Thứ trưởng Lê Nam Thắng: "Đúng là hiện nay, việc xây dựng các trạm BTS của các DN viễn thông đang gây nhiều bức xúc cho xã hội". Ảnh: LAD.

Có đến 3,4 tháp anten dựng lên tại cùng 1 địa điểm, các trạm BTS cứ nối nhau san sát trên đầu nhà dân, mạng ngoại vi (mạng cáp treo) thì lơ lửng, lộn xộn... là thực trạng của hạ tầng mạng viễn thông hiện nay ở các khu đô thị lớn. Trả lời những bức xúc này của người dân tại cuộc trực tuyến ngày 11/11/2008, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng thừa nhận: "Đúng là hiện nay, việc xây dựng các trạm BTS của các DN viễn thông đang gây nhiều bức xúc cho xã hội về gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn vốn đầu tư".

Các DN có thể dùng chung trạm BTS?

Hiện tại với 7 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động và đi theo là 7 hệ thống hạ tầng mạng lưới, trong đó bức xúc là tình trạng các trạm phát sóng BTS, cột tháp anten, đường cáp truyền dẫn... không được quy hoạch cẩn thận, lộn xộn chồng chéo gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí đầu tư và đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Một số ý kiến cho rằng, hệ thống trạm BTS của cả 7 nhà cung cấp đặt nhan nhản khắp nơi trong thành phố, cùng một tọa độ đặt nhiều trạm BTS của nhiều nhà cung cấp. Giải pháp nhìn thấy trước mắt được đưa ra là, liệu các nhà cung cấp có thể dùng chung một phần nào hạ tầng, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và "làm đẹp" bản đồ quy hoạch hạ tầng được không?

Giải đáp thắc mắc này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, theo quy định thì Nhà nước khuyến khích các DN sử dụng chung dựa trên nguyên tắc tự thoả thuận theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc bắt buộc sử dụng chung chỉ xảy ra đối với các cơ sở hạ tầng thiết yếu hoặc trong một số trường hợp khẩn cấp. Việc sử dụng chung chỉ bắt buộc quy định đối với một số trường hợp riêng, ví dụ: trong cấp phép 3G sắp tới, một tiêu chí bắt buộc là khả năng tận dụng hạ tầng đã có của các DN, trong đó có hệ thống trạm BTS.

Ông Thắng cho rằng, đối với việc sử dụng chung BTS, để các DN xây dựng sau có thể cùng sử dụng chung phần trụ đã xây dựng trước phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trước hết là khả năng tương thích về kỹ thuật, chẳng hạn trụ xây dựng trước có còn đủ không gian, đủ vững chãi để lắp đặt thêm thiết bị của DN khác hay không?

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết, Bộ TT-TT hiện cũng đang nghiên cứu và sẽ sớm ban hành quy định chi tiết về sử dụng chung cơ sở hạ tầng, nhằm mục tiêu tăng cường hơn nữa việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các DN. 

Ảnh
Trạm BTS tại Khu đô thị Định Công.

"BTS không gây hại nhưng phải đúng tiêu chuẩn"

Tác hại của sóng điện từ tại các trạm thu phát sóng BTS đã được dư luận "làm nóng" từ khá lâu. Các văn bản trả lời chính thức từ Cục Tần số (Bộ TT-TT) và Bộ Khoa học công nghệ dựa trên căn cứ là nghiên cứu của các tổ chức chuyên ngành thế giới như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban Quốc tế về phòng chống Bức xạ phi ion hóa (ICNIRP), Liên minh viễn thông Quốc tế (ITU), đều có chung kết luận: "Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy, tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người".

Tuy nhiên, đó chỉ là khẳng định đối với các hệ thống trạm BTS vận hành đúng tiêu chuẩn. Đó là tiêu chuẩn về thiết bị, tiêu chuẩn về cách lắp đặt trong đó quan trọng nhất là độ cao của cột đặt BTS so với mặt đất và nơi sinh sống thường xuyên của người dân. Và việc liệu các DN lắp đặt và vận hành các trạm BTS này có đúng tiêu chuẩn không mới là chuyện quan trọng!

