Những lỗi hay mắc phải khi dịch thuật
Rất nhiều CTV mắc phải những lỗi khá cơ bản khi dịch sang tiếng Việt, mình sẽ cố gắng liệt kê ra một vài để tránh. Bài viết sẽ được cập nhật liên tục trong quá trình duyệt bài.
- “Nó”: từ này thường dùng chỉ một người nhỏ hơn mình, hoặc dùng kèm với danh từ trong văn nói (thí dụ “cái PC này nó khá bền"). Trong khi đó ở tiếng Anh chữ “it” đơn giản là chỉ ngôi thứ ba, và dùng cho mọi trường hợp. Trong đa số bài viết, không được dịch “it” là “nó”.
- “Tự hào”, “lên đến”... những từ này phải dùng đúng lúc. Máy để bàn thì 2 GB RAM là bình thường, nếu không nói là ít, do đó dùng những chữ này ở đây là sai.
- “Lên đến”: là cách dịch từng chữ của “up to”, nhưng sẽ làm sai nghĩa. Đúng ra cần dịch là “tối đa”. Thí dụ “up to 8 GB of RAM”, nghĩa là có thể gắn tối đa 8 GB RAM, nhưng không phải gắn ngay 8 GB ngay từ đầu.
- “Đã”: cách dịch tự động từ thì quá khứ trong tiếng Anh. Trong tiếng Anh thì chỉ cần thêm “ed” sau động từ là hiểu, nhưng tiếng Việt thì không phải lúc nào cũng “đã”. Đôi khi cần thêm những từ như “trước đây” là diễn đạt được, và bỏ chữ “đã” đi.
- “Một”, “các”, “những”... vứt đi được thì vứt. Đọc tiếng Việt mà “Các iPhone 4 dày chưa đến 1 cm” chắc ngất mất. Tương tự, “iPhone 4 có một màn hình 3,5 inch”. Những giới từ này không cần thiết trong tiếng Việt.
- Viết hoa bừa bãi. Trong tiếng Anh thì họ có thể viết hoa chữ cái đầu của mọi từ trong câu, nhưng tiếng Việt thì không như vậy.
- "được trang bị","hỗ trợ", "tự hào", "khoe mẽ"... cần dùng đúng chỗ. Văn hóa Việt và Mĩ khác nhau, đừng dịch y nguyên. Các động từ tiếng Anh thường gặp là "feature", "boast", "be equiped"...
Cách viết bài tốt nhất không phải là dịch, mà là cung cấp thông tin, tự viết (và bình luận một chút) từ thông tin có sẵn. Nhưng dù sao, dịch thuật vẫn là một bước khởi đầu cần thiết.
Dịch thuật không khó, chỉ cần đưa bản dịch của bạn cho một người không biết tiếng Anh, họ dễ dàng chỉ ra những chỗ sai. Những lỗi ở trên, phần nhiều là hậu quả của Google Translate. Và cuối cùng không có cách nào “dịch” mà không đọc nguyên bản tiếng Anh vài lần cả.
Nhóm:
Bình luận
Những, các và một rất cần trong tiếng Việt. Nhưng lại dễ bị dùng sai. Mình có biết một vài bác "nhà báo" chưa từng đọc quá 3 cuốn >500 trang vẫn dịch "mạnh".
Ý mình là cần trong một vài trường hợp thôi, dùng để chỉ số lượng. Chứ không có khái niệm mạo từ. Chứ cứ dịch "a" = "một", "-s" = "những" thì có mà chết.
Là sao vậy anh? Em đọc hong biết bao nhiêu cuốn sách dày hơn 500 trang mà vẫn dịch yếu
ý bác @yeungon là có những người tự nhận là nhà báo, nhưng sách thì không đọc, mà cứ thích dịch bậy.
Sách là sách văn học, câu cú đàng hoàng đó, chứ không phải mấy sách kĩ thuật, viết câu qua loa hoặc đọc qua loa. Dù sao, cái "500 trang" chỉ là ý cá nhân.
Vấn đề mà rất nhiều bạn mắc phải khi dịch thuật không phải là ở tiếng Anh mà lại là ở tiếng Việt. Vì tiếng Anh thì đã có từ điển Anh-Anh và Anh-Việt hỗ trợ giúp các bạn nắm được ý tưởng của từ, của câu. Nhưng vấn đề ở chỗ dù đã hiểu được ý tưởng của câu nhưng bạn các bạn vẫn dịch rất ngô nghê. Là bởi kĩ năng tiếng Việt cụ thể là kĩ năng diễn đạt ý tưởng, trình bày vấn đề bằng tiếng Việt của bạn quá kém. Rất mong các phóng viên và nhà báo không chuyên của chúng ta chịu khó đọc thêm sách báo tiếng Việt nhiều hơn để trau dồi kĩ năng tiếng Việt.