Với việc ra mắt “siêu phẩm” MacBook Air, iPhone phiên bản mới, và sự ăn nên làm ra của cửa hàng App Store, Apple đã dễ dàng vượt qua một năm đầy sóng gió của thị trường tài chính toàn cầu với mức tăng trưởng ổn định.

1. “Siêu phẩm” MacBook Air

Steve Jobs đã mang lại cho cộng đồng IT sự ngạc nhiên pha chút ngưỡng mộ đối với chiếc laptop mỏng nhất thế giới MacBook Air. Trông theo chiều ngang có cảm giác như Air chỉ mỏng bằng tờ giấy, trong khi trọng lượng chỉ có 1,3kg. Máy được trang bị chip Intel Core 2 Duo 1.6-GHz (hoặc 1.8GHz), RAM 2GB, hỗ trợ Bluetooth và Wi-Fi, ổ cứng 120GB (hoặc ổ SSD 128GB), pin chạy liên tục 5 tiếng, và có giá là 1.799USD.

MacBook Air đều ghi điểm về kích cỡ, trọng lượng, kiểu dáng, và khả năng cơ động. Bộ xử lý của Air khá nhanh nhưng vẫn chậm hơn các máy Mac khác; trong khi pin sử dụng dài hơn nhưng người dùng không thay thế được và không dùng được pin phụ. Bộ nhớ cũng mạnh nhưng không mở rộng được. Air đã giúp tăng nhanh chóng doanh số bán ra máy Mac. Sản phẩm này có 2 đối thủ chính là chiếc laptop nặng 1kg của Toshiba (được tuyên bố là laptop nhẹ nhất thế giới), và Vooodoo Envy 133 của HP. MacBook Air được xem là vật trang trí cho các doanh nhân thường xuyên phải đi công tác xa.

2. Nâng cấp iPhone 3G

Tiếp nối thành công của chiếc iPhone năm 2007, Apple đã nhanh chóng cho ra đời bản nâng cấp iPhone 3G vào tháng 7/2008, bổ sung thêm khả năng kết nối 3G và truyền tải dữ liệu nhanh hơn, đồng thời tích hợp thêm tính năng GPS. Apple cũng nâng cấp phần mềm để các nhà phát triển có thể chạy được ứng dụng của bên thứ ba trên iPhone.

Tính tới tháng 11 vừa qua, iPhone là chiếc điện thoại bán nhanh nhất tại Mỹ, vượt trên cả Motorola Razr. Apple bán được 6,8 triệu chiếc iPhone trong quý tính tới 27/9, vượt xa kế hoạch mà hãng định ra trước đó.

3. Ra mắt cửa hàng App Store

App Store được xem như gia vị bí mật để tăng thêm phần hấp dẫn cho “món ăn” iPhone. Khi Apple giới thiệu iPhone năm 2007, nó còn là nền tảng đóng – có nghĩa là chỉ có Apple mới viết được ứng dụng cho chiếc điện thoại này, còn các nhà phát triển bên thứ ba bị giới hạn viết các ứng dụng JavaScript chạy trên trình duyệt di động Safari, hoặc viết những ứng dụng không được hỗ trợ và thường bị Apple “phá đám”.

Điều đó đã thay đổi với phần mềm cơ sở (firmware) iPhone 2.0, được giới thiệu đồng thời với iPhone 3G. Firmware này cho phép các nhà phát triển có thể viết và bán ứng dụng bên thứ ba cho iPhone và iPhone Touch. Phiên bản firmware iPhone 2.0 mới là dạng chuẩn dành cho iPhone và iPod Touch, được bán dưới dạng nâng cấp (20USD) cho các model cũ, còn với iPhone 3G thì sử dụng miễn phí.

Khi Apple ra mắt App Store hồi đầu năm, các nhà phát triển đã lo lắng về quy định quả lý theo kiểu kỳ dị của hãng này. Apple yêu cầu các nhà phát triển phải đóng góp tất cả những ứng dụng của họ thông qua hệ thống cửa hàng App Store. Apple sẽ kiểm duyệt những ứng dụng này và sẵn sàng “bóp chết” những ứng dụng nào mà họ cảm thấy không phù hợp. Ngoài ra, Apple sẽ thu 30% lợi nhuận bán ứng dụng của nhà phát triển.

4. Cộng đồng phát triển ứng dụng iPhone “biểu tình”

Các nhà phát triển quy kết tội thiếu trách nhiệm cho Apple, rằng hãng này đã để quá nhiều các ứng dụng có chức năng tương tự chạy trên iPhone, chẳng hạn như máy tính, ứng dụng thời tiết, ứng dụng download podcast…, đồng thời cho rằng Apple đã có những hành vi cư xử thiếu công bằng và không nhất quán.

Bị phản đối, Apple quay sang thắt chặt công tác kiểm duyệt. Hãng này đã từ chối một ứng dụng Gmail dành cho  iPhone có tên là MailWrangler vì cho rằng nó có chức năng trùng với ứng dụng mail khách tích hợp sẵn trong chiếc điện thoại này.

5. Steve Jobs đổ bệnh

Với Apple, Steve Jobs luôn được coi là “linh hồn” của hãng, người đứng mũi chịu sào tất cả những kế hoạch kinh doanh liên quan tới “số mệnh” của “Quả táo”. Chính vì thế, bất cứ những thông tin bất lợi nào về sức khỏe của Steve Jobs cũng khiến cho nhân viên Apple lo lắng. Cổ phiếu Apple đã giảm 10 điểm hồi tháng 10 sau khi CNN nói rằng có thể Steve Jobs đang bị bệnh tim. Thậm chí tờ Bloomberg còn để lộ cáo phó của Steve Jobs trên mạng. Thông thường Bloomberg vẫn chuẩn bị sẵn cáo phó của những nhân vật nổi tiếng, và tất nhiên chỉ công bố chúng khi nhân vật đó qua đời. Nhưng không hiểu sao bản cáo phó của Jobs lại bị đưa lên mạng đúng vào thời điểm nhạy cảm trên.

