Sau 3 tháng làm bài thi tuyển cấp giấy phép 3G, 7 doanh nghiệp viễn thông đã tới Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 18/2/2009 để “nộp bài”. Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được 6 bộ hồ sơ của 7 doanh nghiệp trong đó có một bộ hồ sơ của 2 doanh nghiệp EVN và HT mobile liên danh.
Không nằm ngoài dự đoán “3 đại gia” Viettel, MobiFone, Vinaphone vẫn chứng tỏ khả năng dự thi rất chắc chắn. Chỉ có “chiếc vé” thứ 4 đang còn sự cạnh tranh đôi chút và theo dự đoán đó là “cuộc chiến” giữa Gtel và liên danh EVN và HT Mobile.
Theo thứ tự nộp hồ sơ thì VMS là doanh nghiệp viễn thông đến sớm nhất; Viettel Telecom đến muộn nhất, đúng 9h mới đến. Trong buổi nhận và mở hồ sơ này, Viettel có thùng hồ sơ lớn nhất, có lẽ vì thế mà đến muộn nhất.
Sau 2 doanh nghiệp VMS và Gtel, hồ sơ của Vinaphone, của SP Telecom cũng được đưa vào phòng họp số 16 của Bộ TT&TT. Vinaphone có ra khá kín đáo, trong khi đại diện của SPTelecom cho biết: “Chiều hôm trước (17/2), cả đoàn mới mang hồ sơ ra Hà Nội và bận bịu để đóng hộp nên cũng chẳng có thời gian để cảm thấy hồi hộp hay lo lắng gì cả”.
Không khí nóng dần lên khi các hộp hồ sơ thầu được mở ra. Hội đồng thi tuyển cũng như các doanh nghiệp viễn thông đã có được những số vốn đầu tư mà các doanh nghiệp viễn thông cam kết thực hiện trong 3 năm đầu và số vốn đặt cọc để thể hiện sự quyết tâm của từng doanh nghiệp.
Theo thứ tự nộp hồ sơ, Vinaphone và Viettel mở hồ sơ cuối cùng. Theo các chuyên gia và các cán bộ của Bộ TT&TT, tổng số vốn cam kết thực hiện trong 3 năm và số tiền đặt cọc của từng nhà mạng sau khi đã được công bố trước Hội đồng và trước các nhà mạng khác, phản ánh đúng thực tế khả năng về vốn và khả năng cũng như quyết tâm triển khai của từng doanh nghiệp viễn thông.
Không có sự đột phá về tài chính đối với các nhà khai thác mạng nhỏ và mới tham gia vào thị trường như SPTelecom và Gtel mobile. Cục diện càng cho thấy sẽ bớt đi phần nào sự gay cấn và đau đầu cho Hội đồng xét tuyển nếu diễn tiến mở hồ sơ có sự đột phá.
Cục diện đã sớm an bài?
Kết quả mở hồ sơ thi tuyển tuy chưa được công bố, nhưng theo nguồn tin của VietNamNet thì 3 “đại gia” của làng di động Vietnam là MobiFone, Vinaphone và Viettel đang “ăn điểm” dẫn đầu. SP Telecom có vẻ thất thế với khả năng vốn cam kết triển khai và đặt cọc khiêm tốn nhất. Như vậy, tấm vé 3G thứ 4 nhiều khả năng sẽ là cuộc thi đấu giữa Gtel mobile và liên danh giữa EVN và HT mobile.
Nhưng cũng theo nhận xét của các “đại diện” mạng thì nếu chỉ xét về số vốn cam kết thực hiện triển khai và cam kết đặt cọc thì cánh cửa có vẻ rộng mở hơn đôi chút cho liên danh EVN và Ha Noi Telecom vì “bài thi” của Gtel có vẻ yếu hơn.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là nấc thang đầu tiên trên “cầu tàu” đưa các doanh nghiệp viễn thông lên chuyến tàu 3G. Mọi thứ đều chưa thể nói trước, vì phía trước vẫn còn nhiều nấc thang mà các doanh nghiệp sẽ còn phải vượt qua. Đó còn là những tiêu chí về chuyên môn, còn là những cam kết khác nữa về triển khai lắp các trạm, triển khai phủ sóng… Một số chuyên gia sau khi dự buổi lễ nhận và mở hồ sơ cho biết: Số vốn đưa ra cam kết triển khai và đặt cọc thể hiện các doanh nghiệp không “cố đấm ăn xôi”. MobiFone cho rằng họ bỏ thầu với con số vốn triển khai và tiền đặt cọc ở mức khá chuẩn. Số vốn cam kết triển khai trong 3 năm đầu kể từ ngày được cấp phép 3G quan trọng, nhưng số tiền đặt cọc còn quan trọng hơn.
Đó là vì số tiền đặt cọc thể hiển quyết tâm của doanh nghiệp muốn triển khai mạng 3G, vì nếu không triển khai doanh nghiệp đó sẽ bị phạt. Số tiền đặt cọc càng lớn thể hiện quyết tâm càng cao, vì nếu không triển khai sẽ bị phạt tiền rất lớn (50% của số tiền đặt cọc).
Ngoài số tiền đặt cọc, số vốn triển khai mạng lưới trong 3 năm cũng là con số thể hiện phần nào sức mạnh của mỗi nhà mạng. Căn cứ vào số tiền cam kết đầu tư cũng như số tiền đặt cọc, các doanh nghiệp viễn thông cũng có thể dự đoán được phần nào đường đi nước bước của đối thủ cạnh tranh, và từ đó cũng thấy được ai đầu tư thông minh, ai phải chịu rủi ro lớn, ai quyết tâm và ngược lại.
(theo VietNamNet)
Bình luận