Giáo sư Don Marinelli. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Xuất hiện tại Toà soạn báo Việt Nam Net trong chiếc áo sơmi cổ tàu cách điệu và mái tóc bồng bềnh rất “nghệ”, Giáo sư Don Marinelli, người được mệnh danh là “Nhà cách mạng Công nghệ giải trí” tin rằng: “Thời của truyền thông áp đặt đã qua, nhường chỗ cho sự đăng quang của truyền thông số.”

Hãy cho tôi ý tưởng!

Trước khi tham gia cuộc giao lưu trực tuyến kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ với độc giả, ông Marinelli đã có một cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn với Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn về tiềm năng khổng lồ của truyền thông kỷ nguyên số, cũng như sức mạnh của "nội dung Internet".

Theo ông, "Khác với truyền thông kiểu cũ, mạng Internet đã mang lại một sự dân chủ mạnh mẽ, khi chính công chúng mới là người quyết định "sự sống, chết" của những ý tưởng mới". Ông cho biết mình gần như không bao giờ xem TV, bởi đã quá chán ngán với khung phát sóng bảo thủ "7h thời sự, 8h phim, 9h ca nhạc của truyền hình".

Với ông, Internet mới chính là sự lựa chọn duy nhất, bởi lẽ Internet "cho phép bạn sống theo cách mà bạn muốn, xem những gì mà bạn thích, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu".

Khi được hỏi về những thách thức đang chờ đợi phía trước truyền thông số, ông Marinelli cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào cách chúng ta định nghĩa thế nào là thách thức. "Sự giống nhau giữa công nghệ và nghệ thuật là luôn cần những ý tưởng mới. Và có lẽ tìm ra ý tưởng chính là mắt xích khó khăn nhất trong mỗi dự án". Tại Trung tâm Giải trí công nghệ (ETC), ý tưởng được thai nghén bởi chính các khách hàng và sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới.

"Nhờ có công nghệ, chúng tôi đã chinh phục được thời gian và khoảng cách. Mỗi dự án đều quy tụ nhiều sinh viên đến từ nhiều khu vực địa lý khác nhau. ETC luôn khuyến khích các ý tưởng mới, kể cả những ý tưởng cách mạng. Chúng tôi hiểu rằng không thể có sự sáng tạo nếu như không có ý tưởng", ông Marinellia chia sẻ với người đối thoại.

Tầm quan trọng của ý tưởng một lần nữa được ông Marinelli nhắc lại sau câu hỏi của Việt Nam Net rằng "Bằng cách nào sinh viên Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm truyền thông mới, từ đó tiếp thị ra thế giới?".

"Sẽ thật tuyệt nếu các bạn có thể thổi hồn thời đại vào các hình tượng nhân vật lịch sử, các câu chuyện văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhưng việc thổi hồn đó phải rất có chủ đích. Trong nghệ thuật và trong công nghệ, chúng tôi gọi đó là lối tư duy "hướng đích". Bạn phải xác định rõ mình sẽ nhắm tới đối tượng nào, khách hàng của bạn là ai. Đúng vậy, phải tìm ra khách hàng - đó là yêu cầu then chốt".

Ảnh
Giáo sư Don Marinelli say sưa trao đổi với Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn tại Toà soạn VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Hãy học đi, cho tới khi "chào nhé, cuộc đời!"

Cuối buổi trò chuyện, Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn đã gợi ra một chủ đề mà GS Marinelli đặc biệt thích thú: Học tập suốt đời (lifelong learning). Ông cho biết khái niệm này đặc biệt phổ biến trong khối những người đã nghỉ hưu tại Mỹ. "Họ đến trường không phải để có bằng cấp, chứng chỉ; Họ không quan tâm tới thứ bậc, điểm số... mà đơn giản chỉ để học, để thu nhận thêm kiến thức".

Một cách triết lý hơn, GS Marinelli cho rằng "cuộc đời mỗi người chính là hành trình học tập bất tận".

"Tất cả chúng ta đều là sinh viên của trường Đại học "Trái đất", và nhiệm vụ của chúng ta là học cách "trưởng thành". Trưởng thành, theo ý của tôi, chính là lúc chúng ta nói lời giã biệt cuộc đời. "Bye-bye". Chính xác là vậy đấy!

Tôi đã từng bước vào một lớp học mà học viên toàn là những bậc cao niên. Có người thậm chí đã ngồi xe lăn hoặc chống gậy đến lớp. Nhưng thật bất ngờ, đó lại chính là lớp học xuất sắc nhất mà tôi từng dạy. Bởi vì ở họ không có tâm lý đối phó với việc học. Học là nhu cầu hoàn toàn tự nguyện, là niềm đam mê thực sự. Và tôi ước sao các sinh viên trẻ tuổi của mình cũng có được thái độ cầu thị đó".

Đây có thể xem là mong đợi và cũng là lời nhắn nhủ của GS Marinelli tới các sinh viên "tiềm năng" của ETC tại Việt Nam, quốc gia mà ông đang rất cố gắng để giới thiệu mô hình phát triển công nghệ số mang tính tương tác của Mỹ.

Giáo sư Don Marinelli hiện là Giám đốc sản xuất của Trung tâm Công nghệ Giải trí (Entertainment Technology Center - ETC), thuộc Trường Đại học danh tiếng về CNTT của nước Mỹ - Carnegie Mellon (CMU) .

Ông là người đầu tiên mang kỹ thuật, công nghệ đến với ngành công nghiệp giải trí và được đánh giá rất cao trong vai trò thay đổi cách chuyển tải truyền thống các bộ môn văn hóa nghệ thuật sân khấu sang các phương tiện hiện đại (multimedia).

Theo VietnamNet


Bình luận

  • TTCN (1)
Hoang Trong Ton  2

hay

hay hay