Quy định bất cập, game thủ chuyển qua các trò chơi của nước ngoài, làm lợi cho doanh nghiệp ngoại.
Được coi là ngành kinh tế mang lại lợi nhuận cao, thế nhưng chuyện lạ đời là các doanh nghiệp làm game online vẫn hoạt động trong hoàn cảnh thiếu luật. Do vậy, không doanh nghiệp nào không khỏi lúng túng trong kinh doanh.
Ngành công nghiệp “vàng”
Dù trong thời điểm khủng hoảng kinh tế nhưng lĩnh vực kinh doanh game online vẫn phát triển vượt trội. Trong năm 2008, doanh số của game online Việt Nam là 80 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 3.700 người, nộp ngân sách khoảng 287 tỉ đồng. Tính đến nay đã có 15 doanh nghiệp kinh doanh game online.
Mặc dù công nghiệp game phát triển mạnh, doanh thu cao là vậy nhưng cho đến thời điểm này những quy định pháp lý về game online mới chỉ có duy nhất thông tư liên tịch số 60 về việc quản lý trò chơi trực tuyến. Thông tư này chủ yếu quy định về việc cung cấp game của doanh nghiệp trên thị trường và quản lý giờ của người chơi game là chính, còn lại những quy định và pháp lý liên quan đến ngành công nghiệp game online vẫn chưa có gì cụ thể.
Có thể nhận thấy công nghiệp game online Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là cuộc chơi giữa nhà phát hành và game thủ là chính. Một bên cung cấp và một bên sử dụng, tự thỏa thuận với nhau bằng những quy định mà nhà phát hành đưa ra trong game, game thủ chỉ có việc chấp hành và chưa có quyền lợi và nghĩa vụ gì nhiều.
Theo ông Hoàng Trọng Hiếu - phó giám đốc VTC game, thông tư liên tịch 60 ra cách đây khoảng ba năm nhưng gần như chỉ quản lý được đối tượng là doanh nghiệp phát hành game theo hướng hành chính. Cho nên các quan hệ giữa nhà phát hành game với cộng đồng game thủ hoặc với những cá nhân tổ chức sản xuất chỉ dừng lại ở mức tự phát và tự thỏa thuận giữa hai bên.
Game phát triển nhanh hơn luật
Một vấn đề khác có thể thấy thông tư liên tịch số 60 giờ đã quá cũ so với tình hình phát triển của game online như hiện nay. Những quy định về việc phát hành game còn quá rắc rối, các “giấy phép con” và đơn vị quản lý là các sở địa phương cũng gây không ít rắc rối và khó khăn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, quy định game thủ chơi game 5 giờ/ngày cũng không còn phù hợp. Bởi với nhiều game online như vậy thì có hết năm giờ chơi game này họ cũng có thể nhảy qua game khác để chơi và như thế có thể chơi hết cả ngày.
Những “nền công nghiệp game” hàng đầu châu Á
Ngay từ thập niên 1990, khi ngành làm game phát triển mạnh mẽ, được dân chúng công nhận, Chính phủ Hàn Quốc đã thừa nhận công nghệ game là một lĩnh vực công nghệ độc lập. Năm 2007, xuất khẩu game của Hàn Quốc là 781 tỉ USD, gấp đôi số lượng nhập khẩu game chỉ là 389 tỉ USD. Nhật Bản và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Hàn Quốc, chiếm 62% tổng sản lượng xuất khẩu. Trong tương lai, việc xuất khẩu game Hàn Quốc được trông chờ đạt tỉ lệ tăng trưởng hai chữ số.
Năm 2003, Trung Quốc có game online đầu tiên sau một thời gian dài phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ đó đến nay, dưới sự trợ giúp về mặt chính sách của chính phủ, các công ty game Trung Quốc lần lượt đánh bại các đối thủ ngoài nước.
Cũng theo một số doanh nghiệp, vì phản ứng với việc hạn chế các trò chơi phát hành tại Việt Nam, người chơi chuyển sang các trò chơi do nước ngoài cung cấp, hoàn toàn không bị bất kỳ giới hạn nào vì trò chơi được cung cấp trên Internet mang tính chất toàn cầu. Điều này đã xảy ra với một số trò chơi như Con đường tơ lụa của VDC Net2E, Cửu long tranh bá của VinaGame và có khả năng trở thành trào lưu trong thời gian tới, từ đó một nguồn tài chính sẽ đổ sang cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là chưa kể đến trường hợp các dịch vụ ăn theo game cũng ra đời, cụ thể như các đại lý bán card nạp phí chơi game, mà quan trọng nhất là việc kinh doanh đồ ảo trong game. Đã có rất nhiều công ty thu về lợi nhuận hàng tỉ đồng và đã có những cuộc đấu giá đồ ảo trong game lên đến tiền tỉ. Thế nhưng tất cả hoạt động này cũng đang “ngoài vòng” pháp luật.
Ông Lưu Vũ Hải, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - truyền thông), cho biết thực tế nếu xác định game là một ngành kinh tế kỹ thuật thì Nhà nước cần đưa ra chính sách tạo hành lang pháp lý để công nghiệp nội dung số, trong đó có trò chơi trực tuyến phát triển. Ngoài ra, cũng cần xem xét quy định hạn chế những tác động tiêu cực phát sinh trong xã hội nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến việc phát triển.
Theo ông Đỗ Quý Doãn - thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, mọi văn bản luật đều căn cứ trên thực tế mà đưa ra. Đối với ngành công nghiệp game cũng vậy, vẫn sẽ phải xuất phát từ thực tế. Với đà phát triển hiện tại, Bộ Thông tin - truyền thông cũng đang đề xuất lấy ý kiến từ doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để đưa ra một văn bản luật có giá trị cao hơn thông tư liên tịch 60, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp game phát triển cũng như đảm bảo quản lý ngành công nghiệp này, không để ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển của xã hội.
(Theo Pháp Luật TP.HCM)
Bình luận