Khi mua máy ảnh số ống kính rời, bạn cũng nên chú ý tới tốc độ của nó vì lợi thế của DSLR là lấy nét và chụp nhanh, ngoài ra còn khả năng chống rung của máy.
Sau khi xác định được sẽ mua máy ảnh Full Frame hay máy DSLR thông thường hoặc Four Thirds, bước tiếp theo là xem những yếu tố như chống rung, tốc độ.
Hệ thống chống rung
Có hai cơ chế chống rung được áp dụng ở máy DSLR đó là chống rung quang học (dịch chuyển một thấu kính trong ống kính để đối trọng lại rung) và chống rung cơ học (dịch chuyển cảm quang trong thân máy). Mỗi hãng lại có một cách đặt tên riêng cho chống rung. Ví dụ, “siêu ổn định ảnh” (Super SteadyShot), “chống rung” (Anti Shake), "giảm dao động” (Vibration Reduction), “siêu ổn định ảnh quang" (Mega OIS).
Mặc dù kết quả cuối cùng là như nhau, nhưng rõ ràng là hệ thống chống rung trong thân máy sẽ hạn chế rung cho bất cứ ống kính nào. Trong khi đó, chống rung quang trên ống kính thì chỉ cho cái nào tích hợp công nghệ đó mà thôi. Chống rung quang có lợi là hiệu quả thấy ngay khi bố cục khung hình, nhưng sẽ rất tốn kém. Tại thời điểm này chỉ có Sony, Pentax và Olympus là có chống rung trong thân máy còn lại Canon, Panasonic và Nikon vẫn áp dụng chống rung quang (trong đó có cả các ống kit bán kèm).
Tốc độ
Một chiếc DSLR dù là dòng khởi điểm cũng lấy nét và chụp nhanh hơn bất kỳ một chiếc máy compact nào. Hơn nữa, dòng càng cao thì lấy nét càng nhanh hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt lại nằm ở tốc độ chụp liên tiếp - tính năng cần thiết khi chụp thể thao và thiên nhiên hoang dã.
Hầu hết dòng khởi điểm đều cho phép chụp liên tiếp 2,5 hoặc 3 hình mỗi giây. Nhược điểm của chúng là số hình chụp được ở chế độ liên tiếp nhanh (burst mode), đặc biệt khi để chế độ chất lượng hình cao nhất (RAW), hạn chế.
Tuy nhiên, nếu bạn là “con nghiện tốc độ” thì nên bỏ qua dòng khởi điểm mà sở hữu một chiếc dòng trung hoặc bán chuyên. Ở phân khúc này tốc độ chụp liên tiếp là ít nhất 5 hình/giây, mà Canon EOS 1D Mark III và Nikon D3 là những ứng cử viên sáng giá với khả năng chụp lần lượt là 10 và 11 khung hình/giây. Lưu ý, bộ nhớ đệm (buffer) càng lớn thì máy càng có khả năng chụp nhiều hình trong một lần liên tiếp nhanh (burst).
Kích thước, trọng lượng và độ bền
Như đã đề cập, máy ảnh DSLR có rất nhiều hình dáng và kích thước khác nhau, từ siêu gọn nhẹ khởi điểm tới các mẫu chuyên nghiệp to và chắc như cối đá. Nếu hay phải tác nghiệp ở những nơi ẩm ướt bụi bặm thì nên kiếm những chiếc máy bền thời tiết, vỏ hợp kim magiê, và thêm hệ thống rung rũ bụi cho cảm quang thì càng tốt. Dĩ nhiên, thêm tính năng này thì giá cũng chẳng thể rẻ được.
Còn bạn thích một cái máy gọn nhẹ thì đã có những mẫu DSLR chỉ khoảng 500 gram với một ống kính nhỏ.
Màn hình và chế độ ngắm chụp bằng màn hình/ngắm sống (Live View)
Trước đây, một đặc tính dường như là để khẳng định dòng máy ảnh số ống kính rời là chỉ có thể ngắm chụp qua ống ngắm quang mà thôi. Dĩ nhiên, giờ ngày càng nhiều máy ảnh loại này cho phép ngắm chụp bằng màn hình LCD cứ như máy compact.
Chế độ Live View ở máy DSLR không phải là không có nhược điểm, nó làm quá trình chụp chậm hơn rất nhiều bởi thiết kế của DSLR là phải lật gương lên để cho phép Live-View nhưng lại phải lật gương xuống để lấy nét và chụp. Một số máy cho phép lấy nét ngay ở trong Live View nhưng cũng khá chậm.
Thực tế, chế độ này rất hữu ích, thứ nhất là để kiểm tra độ nét, sau đó là giúp chụp trong những tư thế khó khăn (máy thấp sát đất hoặc cao quá đầu). Một số máy có màn hình xoay được nên việc ngắm chụp trong những tư thế khó khăn lại dễ dàng hơn rất nhiều.
Mua một chiếc DSLR thực ra chỉ là bước bắt đầu cho một “mối quan hệ lâu dài” với một hệ thống máy ảnh, bởi vậy cần có một “bức tranh toàn cảnh”. Thực chất, chiếc máy ảnh (body) chỉ là một phần trong công thức kiến tạo nên một bức hình có chất lượng mà trong đó ống kính cũng quan trọng tương đương.
(Theo Số hoá)
Bình luận