Các doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ 3G phải có phương án kinh doanh và quyết định mức đầu tư của mình sao cho có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi ích cho xã hội.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với giới báo chí ngày 11/11 trước hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc triển khai mạng 3G tại Việt Nam.
Thưa Thứ trưởng, việc đầu tư công nghệ 3G tốn cả tỷ USD trong khi hiện tại nền kinh tế đang khó khăn. Vậy chúng ta có nên triển khai công nghệ 3G vào thời điểm này?
Công nghệ 3G ở băng tần 1900 - 2200 đã được triển khai trên thế giới từ cuối năm 1999, đầu năm 2000. Hiện đã có hàng trăm nhà khai thác và rất nhiều triệu người dân trên thế giới đã sử dụng công nghệ và dịch vụ này. Đến nay, nhiều nước tiên tiến đã bắt đầu chuyển sang nghiên cứu và đưa vào sử dụng công nghệ 4G.
Vào thời điểm cách đây 8 năm thì các thiết bị công nghệ vẫn còn tương đối đắt, nhưng đến nay, giá thành của các thiết bị đã hạ rất nhiều, và gần như ngang bằng với các thiết bị của mạng 2G. Trong khi đó, những lợi ích, tiên tiến của công nghệ 3G mang lại là rất lớn.
Thông tin thêm
Đầu tháng 11, Bộ TT-TT đã phát hành hồ sơ mời thi tuyển cấp phép 3G cho 7 doanh nghiệp.
Đây là các doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất thế hệ thứ hai (2G) bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tổng Cty Viễn thông Quân đội (Viettel); Cty Thông tin di động (VMS); Cty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT); Cty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (HaNoi Telecom); Cty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom); Cty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile).
Đợt thi tuyển nhằm lựa chọn ra 4 doanh nghiệp (hoặc Liên danh giữa các doanh nghiệp) trong số 7 doanh nghiệp thi tuyển để Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép và cấp tần số nhằm triển khai dịch vụ 3G tại Việt Nam.
Về chuyện mức đầu tư lớn cho mạng 3G, thì đây là tổng vốn đầu tư trong thời gian 15 năm và hoàn toàn là bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Các DN muốn cung cấp dịch vụ phải có phương án kinh doanh và quyết định mức đầu tư của mình sao cho có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi ích cho xã hội .
Bộ TT-TT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ về băng tần, tài nguyên.... và giám sát các DN thực hiện nghiêm túc cam kết của mình, đảm bảo thị trường minh bạch.
Vừa qua Bô TT-TT đã phát hồ sơ thi tuyển cho 7 doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có 4/7 doanh nghiệp này được cấp giấy phép, Thứ trưởng có thể giải thích về điều này?
Đây là vấn đề liên quan đến tài nguyên tần số. Một băng tần 1900 - 2200 MHz có 60 megaherz chỉ cấp đủ cho 4 DN. Chia đều cho 4 thì với độ rộng băng tần 15 megaherz là đủ. Nếu chia nhỏ hơn hay lớn hơn đều không hiệu quả và không phù hợp với thực tế thị trường Việt Nam. Phần lớn các nước trên thế giới cung phân chia băng tần này thành 4.
Thưa Thứ trưởng, cấp tuyển 3G cho 4 mạng, việc quy hoạch viễn thông di động chung cũng chỉ cấp cho 4 nhà cung cấp. Vậy các DN khác có nhu cầu phát triển thì không còn cơ hội?
3G có 6 tiêu chuẩn công nghệ khác nhau, và lần này thi là chuẩn WCDMA, với băng tần từ 1900 - 2200 MHz. Việc thi tuyển lần này ở một băng tần, với một tiêu chuẩn cụ thể.
Trong tương lai, các DN có thể phát triển mạng 3G ở các băng tần khác. Cơ hội để phát triển băng tần còn nhiều, không phải chỉ 4 DN, mà các DN khác cũng còn cơ hội để phát triển ở băng tần khác, với các tiêu chuẩn công nghệ khác trong tương lai.
Trước khi quyết định phát hồ sơ thi tuyển 3G, Bộ TT-TT có điều tra khảo sát về nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G ở Việt Nam?Tác động của 3G đối với sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số ở Việt Nam?
Trước hết chúng ta phải phải thừa nhận là sự phát triển nào cũng có hai mặt. Chẳng hạn internet băng rộng lợi ích cho xã hội và người tiêu dùng nhưng hạn chế là vẫn tồn tại những nội dung xấu. Dịch vụ quan trọng nhất của 3G là internet di động cũng tương tự như vậy, có mặt tốt và xấu.
Nhưng không phải vì cái xấu mà chúng ta không phát triển nó. Chúng tôi đã có điều tra về nhu cầu phát triển mạng 3G ở Việt Nam, nguyện vọng chung của doanh nghiệp; có điều tra trong nước và tham vấn các chuyên gia quốc tế. Đây chính là thời điểm thích hợp để phát triển 3G
Về sự phát triển hữu cơ giữa cơ sở hạ tầng 3G và công nghiệp nội dung số, trong hồ sơ thi tuyển, Bộ TT-TT cũng yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ phải trình bày phương án phát triển nội dung số. Đồng thời, khi các DN xây dựng, cam kết các kế hoạch phát triển dịch vụ 3G của mình, thì các DN cũng phải đặt cọc để đảm bảo thực hiện đúng những cam kết đó. Nếu thực hiện sai cam kết, các DN sẽ bị phạt tiền và thu hồi giấy phép.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
(Theo Dân trí)
Bình luận