Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo. Ảnh: Flickr.

Với Giám đốc điều hành Jerry Yang, 2008 hiển nhiên là năm ông ta muốn quên đi nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Trước sự cạnh tranh quyết liệt từ Google, Microsoft và cả những "lính mới" như Facebook, MySpace hay YouTube, thị phần và địa vị của Yahoo ngày càng trở nên lung lay.

Đúng lúc ấy, Jerry Yang đã quay trở lại, ngồi vào chiếc ghế Giám đốc điều hành.

Lạc quan thái quá

Đó là mùa hè 2007. Các cổ đông hy vọng đó là một sự "cứu rỗi" thực sự, rằng Yahoo sẽ tăng tốc trở lại và tái khẳng định mình với tư cách kẻ dẫn đầu trong thế giới Internet.

Đúng vậy, người ta tin Yang sẽ làm được điều mà Steve Jobs từng đạt được khi tiếp quản Apple.

Người ta tin rằng chẳng một ai hiểu Yahoo hơn Yang, và ở ông ta có sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ với tài kinh doanh.

Mục tiêu của Yang tham vọng ra mặt: Biến Yahoo thành xuất phát điểm của mọi người dùng mỗi khi lướt web, thành công cụ quảng cáo được ưa thích nhất trên mạng và thành nền tảng ứng dụng web số một trong lòng giới phát triển.

Nói tóm lại, Yang, và các cổ đông của Yahoo, đều đinh ninh khi Giáng sinh 2008 ùa về, từ đối tác, nhân viên cho đến nhà đầu tư đều sẽ vui vẻ mà ăn Tết.

Thật không may, sự lạc quan đã đi quá xa. Và sự đời chẳng phải lúc nào cũng diễn ra như người ta mong muốn.

Trái với những niềm tin màu hồng, 2008 đã mang lại cho Yahoo những gì? - Hai đợt sa thải quy mô lớn, một loạt quan chức cấp cao "nhảy tàu", kết quả kinh doanh đầy thất vọng.

Nào đã hết, giá cổ phiếu tụt thảm hại, các lĩnh vực chủ chốt như quảng cáo tìm kiếm và tìm kiếm trực tuyến chẳng có mấy tiến triển.

Và tất nhiên rồi, không thể không nhắc đến thương vụ tốn nhiều giấy mực Microsoft - Yahoo: nỗi hổ thẹn lớn nhất trong năm của Yang nói riêng và gã khổng lồ Web nói chung.

Từ góc độ của giới phân tích, nỗ lực mang tính "lịch sử" của Microsoft đã phá hủy hoàn toàn kế hoạch của Yang về "cải tổ Yahoo".

Yang đã thất bại trong việc đối đầu và xử lý tình huống một cách hợp lý nhất.

Có thể nói, càng cố gắng, Yang lại càng làm cho tình hình trở nên rối rắm, phức tạp hơn. Và càng ngày, mọi chuyện càng vượt xa khả năng kiểm soát của chính ông ta.

Mặc dù chẳng bao giờ chính miệng thừa nhận, song rõ ràng là lời đề nghị mua lại từ Microsoft đã khiến Yang phật ý.

Chưa bao giờ trong đầu Yang lại nuôi ý định sẽ sáp nhập cùng Microsoft. Vì thế, thương vụ Microsoft đã khiến bộ sậu lãnh đạo cao nhất của Yahoo bối rối, mất phương hướng, để rồi cuối cùng, họ chọn lấy giải pháp sai lầm nhất.

Chẳng ai rõ liệu Yang có thể thực thi kế hoạch phục hồi Yahoo tốt hơn nếu không có lời đề nghị của Microsoft hay không.

Nhưng rõ ràng, nếu Yahoo cứ tiếp tục vật lộn và thất bại, nếu Yahoo không thể quay đầu, việc họ bị Microsoft - hay bất cứ một hãng nào khác, ngỏ ý mua lại là điều không tránh khỏi.

Sai lầm

Ảnh
Ảnh: AP.

Thế nên dù Yang có thích hay không, Microsoft cũng đã mở miệng ngỏ lời. Và "thịnh tình" của Microsoft cần phải được xử lý.

