiền tuyến của vật lý học hiện đại. Đây chắc sẽ là một cơ hội lớn cho các nhà khoa học Việt Nam sát cánh cùng các đồng nghiệp nước ngoài nghiên cứu những vấn đề thời sự nhất của giới vật lý quốc tế. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy các tiến trình hợp tác này?

- T.S Võ Văn Thuận: Theo tôi, để nghiên cứu những lĩnh vực khoa học cơ bản tốn kém và phức tạp như vật lý hạt cơ bản, vật lý thiên văn-tia vũ trụ... thì không chỉ Việt Nam, mà các nước công nghiệp đã phát triển cũng phải hợp tác tạo thành những tập thể khoa học quốc tế, trong đó sẽ có các cá nhân hoặc nhóm các nhà vật lý của từng viện-trường của các quốc gia khác nhau tham gia.

Thiết bị lớn (như máy gia tốc và các hệ đo) sẽ là tài nguyên chung do tất cả các nước thành viên cùng góp công và đóng kinh phí để xây dựng và vận hành khai thác. Cơ chế này đang được vận hành ở các dự án thiết bị ở CERN (hay như ở dự án Pierre Auger về tia vũ trụ mà nhóm chúng tôi ở Hà nội đang tham gia). Như vậy, nhóm Việt Nam nếu hình thành sau này để tham gia thí nghiệm trên hệ gia tốc LHC sẽ vừa phải nghiên cứu và đào tạo trong nước, khai thác tối đa các số liệu và thông tin của CERN cung cấp qua mạng GRID, đồng thời phải có kinh phí để thỉnh thoảng cử người đi CERN trực tiếp tham gia vận hành, nghiên cứu cùng các đồng nghiệp quốc tế.

Hiện nay chưa có nhóm nào ở Việt Nam có đầy đủ điều kiện để hoạt động như vậy với CERN. Hy vọng các nhóm ở Viện Vật lý & Điện tử và ở Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội hay nhóm tại TP. HCM trong tương lai sẽ từng bước đạt được năng lực cần thiết.

Trong trường hợp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có một lượng kinh phí để đóng niên liễm cho các thí nghiệm và giúp cho các nhóm này hàng năm có thể cử vài người đi làm việc vài tháng tại CERN. Số kinh phí hàng năm phải đạt cỡ 2-4 tỉ đồng cho mỗi nhóm. Một nửa trong số tiền đó để làm kinh phí duy trì nghiên cứu cho cả nhóm và một nửa để đóng góp cho dự án thí nghiệm quốc tế như là nghĩa vụ bình đẳng. Có như vậy thì mới xứng với tầm cỡ những nghiên cứu khoa học lớn tiền tuyến. 

- Xin cám ơn ông!

(theo VietNamNet)




Bình luận

  • TTCN (0)