Đối với các chuyên gia trẻ và sinh viên mới ra trường, thung lũng Silicon luôn là miền đất hứa. Nhưng đấy là trước khi cuộc khủng hoảng tài chính mới nhất xảy ra.
Bị chối bỏ
Thời gian đầu, cũng nhiều công ty tuyên bố mạnh miệng rằng họ sẽ "không hề hấn gì" trước đà suy thoái nói chung của nền kinh tế.
Còn giờ đây, tất cả các giải pháp có thể đã được đặt lên bàn: từ cắt giảm chi phí cho đến sa thải những vị trí mới tuyển.
Và những nhân sự ở lứa tuổi 20 hừng hực khí thế nhận ra rằng: tấm bằng đại học không còn là chiếc chìa khóa vàng để họ sở hữu một công việc hi-tech trong mơ nữa.
"Tôi cảm thấy như mình bị chối bỏ ở khắp mọi nơi", Jillian Crawford, 25 tuổi thở dài não nuột. Cô tốt nghiệp Đại học bang San Jose hạng ưu từ hồi tháng 6, nhưng cho tới nay vẫn chưa tìm được việc.
Ý nguyện của Jillian là đảm nhận công việc marketing cho một công ty công nghệ tại thung lũng Silicon.
Tổng cộng, Jillian đã nộp tới 25 hồ sơ xin việc mà chẳng mấy khi được nhà tuyển dụng "hồi đáp".
Mặc dù vậy, Jillian vẫn kiên trì tìm kiếm một "bến đỗ" tại Thung lũng của những ước mơ, thay vì nghĩ đến chuyện tìm việc tại nơi khác. Tất nhiên, điều đó chẳng hề dễ dàng.
Quá khó
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã và đang tác động rất mạnh đến thung lũng Silicon. Những gã khổng lồ công nghệ như HP, Yahoo, Sun Microsystems... đã phải sa thải tới 140.000 nhân sự trong vài tháng trở lại đây.
Và chẳng có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ ngừng tay.
Để tồn tại và vượt qua cơn sóng gió, nhà tuyển dụng đang ưu tiên cao độ cho kinh nghiệm và chức vụ - những thứ mà sinh viên mới tốt nghiệp không thể có được.
Nhiều hãng đã chọn giải pháp luân chuyển nhân sự thời vụ để lấp tạm các chỗ trống trong bộ máy, hơn là tuyển hẳn một người.
"Tình hình đang cực kỳ, cực kỳ khó khăn. Mọi chuyện sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa, trước khi chúng được cải thiện’, Jillian ngậm ngùi.
Hơn một tháng trước, cô đã phải chuyển về sống cùng bố mẹ để tiết kiệm tiền trong thời gian chưa tìm được việc.
"Tôi cứ nghĩ là chỉ mất vài tuần là có thể tìm được công việc thực sự hứng thú. Nhưng thực tế diễn ra đã khiến tôi bị sốc".
Báo cáo về tình hình thất nghiệp tại Mỹ cho thấy có rất nhiều người đồng cảnh ngộ với Crawford. Theo Cục Lao động, số người ở độ tuổi 20-29 có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25-29 tuổi đã nhảy vọt 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ này ở nhóm 20-24 tuổi cũng tăng mạnh 10,4%. Để so sánh, tỷ lệ thất nghiệp bình quân của cả nước Mỹ chỉ là 6,7%.
Kiêu hãnh hay tấm séc?
Theo chuyên gia Amar Mann, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khối sinh viên mới ra trường và lao động trẻ tuổi thường xảy ra trong những thời điểm kinh tế xuống dốc.
Trước đây, trong hai đợt suy thoái của nền kinh tế Mỹ vào các năm 1990 và 2001, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 20-29 tuổi luôn tăng nhanh hơn so với các nhóm tuổi còn lại.
Một xu hướng khác cũng rất phổ biến là giới trẻ thường học thẳng lên cao học trong những thời điểm kinh tế khó khăn, thay vì đi làm ngay.
"Có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ tương đương với mức lương cao hơn.
Nhất là khi triển vọng việc làm của bạn không thật tươi sáng, bạn sẽ muốn dành 2 năm tiếp theo để nâng cao trình độ và tăng giá trị cho bản thân", ông Mahn phân tích.
Nếu không có điều kiện học lên cao hơn, nhiều sinh viên phải chấp nhận việc làm mang tính thời vụ qua ngày, hoặc giống như Jillian, kiên nhẫn chờ cho đến khi CV của mình được chú ý.
"Tôi không muốn làm phục vụ trong nhà hàng, bởi tôi muốn sử dụng kỹ năng và bằng cấp của mình", Christine Chase, 24 tuổi cho biết.
Chase đã bị AT&T ngừng hợp đồng thời vụ từ tháng 8 và đang phải vật lộn với cuộc sống nhờ trợ cấp thất nghiệp.
Với việc mùa lễ Giáng sinh đang đến gần và 4 tháng tìm việc mỏi mòn, Chase đành phải nhờ đến văn phòng tuyển dụng để kiếm việc.
Theo ông Mahn, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến những ứng viên có thái độ linh động trong việc tìm việc.
"Đây không phải là lúc sự kiêu hãnh và tự tôn vượt lên trên tấm séc của bạn. Đôi khi bạn cũng phải biết cách hạ mình một chút".
Theo VietnamNet/AFP
Bình luận