Báo giới đặt câu hỏi cho Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng về chủ đề mạng di động 3G và giá cước điện thoại nội hạt, nội tỉnh. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Vấn đề triển khai công nghệ di động 3G tại Việt Nam đã chiếm phần lớn các câu hỏi của báo giới và độc giả trong cuộc trả lời trực tuyến sáng 11/11/2008 của Thứ trưởng thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng. Những câu hỏi về nhiều khía cạnh của nội dung này đều đã được Thứ trưởng Thắng trả lời trực tiếp và cụ thể.

Lợi ích của công nghệ 3G mang lại là rất lớn

Mở đầu cuộc họp báo, phóng viên báo Lao động đã nêu câu hỏi về việc "liệu đã nên triển khai 3G hay chưa khi công nghệ này tiêu tốn hàng tỷ USD trong thời điểm kinh tế đất nước đang khó khăn?". Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết: "Công nghệ 3G ở băng tần 1900 - 2200 đã được triển khai trên thế giới từ cuối năm 99, đầu năm 2000. Hiện đã có hàng trăm nhà khai thác và rất nhiều triệu người dân trên thế giới đã sử dụng công nghệ và dịch vụ này. Đến nay, nhiều nước tiên tiến đã bắt đầu chuyển sang nghiên cứu và đưa vào sử dụng công nghệ 4G.

Vào thời điểm cách đây 8 năm,các thiết bị công nghệ vẫn còn tương đối đắt, nhưng đến nay, giá thành của các thiết bị đã hạ rất nhiều, và gần như ngang bằng với các thiết bị của mạng 2G. Trong khi đó, những lợi ích, tiên tiến của công nghệ 3G mang lại là rất lớn, đặc biệt là các lợi ích về khai thác nội dung số trên nền tảng băng thông rộng di động.

Về chuyện mức đầu tư lớn hàng tỷ USD cho mạng 3G, thì đây là tổng vốn đầu tư trong thời gian 15 năm và hoàn toàn là bài toán kinh doanh của các DN. Các DN muốn cung cấp dịch vụ phải có phương án kinh doanh và quyết định mức đầu tư của mình sao cho có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi ích cho xã hội . Bộ TT-TT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ về băng tần, tài nguyên... và giám sát các DN thực hiện nghiêm túc cam kết của mình, đảm bảo thị trường minh bạch.

Phải có phương án phát triển nội dung số khi triển khai 3G

Ảnh
Buổi trả lời trực tuyến sáng 11/11/2008 của Thứ trưởng thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Về câu hỏi "Tại sao lại cấp phép cho 4 DN cung cấp 3G? và Tác động của 3G đối với sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số VN? "Thứ trưởng Thắng cho rằng đây là vấn đề liên quan đến tài nguyên tần số. Một băng tần 1900 - 2200 MHz có độ rộng 60 megaherz chỉ cấp đủ cho 4 DN. Chia đều cho 4 thì với độ rộng băng tần 15 megaherz là đủ. Nếu chia nhỏ hơn hay lớn hơn đều không hiệu quả và không phù hợp với thực tế thị trường Việt Nam. Phần lớn các nước trên thế giới cũng phân chia dải băng tần này thành 4 phần.

Thứ trưởng Thắng cho biết thêm: "Về sự phát triển hữu cơ giữa cơ sở hạ tầng 3G và công nghiệp nội dung số, trong hồ sơ thi tuyển, Bộ TT-TT cũng yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ phải trình bày phương án phát triển nội dung số. Đồng thời, khi các DN xây dựng, cam kết các kế hoạch phát triển dịch vụ 3G của mình, thì các DN cũng phải đặt cọc để đảm bảo thực hiện đúng những cam kết đó. Nếu thực hiện sai cam kết, các DN sẽ bị phạt tiền và thu hồi giấy phép".

Còn nhiều cơ hội phát triển 3G khác

Trả lời câu hỏi về việc "trong khi giấy phép 3G chỉ cấp cho 4 nhà cung cấp,  nếu các DN khác có nhu cầu phát triển nữa thì phải sáp nhập hay mở rộng thêm? và hiện nay, 7 DN di động ở VN liệu có là quá nhiều?",  ông Lê Nam Thắng cho biết:

"Công nghệ 3G có 6 tiêu chuẩn công nghệ khác nhau, và lần thi tuyển này là theo chuẩn WCDMA, với băng tần từ 1900 - 2200 MHz. Việc thi tuyển lần này ở một băng tần, với một tiêu chuẩn cụ thể. Trong tương lai, các DN có thể phát triển mạng 3G ở các băng tần khác.

Cơ hội để phát triển băng tần còn nhiều, không phải chỉ 4 DN, mà các DN khác cũng còn cơ hội để phát triển ở băng tần khác, với các tiêu chuẩn công nghệ khác trong tương lai."

Về câu hỏi "Tiêu chuẩn nào quan trọng nhất trong thi tuyển 3G? và Đối với các DN liên danh đứng chung một giấy phép 3G, nếu có vấn đề xảy ra, thì hình thức xử phạt sẽ như thế nào?"Thứ trưởng Lê Nam Thắng trả lời:

"Vòng sơ tuyển bao gồm 11 chỉ tiêu tối thiểu. Vòng xét tuyển gồm 5 chỉ tiêu, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng về vùng phủ sóng rộng, thời gian triển khai nhanh; tiền đặt cọc; doanh nghiệp có cam kết sử dụng chung trong hạ tầng hiện có 2G.

Bộ sẽ yêu cầu các DN cam kết trong trường hợp trúng tuyển giấy phép 3G. Nếu các DN trúng tuyển rồi mà khi cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng các tiêu chí sẽ phải nộp phạt từ tiền đặt cọc, theo các quy định ghi rõ trong hồ sơ. Mức phạt cao nhất sẽ là toàn bộ tiền đặt cọc (5% tổng số vốn đầu tư trong giai đoạn 3 năm đầu) và thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ.

Đối với các doanh nghiệp liên danh - mức phạt như một đơn vị, chung như các hồ sơ khác. Các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau về mức nộp phạt theo quyền và nghĩa vụ mỗi bên trong hợp đồng liên danh.

Nếu các hồ sơ liên danh đủ tiêu chuẩn thì Bộ TT-TT luôn khuyến khích các DN cung cấp dịch vụ 3G. Ngoài ra, các DN không phải chỉ có thể cung cấp 3G ở băng tần này, mà họ còn có thể phát triển 3G ở các băng tần khác. Liên minh viễn thông thế giới cũng đang tiếp tục tìm kiếm các băng tần mới hiện đại hơn.

Theo VietnamNet



Bình luận

  • TTCN (0)