6. Nhái máy Mac

Psystar đã làm Apple “sốc” khi tung ra những chiếc máy nhái Mac hồi đầu năm 2008 với giá rẻ bất ngờ. Thông thường thì Apple sẽ chẳng có ý kiến gì nếu người dùng chạy Mac OS X trên những phần cứng không phải của Apple, đặc biệt là laptop và netbook. Tất nhiên đó là mục đích sử dụng mang tính cá nhân, nhưng đằng này Psystar lại bán ra thị trường những chiếc máy chạy Mac OX S cạnh tranh trực tiếp với Apple. Dĩ nhiên “Quả táo” này không thể ngồi yên khi lợi ích bị đụng chạm. Hãng đã kiện lên tòa án yêu cầu Psystar phải dừng ngay hành động này, đồng thời yêu cầu phải thu hồi những sản phẩm laptop đã được bán ra. Psystar cũng không phải vừa khi “bật” lại rằng Mac là thị trường độc quyền do Apple, vì vậy sẽ là hợp lý hơn nếu hãng này nhảy vào đó. Tất nhiên là tòa không đồng ý với lý lẽ của Psystar.

Chiếc máy OpenPro được cài đặt sẵn hệ điều hành Ubuntu, Windows Vista/ XP, hoặc Apple Mac OS X 10.5 "Leopard.". Máy được trang bị chip Intel Core Duo 2.66GHz, ổ cứng 500GB, card đồ họa Nvidia GeForce 8600 GT, được bán với giá 800USD. Trong khi cùng một cấu hình đó, máy của Apple bán với giá trên 2.000USD.

7. Người dùng Apple vật lộn với MobileMe

Đúng ra thì nên gọi sự cố này là MobileMess (“mess” có nghĩa là bừa bộn). Nhân dịp ra mắt iPhone 3G, Apple tiện thể giới thiệu dịch vụ đồng bộ hóa dữ liệu (e-mail, lịch, sổ liên lạc…) giữa nhiều máy Mac khác nhau và cho phép chúng truy cập vào Web. MobileMe còn cho phép đồng bộ với iPhone để khi bạn cập nhật thông tin trên iPhone thì sẽ không phải gắn chúng vào PC nữa. Vấn đề ở cỗ cứ mỗi 15 phút MobileMe lại đồng bộ một lần khiến cho người dùng ức chế, và cho rằng Apple cố tính quảng cáo cho hãng này.

8. Giới doanh nghiệp phật ý

Tháng 11 vừa qua, Apple mất một số nhân vật chủ chốt nhưng cũng chả thèm có ý định thay người. Chẳng hạn như Al Shipp, phó chủ tịch cao cấp bộ phận doanh thu doanh nghiệp, đã dứt áo ra đi nhưng tới nay Apple vẫn chưa thay thế ai vào vị trí đó. Trong khi đó, khả năng hỗ trợ doanh nghiệp của Apple được đánh giá là không tốt lắm. Các doanh nghiệp cần những thứ có thể dự đoán được, trong khi Apple lại ghét điều đó. Apple thích gây ngạc nhiên và làm mọi người phải sửng sốt với những sản phẩm không thể ngờ tới. Các doanh nghiệp cần biết được thông số cụ thể của sản phẩm và dịch vụ từ nhà cung cấp, nhưng Apple lại không bao giờ làm điều đó. Đó chính là văn hóa doanh nghiệp của “Quả táo cắn dở”.

9. Xanh hóa

Sau một năm kể từ khi iPhone bị “tố” có chức chất độc hại, phong trào IT “xanh” của Apple lại rộ lên, điển hình nhất là từ tháng 10 với việc thay thế những chất ô nhiễm trong các phiên bản mới nhất của MacBook. Những chiếc MacBook, MacBook Pro, và MacBook Air mới được giới thiệu tháng 10 có ít chất nhựa PVC và chất BFR so với các dòng MacBook trước đây. Apple tự nhận là hãng  sản xuất laptop “xanh” nhất thế giới.

Dường như vẫn chưa hài lòng với Apple, Tổ chức Hòa bình xanh còn yêu cầu Apple phải nỗ lực hơn nữa, cần loại bỏ toàn bộ những chất độc hại trong các sản phẩm laptop và kỹ thuật số để Apple thực sự “xanh” theo lời của hãng này.

10. Vượt qua sóng gió tài chính

Cũng khó có thể nói công ty nào trụ vững trong tình hình kinh tế rối ren như hiện nay. Nhưng Apple có vẻ như vẫn “sống” tốt, ít nhất là vẫn qua “cơn bão” tài chính vừa rồi. Doanh thu của hãng trong quý 4 vừa rồi (kết thúc ngày 27/9) tăng 27%, chủ yếu là do sự đóng góp của máy Mac và iPhone. Apple cho biết năm nay hãng sẽ đạt mục tiêu bán được 10 triệu chiếc iPhone, đạt lợi nhuậ 1,14 tỉ USD.

 (Theo VnMedia/PCWorld, MacWorld, Informationweek)



Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Mac Book Air năm nay chỉ là refresh (thay chipset, CPU nhanh hơn...), ngôi sao MAC sáng nhất phải là uni-body MacBook 13" hoàn toàn mới.