Với cái giá 31 USD/cổ phiếu, tương đương với 44,6 tỷ USD trả bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu - mức giá bỏ thầu của Microsoft đã cao hơn tới 62% so với thị giá cổ phiếu Yahoo tại thời điểm ấy (ngày 1/2).

Luận điểm mà Microsoft đưa ra để thuyết phục đối thủ cũng hết sức thuyết phục, bởi vì nó hết sức thành thật: Kết hợp là cách duy nhất để Yahoo và Microsoft thách thức nổi Google - kẻ thống trị độc tôn trên thị trường quảng cáo trực tuyến.

Và thế rồi cuộc chơi mèo đuổi chuột giữa Microsoft và Yahoo bắt đầu. Ngay tới tận bây giờ, nó vẫn chưa kết thúc.

Lần nào cũng như lần nào, Yang luôn luôn lắc đầu quầy quậy trước mọi nỗ lực của Microsoft, dù đó là để mua lại toàn bộ Yahoo, hay chỉ riêng bộ phận tìm kiếm mà thôi.

Cùng lúc, Yang đánh tiếng ve vãn gần như tất cả những hãng mà ông ta nghĩ được - từ Google, News Corp, Disney cho đến AOL.

Ai cũng được, miễn là không phải Microsoft. Ai cũng được, miễn là Yang có thể giữ thể diện trước các cổ đông của mình.

Hiển nhiên, sự cứng đầu của Yang khiến cho giới đầu tư như muốn phát điên.

Trong mắt họ, hành động của Yang không xuất phát từ lợi ích thật sự của cổ đông mà chỉ là sự "tự tôn thái quá" hoặc "ích kỷ, tư lợi".

Người chỉ trích Yang mạnh miệng nhất, to tiếng nhất chính là Carl Icahn, nhà đầu tư tỷ phú 72 tuổi người Mỹ.

Icahn đã tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc chiến giành quyền kiểm soát nhằm hất cẳng Yang và ban giám đốc Yahoo trong cuộc họp cổ đông thường niên 2008.

Vụ việc nhì nhằng kéo dài cho đến khi Yahoo nhượng bộ, chấp nhận giành 3 ghế trong ban giám đốc cho Icahn và 2 đồng sự của ông ta.

Bẽ bàng vì Google

Ảnh
Ảnh: Reuters.

Trở lại với mạch chính của câu chuyện. Nhằm né tránh Micrsoft, Yahoo đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Google.

Theo đó, Yahoo sẽ để cho Google cung cấp quảng cáo tìm kiếm trên 5% diện tích mặt trang của mình.

Microsoft lập tức nhảy dựng lên, cáo buộc hành vi này là vi phạm luật chống độc quyền.

Đồng thời, Steve Ballmer cũng cảnh báo Yang rằng ông ta đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi tự dâng miếng bánh của mình vào mồm đại kình địch Google.

Nhưng khi ấy, Yang vẫn còn cứng giọng lắm. Google luôn miệng tuyên bố sẽ sát cánh cùng Yahoo tới cùng, sẽ giúp Yahoo kiếm thêm tới 800 triệu USD mỗi năm.

Giờ đây, tất cả chúng ta đều biết điều gì đã xảy ra, thật sự. Thỏa thuận hợp tác đó đã không bao giờ được triển khai, bởi Google đã quất ngựa "truy phong", nhằm né tránh một cuộc chiến pháp lý với Bộ Tư Pháp Mỹ.

Hụt hẫng, chới với, Yang tìm mọi cách thuyết phục AOL sáp nhập. Song hiển nhiên, giữa hai bên không tài nào tìm được tiếng nói chung.

Đầu tháng 11, một tuần trước khi thông báo ý định từ bỏ chiếc ghế Giám đốc điều hành Yahoo, Yang vẫn bước lên sân khấu Hội thảo Web 2.0 tại San Francisco .

Ông ta tuyên bố: "Cho tới hôm nay, tôi vẫn khẳng định điều tuyệt vời nhất mà Microsoft có thể làm được là mua Yahoo".

