Hội thảo đã thu hút đông đảo đại biểu và giới báo chí tham dự. Ảnh: Thuỷ Nguyên.

Cho tới thời điểm này, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO được hai năm. Điện tử - viễn thông là hai trong số những ngành được coi là mũi nhọn và chịu nhiều tác động sau sự kiện này. Sự cạnh tranh diễn ra khá quyết liệt trên hai thị trường điện tử và viễn thông đã khiến ngành đứng trước rất nhiều những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, không phải là không có những cơ hội được mở ra...

Quan điểm này đã được nhiều đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực điện tử - viễn thông chia sẻ tại buổi hội thảo với chủ đề "Hội nhập Kinh tế Quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với ngành Điện tử - Viễn thông Việt Nam" vừa diễn ra hôm qua, 25/12 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình "Đánh giá tác động hội nhập sau hai năm gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam và tôn vinh các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu".

Cơ hội nhiều...

Theo đại diện của Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hàng năm khoảng 20-30%. Từ những lắp ráp đơn giản, Việt Nam đã phát triển từng bước và bước đầu sản xuất phụ tùng, linh kiện xuất khẩu cũng như nghiên cứu thiết kế được một số sản phẩm thương hiệu Việt được bạn hàng quốc tế tin dùng. Về cơ bản, các sản phẩm điện tử và công nghệ đã thoả mãn được nhu cầu của thị trường nội địa và phát triển xuất khẩu. Doanh số thị trường nội địa đạt 1,6 tỷ USD năm 2005, và năm 2006 đã đạt hơn 2 tỷ USD.

Việc Việt Nam gia nhập WTO đã mang lại cho ngành công nghiệp điện tử những cơ hội lớn như tăng cường khả năng thâm nhập và thúc đẩy xuất khẩu do thị trường thế giới và khu vực được mở rộng và vị thế cạnh tranh bình đẳng hơn. Môi trường kinh doanh và đầu tư của ngành cũng đã được cải thiện, hành lang pháp lý minh bạch dẫn đến sức cạnh tranh lành mạnh hơn, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Cũng từ khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ hội tiếp cận tín dụng, công nghệ mới, thông tin thị trường thế giới, khu vực, các dịch vụ, cung cấp vật tư... của ngành tốt hơn. Ngành điện tử có cơ hội xây dựng lại chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới, các tranh chấp thương mại quốc tế được giải quyết công bằng và minh bạch hơn.

Còn với ngành viễn thông, theo tiến sĩ Trịnh Minh Anh, Phó Vụ trưởng - Phó Chánh văn phòng Uỷ ban quốc gia Hợp tác kinh tế quốc tế, hai năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, những tác động mang tính tích cực ảnh hưởng tới ngành đó là thị trường viễn thông Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng được xếp vào hàng nhanh nhất thế giới. Cạnh tranh sôi động nhất đang diễn ra trên thị trường thông tin di động giữa các nhà cung cấp dịch vụ VinaPhone, MobiFone, Viettel, EVN Telecom, SFone... đã thúc đẩy thị trường đạt mức tăng trưởng nhanh. Mới đây, trong bảng xếp hạng phát triển viễn thông Châu Á, thị trường viễn thông Việt Nam đã được xếp thứ 13 về cả quy mô và tốc độ phát triển trên ba lĩnh vực cố định, di động và Internet.

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho rằng, hội nhập WTO, các doanh nghiệp viễn thông trong nước có nhiều cơ hội kinh doanh mới, cơ hội đầu tư trang bị thiết bị công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm được vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế.

Hội nhập, viễn thông Việt Nam thu hút được nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý từ các nhà khai thác nước ngoài thông qua việc hợp tác với các nhà khai thác lớn trên thế giới để phát triển, hiện đại hoá mạng lưới và cung cấp dịch vụ, đồng thời cơ hội từng bước thâm nhập ra thị trường khu vực và trên thế giới. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tạo động lực phát triển cho từng doanh nghiệp và cho cả ngành viễn thông và CNTT Việt Nam. Cạnh tranh phát triển tạo cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước tự đổi mới và tái cơ cấu để hoạt động có hiệu quả, cải cách quy trình quản lý, khai thác, tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực mang tính chiến lược, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng chăm sóc khách hàng.

Tuy nhiên, với lộ trình mở cửa thị trường lĩnh vực viễn thông trong cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, cho tới thời điểm này, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam vẫn chưa thực sự phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài. "Hiện cạnh tranh trong nước chính là bước tập dượt cho cạnh tranh nước ngoài và là giai đoạn quan trọng để các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam từng bước tích tụ các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua các rào cản, thách thức và chủ động đón bắt các vận hội của hội nhập kinh tế quốc tế" - ông Việt nói.

Và thách thức cũng lắm

Quả thực, khi kinh tế phát triển, nhu cầu thị trường về các dịch vụ bưu chính, viễn thông và CNTT tăng trưởng mạnh, thị trường tiềm năng để phát triển các dịch vụ mới rất lớn đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, CNTT phát triển các hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, theo ông Bùi Quốc Việt, trong những năm qua, thị trường viễn thông di động Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng 160-170%/năm và được coi là thị trường đầy tiềm năng, thu hút sự chú ý của không ít các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập WTO.

Cũng chính vì sức hút lớn này sẽ khiến các nhà cung cấp mạng di động của Việt Nam phải chịu sức ép rất lớn từ các hãng tên tuổi của nước ngoài khi hội nhập WTO. Điều này đã được minh chứng khi đã có rất nhiều hãng nước ngoài bày tỏ ý định mua lại cổ phần của các mạng di động như MobiFone, VinaPhone hay Viettel khi những mạng này được cổ phần hoá và đưa ra sàn giao dịch chứng khoán trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp viễn thông trong nước nói chung và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT nói riêng sẽ chịu những áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp ở các nước có nền công nghiệp phát triển có vốn, trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý và cạnh tranh quốc tế cao. Mức độ cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, phạm vi rộng hơn và sâu hơn.

Đi kèm với đó là sự chia sẻ về thị phần thị trường một cách đáng kể khi các tập đoàn viễn thông lớn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài khi liên doanh có quyền nâng mức góp vốn lên cao hơn, khả năng kiểm soát của họ đối với việc điều hành kinh doanh dịch vụ cũng lớn hơn. Ông Việt cho rằng đây cũng là chính là nguy cơ, thách thức mà các doanh nghiệp viễn thông Việt phải đối mặt.

Cũng giống như viễn thông, ngành điện tử ngoài những cơ hội của mình cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh trên thị trường này sẽ khốc liệt hơn ngay cả ở thị trường trong nước. Các doanh nghiệp điện tử sẽ phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Trong khi đó nhiều ưu đãi, trợ cấp của Nhà nước dành cho ngành bị cắt bỏ làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Không những vậy, thị trường biến động nhanh, đòi hỏi khả năng thích ứng của doanh nghiệp cao. Doanh nghiệp phải thận trọng khi lựa chọn bạn hàng, thị trường và phương thức kinh doanh.

Xác định rõ những cơ hội và thách thức của mình, để có thể khẳng định được vị thế, bảo vệ thương hiệu của mình trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay, không còn cách nào khác là các doanh nghiệp ngành điện tử, viễn thông sẽ phải có những chính sách, hướng phát triển thực sự bền vững.

(Theo Vnmedia)



Bình luận

  • TTCN (0)