TS. Trần Quang Hùng: "Các doanh nghiệp thuộc HHDNĐTVN còn đang lo đầu ra của sản phẩm sẽ khó khăn nếu như chúng ta không làm chủ được thị trường bán lẻ nội địa."

TS. Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, (HHDNĐTVN) khẳng định, các DN Điện tử VN phải hết sức nỗ lực, coi khách hàng là thượng đế, nếu không muốn bị thua ngay trên chính “sân nhà”.

- Đã có nhiều người nói đến chính sách đặc thù để phát triển thương hiệu Việt Nam, nhưng các chính sách này chưa phát huy hiệu quả, thưa ông?

- Chúng ta đã làm được vài thương hiệu, như máy tính của CMS, dàn karaoke của Tiến Đạt, sản phẩm điện tử của VTB,… Muốn có thương hiệu chúng ta phải tự nghiên cứu thiết kế ra sản phẩm của mình. Vấn đề không chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn là dịch vụ sau bán hàng, phải thực sự coi khách hàng là thượng đế.

Điện tử là ngành đặc thù nên phải được cấp những chính sách đặc thù. Ví dụ phải có cơ chế để giải quyết tức thời các vướng mắc từ thủ tục Hải quan. Nếu hàng điện tử chỉ cần chậm thông quan 10 – 15 ngày là chúng ta sẽ thua đối thủ.

Các doanh nghiệp thuộc HHDNĐTVN còn đang lo đầu ra của sản phẩm sẽ khó khăn nếu như chúng ta không làm chủ được thị trường bán lẻ nội địa.

Bắt đầu từ thời điểm 1/1/2009, các doanh nghiệp bán lẻ của nước ngoài có cơ hội để thâm nhập thị trường nội địa. Không những thế, từ 1/1/2010, thị trường phân phối hàng hóa sẽ công bằng đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây thực sự là mối lo cho cả các doanh nghiệp sản xuất. Bởi nếu doanh nghiệp phân phối của Việt Nam thua thì doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cũng có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Đã tới lúc chúng ta phải tìm ra được những sản phẩm thế mạnh của mình. Nếu chỉ nhập khẩu linh kiện rồi lắp ráp thì chúng ta sẽ thua cuộc trên chính “sân nhà” chứ chưa nói tới việc xuất khẩu. 

- Nhiều người đánh giá cao mô hình của Singapore, đi từ lắp ráp đi lên công nghiệp phụ trợ. Chúng ta có nên đi theo hướng đó không, thưa ông?

- Chúng ta không thể theo Singapore được vì Singapore là nước nhỏ, cơ sở hạ tầng rất phát triển. Thứ hai là con người Singapore được đào tạo tốt.

Mô hình Việt Nam có thể theo được là của Thái Lan. Tất nhiên, Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều mới theo được. Đối với ngành điện tử, Thái Lan có 1800 nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ, con số này ở Việt Nam chỉ có 60.

Ảnh
VN mới chỉ có khoảng 60 DN tham gia thị trường công nghiệp phụ trợ. Ảnh: A.L.
- Theo ông, Nhà nước nên hỗ trợ các DN điện tử như thế nào trong thời điểm này?

- Không thể có hỗ trợ nào được, vì sân chơi WTO là sân chơi công bằng.

Bây giờ doanh nghiệp không thể chờ đợi vào “trợ cấp đỏ” của Chính phủ nữa. Thực tế, 6 loại trợ cấp kiểu này đã bãi bỏ khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhà nước không thể trợ cấp bằng cơ chế chính sách nữa. Cách trợ cấp tốt nhất của Nhà nước hiện nay là đầu tư để nghiên cứu các sản phẩm mới.

Doanh thu xuất khẩu đồ điện tử của Việt Nam được tính là 2,2 tỷ USD/năm 2007 và khoảng 2,5 tỷ USD năm 2008 nhưng thực chất. Thực tế, trong số này thì có đến 95% - 98% là của các doanh nghiệp FDI.

Nhà nước đầu tư vào các chương trình nghiên cứu và có cơ chế để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Các doanh nghiệp lấy kết quả đó để phát triển sản phẩm mới. Singpore, Đài Loan đã rất thành công với cách làm này.

Sau khi VN gia nhập WTO, vốn đầu tư nước ngoài vào ngành Công nghiệp điện tử tăng lên rất nhanh và đã thu hút được những dự án lớn đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các nước trong khu vực đến VN.

(Theo VTC)



Bình luận

  • TTCN (0)