Nghẽn mạng là nỗi khó chịu của khách hàng mỗi khi Tết đến. Ảnh: VNN.

Lưu lượng các cuộc gọi điện thoại di động trong dịp Tết thường tăng lên khoảng 30%; số lượng thuê bao mới của tất cả các nhà mạng đều tăng đột biến vào dịp cuối năm này khiến nguy cơ "đến hẹn lại... nghẽn" của mạng di động có thể xảy ra. Vậy người tiêu dùng nên làm gì để tránh nghẽn mạng tối đa có thể trong Tết này? Hãy tham khảo 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel mách nước...

Mạng di động VinaPhone hiện với số lượng thuê bao khiêm tốn nhất trong ba "đại gia GSM" và vốn không "đua bám" phát triển thuê bao mới cho biết đã tăng dung lượng tổng đài gấp đôi, riêng dung lượng tin nhắn tăng gấp 3, đầu tư mới các trạm BTS...

Tuy nhiên, ông Lâm Hoàng Vinh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT kiêm Giám đốc Công ty VinaPhone - người mới được VNPT giao nhiệm vụ dẫn dắt, vực dậy VinaPhone thành vị trí số 1 trong "làng" di động Việt Nam cũng nhận định: không thể dám hứa chắc chắn rằng, mạng di động sẽ không nghẽn chút nào trong dịp Tết này. Bởi việc tập trung đông người sử dụng tại một địa điểm, một thời điểm nhất định có thể sẽ gây nghẽn mạng cục bộ. 

Giám đốc VinaPhone tư vấn cho thuê bao của VinaPhone về cách tránh nghẽn:

- Khi bị nghẽn mạng, người dùng không thực hiện được cuộc gọi, thì không nên bấm đi bấm lại liên tục, vì như vậy sẽ càng làm mạng nghẽn hơn và lâu hồi phục hơn.

- Người dùng di động ngồi tại nhà vào thời điểm bị nghẽn, có thể divert miễn phí (chuyển hướng cuộc gọi) cuộc gọi từ ĐTDĐ sang điện thoại cố định. (trước đây dịch vụ này mất phí). Khi cuộc gọi được divert như vậy thì sẽ không chiếm dung lượng đường truyền di động, và chủ thuê bao vẫn nhận được các cuộc gọi qua số điện thoại cố định ở nhà.

 - Để chống tắc nghẽn cho tin nhắn SMS, người dùng di động nên tạm thời tắt chế độ báo cáo (Delivery reports) trong gửi tin nhắn đi để giảm gánh nặng cho tổng đài; sử dụng chức năng nhắn MMS nhưng chỉ soạn nội dung ở dạng Text; không nên nhắn 1 tin dài quá 160 ký tự.

Còn Viettel, năm 2008 bội thu với tổng doanh thu báo cáo với Bộ TT&TT là 40 nghìn tỷ đồng và số lượng thuê bao di động nhiều nhất cả nước (17 triệu thuê bao thực thường xuyên mở máy hàng ngày) từ trước vẫn được coi là nhà mạng phát triển thuê bao mới ồ ạt, chất lượng dịch vụ kém cũng đề ra một chiến dịch chống nghẽn mạng khá nghiêm túc.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Giám đốc Viettel Telecom cho biết: Thống kê từ các năm trước cho thấy, thuê bao của Viettel sử dụng tin nhắn rất nhiều, có thuê bao gửi 100 tin nhắn/ngày. Vì vậy, nhà mạng này tập trung vào xử lý, nâng cấp dung lượng cho tin nhắn. Tết này, Viettel sử dụng công nghệ tổng đài chuyển mạch Softswich, thay thế cho tổng đài truyền thống TDM của năm ngoái, nhằm mở rộng năng lực xử lý các cuộc gọi. Ngoài việc lắp đặt thêm các trạm BTS, Viettel cho biết đã nâng cấp hàng chục ngàn bộ phát đáp cho các trạm hiện có, lắp đặt mới 23 tổng đài, bố trí 60 xe phát sóng lưu động, lắp mới 2 tổng đài nhắn tin, phối hợp với với các nhà khai thác khác để mở thông các luồng truyền dẫn...               

