Còn nhiều lý do khiến việc triển khai bán thẻ trả trước điện tử chậm tiến độ. (Ảnh minh họa)

Mặc dù thẻ nạp tiền trả trước điện tử có rất nhiều sự tiện lợi nhưng quá trình “điện tử hóa” dịch vụ này đang vướng mắc bởi trình độ tin học của giao dịch viên... quá kém.

Nhiều bưu điện tỉnh, thành trên cả nước hiện đã chính thức triển khai dịch vụ bán mã thẻ nạp tiền trả trước (thẻ điện thoại di động, thẻ game, thẻ gọi điện thoại quốc tế, thẻ học tiếng Anh trực tuyến, thẻ học văn hoá trực tuyến...) ứng dụng CNTT (mã thẻ điện tử). Dịch vụ này được đánh giá cao hơn so với việc bán thẻ nạp thông thường, song bước đầu còn nhiều khó khăn.

Khắc phục bất cập của thẻ vật lý

Thay ví mua thẻ giấy để cào (thẻ vật lý) như trước, để nạp tiền vào tài khoản di động, game... người dùng sẽ đến bưu điện để mua một mã thẻ. Ông Phùng Chí Dũng, Trưởng phòng kinh doanh Viễn thông-Tin học của Bưu điện TP. Hà Nội, một trong những đơn vị đầu tiên triển khai cung cấp dịch vụ bán mã thẻ điện tử cho hay, bán mã thẻ điện tử có nhiều ưu điểm hơn như: giảm tối đa hàng tồn kho, không phải mất chi phí phát hành và quản lý thẻ nạp. Đặc biệt, dịch vụ bán mã thẻ điện tử có tính linh hoạt rất cao, việc cung cấp dịch vụ sẽ mềm dẻo hơn, không có chuyện bưu cục, điểm giao dịch bị hết thẻ, không cung cấp dịch vụ được cho khách hàng; đồng thời loại dịch vụ, mệnh giá nạp cũng phong phú hơn.

Bà Đoàn Thị Quý, chuyên viên phòng Kinh doanh tiếp thị (Bưu điện Đắk Lắk), phụ trách việc bán thẻ vật lý cũng cho biết, kinh doanh thẻ vật lý thường gặp những trường hợp thiếu hàng, đặc biệt khi có các chương trình khuyến mãi, do việc vận chuyển thẻ về chậm. Ngoài ra, thẻ vật lý còn dễ hư hỏng do việc cào thẻ có thể gây xước thẻ, mất mã số. Hơn nữa, kinh doanh bán thẻ vật lý vẫn xảy ra trường hợp tồn kho, ứ vốn. “Trước đây, trung bình mỗi tháng Bưu điện Đắk Lắk phải chi trước khoảng 2 tỷ đồng để mua thẻ vật lý. Số vốn này sẽ không phải ứng trước khi triển khai cung cấp dịch vụ mới này”, bà Quý cho biết.

Còn trên phương diện quản lý, bà Quý cũng cho hay, khi triển khai dịch vụ bán mã thẻ điện tử, việc thống kê số thẻ đã bán, số tiền thu được hàng ngày của các bưu cục tại Bưu điện Đắk Lắk cũng dễ dàng, thuận tiện hơn. Bởi lẽ, qua phần mềm quản lý việc bán mã thẻ điện tử có tên ePost và trang web quản trị VNPOSTMgmt, số lượng mã thẻ đã bán liên tục được cập nhật, hiển thị trên hệ thống.

Ảnh
Bưu cục Tràng Tiền (Hà Nội) là một trong những bưu cục hiện đang triển khai dịch vụ bán thẻ điện tử

Còn nhiều khó khăn!