Những tiêu chuẩn này đã được các cơ quan quản lý VN quy định trong các văn bản: Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-2005 “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio - Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong giải tần 3 kHz đến 300 GHz” của Bộ Khoa học công nghệ; Quyết định số 19/2006/QDD-BBCVT ngày 15/6/2006 quy định bắt buộc áp dụng TCVN 3718-1:2005 đối với trạm thu phát thông tin di động của Bộ TT-TT.

Bộ TT-TT cho rằng, nhằm bảo vệ người dân sống quanh trạm thu phát vô tuyến tốt hơn, Bộ này đã yêu cầu các DN cung cấp di động cần phải thực hiện định kỳ việc kiểm định công trình viễn thông, theo các Quyết định 31/2006/QĐ-BBCVT và 26/2008/QĐ-BTTTT.

Đã kiểm nghiệm được 6.000 trạm BTS

Từ ngày 01/01/2007 các trạm phát sóng điện thoại di động BTS chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi đo kiểm và được các Tổ chức kiểm định thuộc Bộ TT-TT cấp giấy chứng nhận kiểm định đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn chống sét, tiếp đất, an toàn phơi nhiễm trường điện từ.

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, hiện đã có hơn 6.000 trạm phát sóng BTS được cấp giấy chứng nhận kiểm định. Các DN di động hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện đo kiểm đối với toàn bộ các trạm phát sóng BTS, bao gồm cả trạm lắp đặt trước và sau ngày 01/01/2007. Việc kiểm định sẽ diễn ra định kỳ 3 năm/1 lần. Đối với các trạm phát sóng BTS chưa phù hợp tiêu chuẩn, các DN phải khắc phục và chỉ được phát sóng sau khi đo kiểm lại và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định.

Cung cấp 3G có làm rối thêm hạ tầng?

Trước lo ngại rằng, dịch vụ 3G đi vào triển khai tại Việt Nam sẽ làm tăng thêm sự rối rắm trong hạ tầng viễn thông, trạm phát sóng...bên cạnh hạ tầng vốn đã lộn xộn của 7 nhà cung cấp di động hiện tại, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, các nhà cung cấp 3G sẽ phải tận dụng hạ tầng mạng và các trạm, cột sẵn có của mình (4 nhà cung cấp 3G mới đều là những nhà cung cấp 2G hiện tại). Và tiêu chí này đã trở thành điểm chấm quan trọng trong cuộc thi tuyển 3G.

Về độ an toàn của các trạm phát sóng 3G trong tương lai, Bộ TT-TT cũng khẳng định sẽ được vận hành tuyệt đối an toàn, theo quy định tại quyết định 26/2008/QĐ-BTTTT. 

Luật Viễn thông - giải pháp phát triển bền vững

Thứ trưởng Lê Nam Thắng thừa nhận, bên cạnh những mặt tích cực của việc phát triển viễn thông nói chung và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông nói riêng thì việc phát triển hạ tầng viễn thông nhất là phát triển bền vững hạ tầng viễn thông đã bộc lộ những bất cập cần được khắc phục, điều chỉnh và có biện pháp quản lý kịp thời như vấn đề quy hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông, công trình viễn thông; vấn đề sử dụng chung công trình viễn thông...

Dự thảo Luật Viễn thông đang được Bộ TT-TT và các bộ liên quan phối hợp xây dựng, được hy vọng là sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý về viễn thông, giải quyết các vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước về viễn thông. Một nội dung quan trọng của dự thảo Luật Viễn thông là vấn đề quy hoạch hạ tầng mạng viễn thông trong quy hoạch tổng thể của các công trình xây dựng, các khu đô thị, khu dân cư, khu kinh tế.

Được biết, theo quy hoạch, thiết kế xây dựng các các công trình xây dựng, các khu đô thị, khu dân cư, khu kinh tế phải có phần quy hoạch viễn thông nói chung và hạ tầng viễn thông nói riêng, với một số yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị như: ngầm hóa hạ tầng viễn thông (hệ thống cáp), xây dựng quy trình cấp phép các tuyến cáp treo, đồng bộ hóa với các hệ thống cáp điện lực, truyền hình và hạ tầng ngầm của đô thị....

Theo VietnamNet



Bình luận

  • TTCN (0)