Nếu có gì đó quan trọng nhất để nói về năm 2008 của blog, thì đó là sự thắng thế của nội dung từ blog và các blogger bắt đầu kiếm ra tiền, thậm chí nhiều tiền bằng việc quảng cáo, PR và giới thiệu sản phẩm trên môi trường nhật ký cá nhân này.

Ngành công nghiệp nội dung… blog

Một cuộc thăm dò nho nhỏ với khoảng 80 bạn trẻ ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho ra kết quả không quá bất ngờ: họ theo dõi thông tin chủ yếu từ blog. “Thật ra, cũng biết mọi thứ trên blog không hẳn chính xác hết, nhưng tôi thích đọc vì nhanh, chân thực, lại nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn hơn những bản tin trên báo chí. Đặc biệt, trên blog có rất nhiều tin tức dạng siêu “nhảm” nhưng có sức hút rất cao, vì nói cho cùng chúng ta, ai cũng là những người tò mò”, một blogger bày tỏ.

Quả thật, nếu như đầu năm 2008, một báo cáo nghiên cứu thị trường cho ra kết quả hơn 70% phóng viên tham khảo nguồn tin từ blog khi viết bài, thì năm nay có lẽ là 70% phóng viên có blog và viết nốt phần còn lại của những câu chuyện chưa được kể hết trên báo. Cùng với sự phổ biến mạnh mẽ hơn của điện thoại chụp ảnh và quay phim, hầu như không có ngõ ngách cuộc sống nào bị lọt qua khỏi tầm ngắm của những nhà-báo-blog được trang bị thiết bị multimedia đầy mình và hết sức nhiệt tình này.

Chưa bao giờ nội dung trên blog phong phú và được đón nhận mạnh mẽ như năm qua. Những bài viết phân tích chuyên sâu vào những lĩnh vực cụ thể của những blogger nhà nghề đã thay thế dần phong trào dùng blog... nói dóc chơi cho vui. Những kiến giải và phản ánh mọi hiện tượng trong đời sống xã hội đã tạo cho blog một chỗ đứng quan trọng trong dòng chảy thông tin, mà biểu hiện cụ thể nhất là nhiều tờ báo phải đăng lại bài viết trên các blog, cũng như nhiều người chờ đợi những bài viết từ blog như một kênh truyền thông đúng nghĩa.

“Ai có nhu cầu quảng cáo thì liên hệ…”

Đó là một trong những khẩu hiệu khá phổ biến của vài blogger tự thấy mình… nổi tiếng, vì chờ mãi vẫn chưa thấy ai trả tiền cho mình dù bà con nhận tiền ầm ầm. Sau rất nhiều nghiên cứu về tính khả thi của “luồng ý kiến chủ đạo” trên blog, các công ty quảng cáo, truyền thông đồng loạt tư vấn cho khách hàng của mình giải pháp trả tiền cho một số blogger có tiếng để quảng bá sản phẩm.

Nổi bật và chuyên nghiệp nhất là Nokia khi tung ra phiên bản chính thức của một website. Họ chi hẳn hơn 5 triệu đồng cho các blogger với yêu cầu duy nhất: viết gì cũng được miễn là có dẫn link ảnh, nhạc, video từ website của họ là được. Và sau đó là cách mà các chương trình truyền thông dành cho các website, các sản phẩm mới cũng nương theo mà làm tới với các blogger.

Một cách kiếm tiền khác cũng đang rất thịnh hành trên blog hiện nay là… bán hàng. Chẳng cần cửa hiệu, chẳng cần công ty, chỉ cần vài phút lập blog, đăng tải hình ảnh, giá cả và làm siêng đi mời gọi khắp nơi, thế là có khách hàng.

Cạnh tranh tưng bừng

Nếu năm 2007 Yahoo! 360 giữ ngôi độc tôn, thì năm 2008 chứng kiến sự lớn mạnh dữ dội của đủ mọi đối thủ cạnh tranh cùng lúc với sự suy yếu của Yahoo! Hàng loạt dự án đầu tư vào mạng xã hội được rót tiền tỉ, hàng loạt đại gia blog thế giới đổ bộ vào VN, kéo theo đó là cuộc chiến không khoan nhượng giữa những ngón nghề chiêu dụ những blogger có tiếng, ngôi sao sân khấu và đủ mọi hình thức thu hút thành viên.

Facebook đang phát triển với tốc độ chóng mặt, theo ghi nhận của bộ đếm Google, mà một lý do chủ yếu là nhu cầu quốc tế hóa quan hệ trực tuyến của người dùng đang tăng nhanh. Friendster liên tục giới thiệu hàng loạt ứng dụng dành cho người Việt sau khi công bố một phiên bản tiếng Việt khá hoàn chỉnh…

Cuộc cạnh tranh lại càng đi vào chiều sâu hơn, khi mà nhiều mạng tập trung vào một phân khúc rất nhỏ để có thể phục vụ khách hàng tốt hơn. Noi.vn chọn giải pháp… làm mai trực tuyến, aye.vn chứng tỏ khả năng tạo không gian yêu đương khá ổn, truongxua.vn như một không gian hoài cổ, clip.vn chọn giải pháp hẹp hơn nhưng không kém tiềm năng là các video hay sannhac.vn tạo không gian cho các bạn mê ca hát…

(Theo Tuổi trẻ Online)



Bình luận

  • TTCN (0)