“Game thủ” hào hứng với trò chơi vận động tại lớp “cai nghiện game online và sử dụng Internet có ích” - Ảnh: Kim Anh.

Dù chưa có con số thống kê chính thức nào về những người nghiện game, nhưng game online đang là bi kịch của không ít gia đình, thuyết phục đã khó mà tìm cách cai cũng không dễ...

Hơn 1.000 cuộc điện thoại, gần 150 phụ huynh tìm đến lớp “cai nghiện game và sử dụng Internet có ích” của Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu niên miền Nam (thuộc Trung ương đoàn) hầu hết đều cho biết gia đình gặp khó khi thuyết phục con em đi cai nghiện game.

Thuyết phục cai nghiện: không dễ!

Những nội dung của lớp học:

  • Xây dựng hình ảnh bản thân, xác định giá trị thật của bản thân
  • Từ chối những cám dỗ
  • Sinh hoạt tập thể và làm việc nhóm với các trò chơi vận động
  • Định hướng cho các em giảm bớt các yếu tố cuộc sống ảo như nói dối, thoát ly hành động kỳ quặc
  • Tham gia công tác xã hội.

Chị Q., một bác sĩ ở quận Tân Bình, rất đau khổ vì B., con trai chị, đang học lớp 7, vốn hiền lành nhưng sau khi nghiện game B. dám kề dao vào cổ mẹ khi mẹ không cho tiền đi chơi game. Thậm chí một lần đang trên đường đi học về, B. đã nhảy xuống xe la toáng rằng mẹ độc ác, bỏ đói và đối xử thậm tệ với con...

Những lần được mẹ thuyết phục đến lớp cai game, B. không những không nghe mà còn xúc phạm mẹ rất nặng lời. Khi nghe mẹ “dỗ ngon dỗ ngọt” rằng học lớp đó sẽ chơi game hay hơn, B. mỉa mai: “Con dư sức chơi rồi, chỉ thiếu tiền thôi. Cứ cho nhiều tiền là chơi giỏi...”. Hay như con chị K., một giáo viên ngoại ngữ, cậu bé nói với mẹ: “Con ước gì mẹ bị liệt để khỏi bám theo con nữa...” khi chị theo con để hạn chế chơi game.

Theo số liệu của Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu niên miền Nam, nước ta hiện có khoảng 53% trong số 20,2 triệu người sử dụng Internet để tán gẫu và chơi game. Thống kê của Dịch vụ Thông tin & tư vấn trực tuyến (O.I.C) của Công ty VinaGame cho thấy có khoảng 4 triệu người chơi game online thường xuyên. Tuy nhiên, trong số hơn 1.000 trường hợp đến tìm hiểu lớp cai nghiện game chỉ có 20 “game thủ” đăng ký cai, một tỉ lệ rất nhỏ so với số người xin tư vấn, đặc biệt là so với số người sử dụng để tán gẫu và chơi game.

Trong số 20 học viên đã đăng ký, chỉ có hai học viên tự nguyện. Đặc biệt có bốn trường hợp ở các tỉnh xin ở hẳn trung tâm hai tháng để xa rời môi trường “gây nghiện”. “Những trường hợp gọi về trung tâm đều rất “hoàn cảnh”, em thì bị cha mẹ bỏ rơi, em thì cha mẹ ly dị hoặc cha mẹ đi làm suốt chỉ biết cho con tiền tiêu xài... Khi phát hiện thì con đã nghiện nặng. Rất nhiều phụ huynh phải nhờ ban tổ chức đến tận nhà để tư vấn...” - chị Trần Thị Kim Liên, phó giám đốc thường trực Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu niên miền Nam, cho biết.

Đã thấy “yêu mẹ nhiều hơn”

Ảnh
“Game thủ” và điều phối viên hào hứng với quyết tâm đá bóng thật hay trước trận bóng đá - Ảnh: Kim Anh.

Tác hại của game online ngày càng rõ ràng  và những vụ án hình sự do game online gần đây ngày một nghiêm trọng, nhưng hình như cư dân của thế giới game online có vẻ xem đó như là “chuyện của ai”. Việc cai nghiện game đã trở nên cấp bách và cần thiết, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay cai game dường như vẫn là “điệp vụ bất khả thi”.

Ngày 23/11/2007, VinaGame thành lập O.I.C với mục đích hướng người sử dụng dịch vụ trực tuyến sử dụng hợp lý, hạn chế và điều chỉnh những bất ổn tâm lý phát sinh từ các trò giải trí trực tuyến... “Tuy nhiên, sau mười tháng thăm dò nhu cầu khách hàng, O.I.C nhận thấy phần lớn khách hàng đều ngại gặp gỡ trực tiếp với tư vấn viên qua điện thoại lẫn qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp nên O.I.C tạm ngưng hoạt động, chờ chuyển sang tư vấn trực tuyến” - bà Nguyễn Trọng Nhất Hà, phụ trách O.I.C, cho biết.

Tìm hiểu thêm chúng tôi biết O.I.C chỉ hoạt động rầm rộ được vài tháng, sau đó gần như chỉ hoạt động cầm cự với một vài nhân viên. Và khi cảm thấy khách hàng ngại gặp gỡ thì đến nay O.I.C vẫn loay hoay “chờ chuyển giao hình thức hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến” nhưng khi nào chuyển giao cũng... chưa biết. Hiện nay, khi đến O.I.C nhờ hỗ trợ thì khách hàng chỉ có thể ghi lại yêu cầu của mình và... chờ.

Tối 29/11 vừa qua, lớp “cai nghiện game online và sử dụng Internet có ích”, lớp cai nghiện game đầu tiên, chính thức khai giảng với 20 học viên. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở tuần đầu tiên học viên nhanh chóng làm quen với môi trường tập thể. Tối đầu tiên, sau khi nghe những câu chuyện xúc động về hình ảnh gia đình, nhiều “game thủ” đã bật khóc và viết những dòng tâm sự gửi vào ngôi nhà cảm xúc. Bạn Đ.K. bộc bạch: “Những câu chuyện do cô Giồng kể đã làm em xúc động về tình yêu của mẹ dành cho mình. Em càng thấy yêu mẹ nhiều hơn, muốn ôm mẹ thật chặt bởi những điều mẹ đã làm cho mình”.

Một “game thủ” khác thì viết vỏn vẹn vài dòng: “Mong muốn của em khi tham gia chương trình là tìm lại định hướng của cuộc sống, xác định tương lai cho mình, tìm lại chính mình trước kia”. Không còn dán mắt trên màn hình máy tính, các “game thủ” đã hòa mình cùng những hoạt động vui chơi, ôn bài... khá nhiệt tình, thích thú. Tạm chia tay sau tuần đầu tiên, các “game thủ” hẹn gặp lại vào hai ngày cuối tuần kế tiếp để cùng bước từng nấc thang “xây dựng hình ảnh bản thân”.  

“Với lớp thí điểm đầu tiên, chúng tôi không kỳ vọng sẽ thành công 100% mà chỉ hi vọng khoảng 70% học viên dứt nghiện và biết sử dụng Internet sao cho hiệu quả”, chị Kim Liên chia sẻ.

(Theo Tuổi trẻ online)



Bình luận

  • TTCN (0)