Mới đây nhất, nhằm dẹp yên một vụ kiện từ phía cổ đông, Yahoo đã đồng ý sửa lại kế hoạch "đền bù nhân viên" gây nhiều tranh cãi của mình.

Kế hoạch này được Yahoo đưa vào áp dụng không lâu sau khi Microsoft ngỏ ý mua lại, và được giới phân tích nhận định là "liều thuốc độc" làm nản lòng Microsoft.

Theo đó, nếu Microsoft mua lại Yahoo, ngoài số tiền hơn 40 tỷ USD phải trả, Microsoft còn phải gánh thêm khoản tiền lên tới hàng tỷ USD để bồi thường cho toàn bộ nhân viên Yahoo.

"Yahoo đang thể hiện thiện chí. Họ làm mọi thứ có thể để việc bán mình trở nên dễ dàng hơn", chuyên gia Charlene Li bình luận.

Quá nhiều thách thức

Nhưng thật đáng buồn, từ nhiều tháng nay, Steve Ballmer của Microsoft đã khẳng định ông không còn hứng thú với việc mua lại toàn bộ Yahoo nữa.

Mỉa mai thay, sự kháng cự quyết liệt từ bộ sậu tối cao của Yahoo lại giúp ích cho Microsoft khá nhiều. Ballmer đã có cơ hội nhận thấy việc nuốt chửng toàn bộ Yahoo không phải là sự lựa chọn tốt nhất. "Mua trọn Yahoo chỉ có ý nghĩa trên lý thuyết thôi. Còn trên thực tế, đó sẽ là một cơn ác mộng", bà Li nói thêm.

Lúc này, thứ duy nhất mà Ballmer để mắt tới là bộ phận tìm kiếm của Yahoo. Không dưới một lần, ông thúc giục Yahoo nên xúc tiến việc bán bộ phận này "càng sớm càng tốt".

Với mức giá cổ phiếu hiện tại chỉ dao động trong khoảng 12-13 USD, rõ ràng là vị thế và sức mạnh của Yahoo trên bàn đàm phán đã yếu hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm. Nhưng nếu bán đi bộ phận tìm kiếm, Yahoo còn lại gì đây?

Câu trả lời là Không gì cả. Họ thậm chí sẽ còn yếu ớt và yếm thế hơn nữa.

"Thách thức lớn nhất của Yahoo trong năm 2009 là tăng doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm, khi mà các doanh nghiệp đang siết chặt ngân sách của mình trước cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

"Yahoo cần phải sáng tạo hơn nữa nếu muốn cạnh tranh cùng Google", chuyên gia Carolone Dangson của IDC nhận định.

Trong tay Yahoo hiện vẫn có một số dự án công nghệ đầy tham vọng để phục vụ cả người dùng, giới phát triển, nhà quảng cáo lẫn các hãng truyền thông.

Một số đã khai trương, số khác vẫn đang trong thời kỳ phát triển. Chẳng hạn như Yahoo Open Strategy - một dự án nhằm tái thiết kế lại mặt site và các dịch vụ của hãng theo hướng mạng xã hội.

Trong lúc ấy, Google vẫn ung dung thống trị thị trường tìm kiếm. Địa vị của hãng tiếp tục được củng cố do cuộc cãi vã kéo dài giữa Microsoft với Yahoo.

Trong quý III/2008, Google nắm giữ 28,4% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Mỹ, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2007.

Để so sánh, Yahoo chỉ còn kiểm soát 12,5%, giảm so với mức 13,3% hồi năm ngoái. Miếng bánh của Microsoft thì tăng nhẹ từ 6,1% lên 6,7%.

Dự đoán cho năm 2009, bà Li cho rằng Yahoo sở hữu nhiều tài sản có giá, nhưng văn hóa quản lý đang rất cần chấn chỉnh và cải tổ.

"Liệu Yahoo có thể trở nên linh hoạt, cơ động và mềm dẻo hơn hay không? Có cơ hội đấy, nhưng sẽ rất khó khăn".

(Theo VietnamNet)



Bình luận

  • TTCN (1)
Quang Trung  22192

Cái tiêu đề thật là chính xác!