Số lượng thuê bao mới bùng nổ là một trong những nguyên nhân gây nghẽn mạng - Ảnh: Thanh Hải.

Nếu ở các năm trước, tình trạng trục trặc, nghẽn mạng thường xảy ra vào các ngày lễ Tết, thì năm nay tình trạng này đã diễn ra ngay cả ở những ngày bình thường, liên tục trong hai tháng qua.

Trục trặc thường xuyên

Theo phản ánh mà Thanh Niên nhận được từ độc giả, tình trạng nghẽn cục bộ mạng di động trong khoảng hai tháng trở lại đây diễn ra khá thường xuyên và hầu như mạng nào cũng bị ở nhiều mức độ khác nhau.

Anh Quốc Dũng, phóng viên của một tạp chí chuyên về công nghệ có trụ sở tại Hà Nội, cho biết hiện đang sử dụng song song cả hai mạng Vinaphone và Viettel nhưng trong hai tháng trở lại đây đã có lần rơi vào tình trạng không thể thực hiện được cuộc gọi do cả hai mạng đều nghẽn.

"Có lần trong 3 ngày liền số thuê bao Vinaphone của tôi gần như liên tục không thể gọi hoặc nghe được. Khoảng thời gian mà tôi thấy mạng này hay bị nghẽn nhất là vào lúc 9g - 11g và 15g  - 17g mỗi ngày", anh Dũng cho biết. Với số máy ở mạng Viettel, anh Dũng cho biết việc gọi nội mạng thì không gặp vấn đề gì lớn nhưng lại rất khó khăn khi gọi tới các thuê bao ngoại mạng.

Anh Bùi Anh Tuấn, cán bộ Công ty xuất nhập khẩu rau quả Hà Nội, chủ sở hữu số máy 0914557xxx, cho biết máy của anh thường xuyên bị mất  sóng hoặc có lúc dù hiện tới 5 vạch sóng nhưng không thể thực hiện được cuộc gọi hoặc nhắn tin. "Gần như cuộc gọi nào tôi cũng phải gọi đi gọi lại tới 3, 4 lần mới có thể kết nối được", anh Tuấn nói.

Mạng nào nghẽn nhiều?

Trong các năm trước, vào thời điểm gần Tết, mạng di động nào cũng xảy ra hiện tượng nghẽn cục bộ đặc biệt là những ngày như Noel, ngày cận Tết... hoặc nghẽn toàn mạng như lúc giao thừa. Tuy nhiên, năm nay dù không vào những thời điểm nói trên, các mạng di động đều có hiện tượng nghẽn cục bộ. Theo giải thích của các mạng di động, hiện tượng nghẽn xảy ra là do lưu lượng cuộc gọi, nhắn tin thời điểm này tăng quá mạnh so với các năm trước.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trong hơn một tuần gần đây, mỗi ngày MobiFone có trên 250.000 thuê bao mới kích hoạt; với Viettel, con số này là 160.000; Vinaphone là 80.0000. Với tốc độ tăng thuê bao mới ở mức phi mã, lãnh đạo của MobiFone thậm chí còn công bố dự kiến đạt 30 triệu thuê bao vào những ngày cuối cùng của năm 2008 (ngày 26-12 đã là trên 29 triệu thuê bao theo cách tính của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Cũng chính việc tăng số lượng thuê bao với tốc độ khủng khiếp, cộng với nhu cầu gọi, nhắn tin lớn vào cuối năm là nguyên nhân chính của tình trạng nghẽn mạng cục bộ. Tuy nhiên,  trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Việt Hưng - Trưởng phòng Giá cước Tiếp thị MobiFone - lại khẳng định: "Mạng của chúng tôi rất ít gặp trục trặc dù tốc độ thuê bao mới rất cao. Nguyên nhân là chúng tôi đã đầu tư cực lớn cho dung lượng mạng lưới để đón đầu sự phát triển". (?)

Về kế hoạch chống nghẽn mạng cho dịp Tết, tính đến chiều 26-12, mới có 2 mạng GSM chính thức công bố kế hoạch. Ông Tào Đức Thắng - Phó giám đốc Viettel Telecom - cho biết mạng này dự kiến nâng cấp 3.000 trạm và lắp mới thêm 2.500 trạm BTS, đồng thời triển khai 60 trạm lưu động tại các khu vực hay xảy ra tắc nghẽn tại thời gian cao điểm; lắp thêm tổng đài nhắn tin...

Ông Đinh Việt Hưng thì cho biết MobiFone đã hoàn tất mở rộng dung lượng tổng đài để đáp ứng được 200% so với nhu cầu ngày thường về thoại, 300% về SMS, 400% về GPRS... Bên cạnh đó, mạng này còn tăng hơn 100 cán bộ trực 24/24 giờ tại những khu vực “nóng”; đặc biệt, bố trí thêm 15 chuyên gia kỹ thuật nước ngoài để đảm bảo khả năng xử lý nếu có trục trặc.

Trong sáng 26-12, ban lãnh đạo Vinaphone cũng đã họp bàn về kế hoạch chống nghẽn mạng dịp Tết nhưng chưa công bố các chi tiết cụ thể về kế hoạch sẽ thực hiện.

(Theo Thanh niên)



Bình luận

  • TTCN (0)