Tuy nhiên, cũng như VinaPhone, ông Thắng cho biết, nghẽn mạng cục bộ là tình trạng không thể dự đoán được và khó tránh đối với Viettel. Vì vậy, người dùng của Viettel cũng nhận được những lời khuyên tương tự như trên của VinaPhone. Việc tính cước đối với các cuộc gọi và tin nhắn trong thời điểm nghẽn của Viettel được ông Thắng giải thích như sau: Dù khách hàng gửi đi gửi lại tin nhắn nhiều lần nhưng nếu đều gửi tới đích thành công - dù chậm - thì đương nhiên hệ thống sẽ tính cước. Và như vậy, rõ ràng khách hàng... "gặp khó" rồi, vì gửi tin đi nhưng tin chậm chưa đến, chưa báo thành công thì cứ phải gửi đi gửi lại, và đành phải "đốt tiền" để chắc chắn rằng, những lời nhắn nhủ yêu thương của mình trong năm mới đến được với người thân.  

Chiến dịch mở rộng mạng lưới chống nghẽn của MobiFone được triển khai từ tháng 12/2008. Nhà mạng này cho biết đã đầu tư nâng dung lượng tổng đài tin nhắn lên gấp 4 lần, đạt mức 20 triệu SMS/giờ, đáp ứng cho khoảng 40 triệu thuê bao. DN này tập trung gia cố dung lượng mạng ở 4 thành phố lớn là: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, và Đà Nẵng. Riêng khu vực TP.HCM, MobiFone đã lắp mới thêm 4.000 khối thu phát vô tuyến, đẩy mạnh triển khai dự án lắp đặt mới 12.000 khối thu phát vô tuyến cho toàn mạng, ưu tiên triển khai khu vực miền Đông Nam Bộ - nơi đang là điểm “nóng” trên toàn mạng này.

Các tư vấn mà MobiFone đưa ra với khách hàng chủ yếu tập trung vào chống nghẽn đối với tin nhắn và cách làm cũng giống với lời khuyên cho các thuê bao của VinaPhone. Trong đó, nhà mạng này lưu ý các khách hàng của mình các nguyên nhân tắc nghẽn chủ quan không ngờ tới như: bộ nhớ tin nhắn trong máy đầy sẽ không nhận được tin mới tiếp theo; máy hết tiền trong tài khoản tại thời điểm đó (trả trước), hoặc thuê bao chậm nộp tiền (trả sau) quá hạn quy định cũng sẽ không thực hiện được thành công cuộc gọi, nhắn tin...

Chưa biết hiệu quả của các chiến dịch chống nghẽn của các nhà mạng đến đâu, liệu Tết này có nghẽn không?, nhưng theo phản hồi của độc giả VietNamNet thì tình trạng chập chờn, rớt sóng, bấm số gọi 1 lần không được đã xảy ra từ vài ngày nay (24, 25 tháng Chạp), trong khi các nhà mạng tuyên bố đã bắt đầu chiến dịch chống nghẽn từ ngày 20 tháng Chạp. Vì vậy, khả năng nghẽn mạng di động trong Tết Nguyên đán Kỷ Sửu là... dễ như trở bàn tay!

Liên quan đến chất lượng dịch vụ của các mạng di động dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ TT&TT vừa ra chỉ thị cho biết, các DN cung cấp dịch vụ di động sẽ không được thực hiện việc khuyến mại nếu không đảm bảo chắc chắn chất lượng dịch vụ của mình vào dịp Tết. Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông cũng cho biết, các nhà mạng phải tự chịu trách nhiệm với chất lượng dịch vụ của mình. Nếu để gây ra tình trạng nghẽn mạng, DN sẽ bị phạt theo quy định về quản lý chất lượng viễn thông.

(theo VietNamNet)




Bình luận

  • TTCN (0)