Gần đây, nhiều người tiêu dùng nhận được tin nhắn với nội dung: muốn tặng một số điện thoại gần giống với số điện thoại của họ đang dùng (thay vì 090 thành 093 hoặc chỉ khác một chút ở số cuối) và cả cước sử dụng gần cả triệu đồng.
Nhiều người háo hức vì nghĩ rằng, tự dưng lại được thêm một số điện thoại, lại được thêm một số tiền không nhỏ để gọi. Không chút tính toán, họ vui vẻ liên hệ với người tặng để làm thủ tục đăng ký số thuê bao trên.
Lạt mềm
Tại tuần lễ triển lãm công nghệ thông tin năm 2006, lần đầu tiên có một nhà phân phối sản phẩm công nghệ thông tin đã làm sốc khách tham quan khi công bố bán giá máy in “một ngàn đồng” (1.000đ).
Khi thông tin này được phát ra, hàng ngàn người đã chen lấn để được mua hàng. Mồ hôi nhễ nhại, thậm chí có kẻ rách áo nhưng gương mặt hớn hở vì lần đầu tiên được mua một chiếc máy in với giá chưa bao giờ có trên thị trường. Khỏi cần nói, cách “marketing” này đã làm tên tuổi của nhà phân phối này nổi như cồn. Ai cũng biết!
Trên thị trường còn nhiều lắm những sản phẩm, dịch vụ mà ở đó, giá ban đầu để sở hữu chúng có khi bằng 0 (không) hoặc chỉ chi một số tiền nhỏ tượng trưng, quá lắm là chỉ trả nửa số tiền.
Buộc chặt!
Nhưng ở đời, ông bà ta đã từng nói: “Không ai cho không ai bất cứ điều gì cả”. Ngẫm lại thấy thật chí lý.
Ngay ở Mỹ, một quốc gia có quá nhiều dịch vụ được “cho không” nhưng ngẫm lại cũng không cho không người tiêu dùng. Chiếc điện thoại iPhone 3G được công bố với giá tại Mỹ là 199 USD (loại dung lượng 16GB có giá 299 USD) nhưng nhiều tờ báo trong và ngoài nước khi dẫn lại nguồn tin này đã quên mất chi tiết: muốn dùng chiếc điện thoại này, buộc phải trả thêm khoản thuê mạng trong hai năm với giá xấp xỉ 700 USD. Tính ra, chi phí mua máy và kích hoạt mạng xấp xỉ ngàn đô. Chẳng rẻ chút nào!
Trở lại câu chuyện của người tiêu dùng được tặng số thuê bao. Có người đăng ký kích hoạt xong chưa kịp bỏ SIM vào máy để gọi, vì chưa có máy hoặc thấy cũng chưa có nhu cầu gọi nhưng một tháng sau, họ nhận được phiếu báo đóng cước thuê bao tháng là 50.000đ.
Thì ra phần cước được tặng kèm chỉ có giá trị trừ vào phần cước phát sinh cuộc gọi. Có người lầu bầu: “Vậy mà tưởng tặng không cho mình. 50.000đ/tháng, không lớn nhưng mất công đi nộp tiền. Chỉ công đi và thời gian chờ đã quá số tiền trên rồi”. Nhiều người tặc lưỡi: thôi thì mỗi tháng chỉ chừng ấy tiền chẳng đáng là bao. Cứ để, còn có dịp mà dùng. Nhà khai thác mạng đã khôn hơn người tiêu dùng tưởng: cứ cho là cước phát sinh bằng với cước khuyến mãi, mỗi thuê bao một năm phải chi thêm 660.000đ (đã tính 10% VAT). Cứ nhân lên thử với vài chục ngàn thuê bao…
Câu chuyện bán máy in với giá tượng trưng 1.000đ là câu chuyện mà các hãng sản xuất máy in áp dụng trên thị trường thế giới cách đây gần 10 năm rồi. Nhưng phần hao tốn nhất khi sử dụng máy in không phải là giá máy in mà chính là mực và giấy in, đặc biệt là mực in vốn được sản xuất theo chiêu máy nào mực đó. Vậy có cho không máy in cũng chỉ là cách marketing mà thôi…
Vậy nên khoan thấy cho không mà bảo rằng tốt. Có thể đó là cách cột người tiêu dùng vào những ràng buộc sau này...
(Theo SGTT)
Bình luận
Lần đầu bị lừa quả này cách đây chắc hơn chục năm rồi. Khi đó HP khuyến mãi máy in màu siêu rẻ (HP Deskjet 670 hay 690 không nhớ rõ), giá hình như chỉ 50-100 USD gì đó, đại khái là rẻ bằng 1/3 đến 1/4 cái máy in bình thường. Tặng luôn hai bình mức (HP cũng tốt bụng, chứ bắt mua chắc cũng mua luôn).
Dùng rồi mới biết, in chừng 200 trang là hết mực. Mà một bình cũng 20-25 USD, đi nạp thì 1-2 lần nó chảy ra hết, có khi hỏng cả máy in. Thế là dùng vài tháng phải cất vào kho vì chịu không nổi. Sau đó vài năm, chiếc máy in thành ổ chuột, và được thanh lí với giá mấy chục nghìn đồng...
Tóm lại mua thì phải tính kĩ, cần mới mua. Ở nhà đang có máy in laser thì đừng dại gì vác thêm một chiếc máy in phun rẻ tiền về, có cho thêm tiền cũng cần suy nghĩ lại, chứ 1000 đồng thì đắt quá