Tuy nhiên, theo ông Phùng Chí Dũng, dù đã có kinh nghiệm triển khai dịch vụ bán mã thẻ điện tử từ tháng 10/2008 nhưng đến nay Bưu điện TP.Hà Nội hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo, tập huấn để đội ngũ nhân viên, giao dịch viên sử dụng thành thạo phần mềm cung cấp dịch vụ bán mã thẻ nạp tiền trả trước. Từ quan điểm cá nhân, ông Dũng cho rằng sự hạn chế, yếu kém về trình độ tin học của giao dịch viên là vướng mắc không nhỏ của Bưu điện Hà Nội trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ bán mã thẻ điện tử. Nhiều giao dịch viên đã được đào tạo, tập huấn nhưng thao tác vẫn rất lúng túng. Mặt khác, bản thân một số giao dịch viên còn có tâm lý e ngại nên việc chuyển dịch cơ cấu dịch vụ chưa được mạnh. Cũng như các bưu điện tỉnh thành khác, Bưu điện Hà Nội vẫn duy trì song song cả việc bán thẻ vật lý và cung cấp dịch vụ bán mã thẻ điện tử song một số giao dịch viên lại “tích cực” bán thẻ vật lý. “Để khắc phục thực trạng nêu trên, không có cách nào khác là phải tiếp tục tăng cường công tác đào tạo tập huấn, kết hợp cả hình thức tổ chức các khóa đào tạo tập trung với hình thức truyền kinh nghiệm ứng dụng thực tế để các giao dịch viên quen dần”, ông Dũng nói.

Còn bà Đoàn Thụy Phương Tuyết Hoa, chuyên viên Phòng kinh doanh tiếp thị, phụ trách triển khai dịch vụ bán mã thẻ điện tử của Bưu điện Đắk Lắk cho hay, mặc dù quy trình cung cấp dịch vụ khá dễ dàng, thuận tiện cho khách hàng song qua hơn 1 tháng triển khai cung cấp dịch vụ tại 12 điểm bưu cục của Bưu điện Đắk Lắk, số lượng mã thẻ điện tử bán được vẫn còn ít. Nguyên nhân là do nhiều người dân vẫn chưa biết đến dịch vụ mới của bưu điện. Tương tự, ông Trương Đức Tính, giám đốc Bưu điện Quảng Trị cũng cho hay số lượng bán được ít vì dịch vụ mới, người dân chưa tiếp cận được nhiều. Còn ông Đoàn Thế Sơn, Giám đốc Bưu điện Quảng Bình cho biết, đơn vị đã nỗ lực để quảng bá thông tin về dịch vụ mới thông qua phát tờ rơi, băng rôn quảng cáo, thông tin tại địa phương như đài truyền hình và báo chí. Thậm chí, các bưu điện còn chấp nhận hạ thấp khoản chiết khấu, để dành tiền tiến hành các chương trình khuyến mãi ban đầu, nhằm thu hút người tiêu dùng đến với dịch vụ này.

Đại diện phụ trách dịch vụ bán mã thẻ nạp tiền trả trước của Bưu điện Bắc Ninh cho biết đã chủ động triển khai chương trình khuyến mãi để kích thích người mua, chấp nhận mức lãi thấp một chút. Hiện nay chương trình khuyến mãi đã phát huy tác dụng, bắt đầu có nhiều người đến các bưu cục ở Bắc Ninh để nạp tiền. Cũng triển khai chương trình khuyến mãi, song ông Sơn thừa nhận không thể “mạnh tay”, làm “ào ào” như các đơn vị, doanh nghiệp bán thẻ bên ngoài vì còn hạn chế về tài chính. “Bưu chính còn nhiều khó khăn, hầu hết anh em đều phải nỗ lực “năng nhặt chặt bị”, thậm chí có những dịch vụ có thể trước mắt chưa có lãi, nhưng tính về lâu dài có thể mang lại doanh thu, bưu điện cũng làm”, ông Sơn nói.

Dịch vụ bán mã thẻ nạp tiền trả trước qua mạng tin học vừa chính thức đi vào hoạt động khoảng 1 tháng, do đó còn mới, các bưu cục, bưu điện đang cố gắng phát huy nhằm góp phần nâng cao doanh thu chung. Khá lạc quan về triển vọng của dịch vụ này, bà Hoa cho hay: “Trong thời gian tới, khi khách hàng đã biết nhiều đến dịch vụ này, chắc chắn doanh thu từ dịch vụ bán mã thẻ điện tử sẽ tăng cao hơn”.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)