Chiến thắng của ông Obama cũng là chiến thắng của mạng xã hội - Ảnh minh họa: i.cdn.turner.com

Mùa bầu cử tổng thống Mỹ 2008 là một chiến thắng của cử tri, đồng thời cũng là chíến thắng của các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube hay Flicker.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay đã ghi dấu ấn trong lịch sử là kỳ bầu cử đầu tiên sử dụng mạng xã hội một cách sâu rộng nhất. Người sử dụng web đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong mùa bầu cử này.

Mùa bầu cử trước, năm 2004, nhiều mạng xã hội còn chưa ra mắt. Youtube ra đời năm 2005, những site microblogging như Twitter còn chưa mạnh mẽ... Cho đến khi chiến dịch tranh cử tổng thổng Mỹ năm 2008 bắt đầu.

Dân chủ trên web

Việc tham gia của mạng xã hội vào quá trình bầu cử được thể hiện ở nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau. Không như bất kỳ cuộc bầu cử nào trước đây, các cử tri được trang bị rất nhiều công cụ: blog, mạng xã hội, các site chia sẻ hình ảnh, các site chia sẻ video trực tuyến... để quảng bá cho toàn bộ thế giới những suy nghĩ của họ về các ứng viên và những kinh nghiệm của họ trong quá trình bầu cử.

Sự đóng góp nhiệt thành của cử tri đã mang đến một tiến trình dân chủ trên web, thể hiện rõ rệt trong ngày 4-11. Nghệ thuật bầu cử truyền thống chỉ dựa vào những hành động mang tính cá nhân, ít có tác động qua lại hoặc nếu có chỉ ở mức thấp. Ngược lại trong ngày bầu cử này, các cử tri háo hức chia sẻ thông tin cho nhau thông qua Internet.

Đó có thể là một mẩu quảng cáo thể hiện sự ủng hộ cho một ứng viên. Một số cử tri tìm cơ hội tạo ảnh hưởng của riêng mình. Máy chụp ảnh từ điện thoại di động và các thiết bị khác được sử dụng rộng rãi, nhiều cử tri ghi hình, quay phim... tiến trình bầu cử, sau đó đưa lên mạng chia sẻ với mọi người thông qua các site Flicks của Yahoo hay Youtube của Google -cả hai công ty này đều có những trang đặc biệt về bầu cử.

Bầu chọn bằng Facebook

Rất nhiều người trẻ và người nhập cư ghi lại hình ảnh nóng lòng chờ ngày được đi bầu lần bầu cử đầu tiên của mình. Trong một video đã đưa lên mạng Youtube trong site “Video Your Vote”, một cử tri ở Virginia Beach tuyên bố: “Tôi đã bỏ phiếu tại địa điểm này 17 năm rồi và không thể đợi thêm một phút nào nữa. Rất nhiều người đang ở đây và nóng lòng đợi đến giờ bỏ phiếu”.

Trong Facebook, trang cá nhân của người dùng có đặt một góc nội dung nhằm thông báo ứng viên mà họ chọn cho bạn bè biết. Một số người dùng Facebook còn sử dụng hình ảnh ảo của Obama hay McCain để thể hiện sự ủng hộ cho ứng viên trong những bài viết trên trang web riêng.

Nhắc nhở bằng Twitter (Twitter Reminders)

Người dùng Twitter thì sử dụng dịch vụ microblogging thông báo rằng họ đã bỏ phiếu đồng thời mô tả quang cảnh nơi bầu cử. Dịch vụ này hoạt động rất sôi nổi trong ngày bầu cử, tại các trang dành riêng cho lĩnh vực chính trị, có gần 3 triệu người sử dụng để gởi các thông điệp liên quan đến bầu cử.

“Có phải Obama lo lắng về bang Virginia? Tôi nhận hai thông điệp cách đây mười phút thúc giục tôi bỏ phiếu. Giờ thì sẵn sàng rồi” - một người dùng Twitter, Rober Bluey, đã viết vậy từ bang Virginia. Cả ngày 4-11, anh gởi các thông điệp này cho những ai đã đăng ký nhận bằng điện thoại.

Nhiếu người cũng sử dụng các thông điệp để gây ảnh hưởng lên người thân và bạn bè. Ví dụ một thông điệp ghi: “Những người yêu nước có thể thay đổi mọi thứ, mọi người hãy bầu cho Barack Obama!”.

Mạng xã hội cũng giúp các cử tri dễ dàng bày tỏ sự thất vọng về các mặt của tiến trình bầu cử. Trong các site như Election Protection, các cử tri đã gọi điện thoại và gửi email tổng hợp một số vấn đề nghiêm trọng mà họ thấy: trục trặc máy móc ở Florida, thiếu thùng phiếu ở Virginia, các thùng bỏ phiếu trước đến chậm tại Georgia…

Như vậy các công cụ mạng xã hội trực tuyến đã tạo nên những ảnh hưởng không hề nhỏ đến tiến trình bầu cử. Nó tạo ra một cuộc bầu cử sôi nổi, suôn sẻ hơn, đồng thời kết quả bầu cử cũng được quyết định một phần bởi những cử tri sử dụng các mạng này.

Các cuộc thăm dò cho thấy sức mạnh trực tuyến của Đảng Dân chủ hơn hẳn Đảng Cộng hòa. Một báo cáo của Forrester từ tháng 12 năm vừa rồi cho thấy Đảng Dân chủ hoạt động trực tuyến nhiều hơn 10% so với trung bình người trưởng thành Mỹ.

Ảnh hưởng của các mạng xã hội tới bầu cử trong tương lai chưa thể dự báo trước, nhưng có thể kết luận mùa bầu cử này cũng là một chiến thắng cho các mạng xã hội!

Thống kê ưu thế của Obama so với McCain trên mạng xã hội:

Blog: Gần 500 triệu bài viết blog liên quan đến Obama cho đến khi diễn ra cuộc đối thoại giữa hai ứng viên cuối tháng 8, trong khi chỉ có 150 triệu bài viết liên quan đến McCain.

Twitter và MySpace: Trong mạng xã hội MySpace, Obama cũng dẫn đầu với 844.927 người ủng hộ so với 219.404 của McCain. Trong hai ngày 3 và 4-11, Obama cũng "kiếm" thêm được 10.000 người ủng hộ mới, trong khi McCain chỉ được 964.

Trong Twitter, Obama được tổng cộng 118.107 người ủng hộ, McCain: 4.942 người.

(Theo Tuổi trẻ/BussinessWeek, ReadWriteWeb)



Bình luận

  • TTCN (0)